Về cho kịp tết

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Mới đầu tháng Chạp, trong tâm tưởng những người con xa nhà đã chộn rộn nghĩ chuyện về quê đón tết. Ngày tết đã mặc định trong lòng người là đoàn viên, sum họp gia đình bên mâm cơm chiều tất niên, là được thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên trong thời khắc giao thừa. Có làm gì, ở đâu, dẫu xa xôi cách trở đến mấy thì cũng lo chuẩn bị cho chuyến về quê, về thôi cho kịp đón tết…

Những năm của thời bao cấp, mỗi chuyến đi về là mỗi lần khổ sở tàu xe. Ngày giáp tết, người người kéo nhau về quê nên càng cực hơn. Tàu xe hiếm hoi, nhếch nhác, mà xa đến đâu cũng chỉ có tàu hỏa và xe đò. Xe đò thì phải xếp hàng từ 3-4 giờ sáng, có khi đến lượt thì hết vé. Đi tàu hỏa thời ấy là những kỷ niệm… hành xác không thể nào quên. Chả thấy có gì là mơ mộng như thơ của Tế Hanh: “Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu/ Ngàn đời không đủ sức đi mau/ Có chi vướng víu trong hơi máy/ Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau…”. Thời bao cấp, trừ tàu Thống Nhất ra, những tàu khách địa phương vẫn được gọi là tàu chợ. Tàu chạy ì ạch, đầu máy hơi nước cổ lỗ phun khói đen ngòm làm mặt hành khách ai cũng như Bao Công. Tàu chợ là lãnh địa của những người buôn chuyến, đủ loại hàng từ áo quần, khoai sắn, mắm muối đến cả gà vịt… Kinh nghiệm ngày ấy là tàu vừa vào ga, chớ có xớ rớ đến gần vì bao tải, đòn gánh sẽ lao ầm ầm xuống trước.

Những năm 1980, tôi học ở Hà Nội. Thuở ấy, sinh viên có nhiều chế độ ưu tiên. Mới đầu tháng Chạp, ga Hà Nội đã cử người vào tận ký túc xá bán vé tàu tết cho sinh viên theo danh sách các khoa đăng ký. Cầm chiếc vé tàu trên tay, lòng rạo rực mơ ngày lên tàu về quê, đã thấy trước mắt những ngày tết thật đầm ấm, hạnh phúc trong gia đình. Kể từ khi mua vé, cả đám bạn trong phòng chỉ mơ mòng chuyện tết nhất, khoe phong tục đón tết quê mình... không còn tâm trí đâu mà học, mặc dù trường luôn bố trí lịch thi học kỳ vào những ngày giáp tết.

Rồi ngày về quê cũng đến. Cả đêm thao thức. Trời Hà Nội lạnh cóng, đám sinh viên co ro đón chuyến xe buýt đầu tiên lúc 5 giờ sáng để ra ga. Ga Hà Nội những ngày này tổ chức các điểm đón khách từ các phố lân cận, rất xa nhà ga. Một tấm lều bạt căng lên, làm chỗ ngồi trực cho nhân viên. Hành khách đứng xếp hàng dọc phố, tới giờ nhân viên nhà ga cùng… công an dẫn khách rồng rắn vào ga.

Ngày giáp tết, nhà tàu tăng cường thêm chuyến. Toa xe không đủ nên trưng dụng những toa chở hàng (còn gọi là toa đen) để chở khách. Ngày thường, những toa này chỉ chở hàng hóa hoặc chở… trâu bò. Cái toa sắt trần sì, chỉ có 2 cửa 2 bên để lên xuống, chẳng có ghế ngồi cũng chẳng có cửa sổ. Vậy mà ngày ấy, trèo lên được toa tàu, len lỏi trong đống hàng hóa, bao bị cao ngất đã là hạnh phúc. Ngày giáp tết nên dân buôn hàng đi lại tấp nập, bao tải hàng xếp kín lòng toa. Xã hội khi đó vẫn gọi họ là dân phe, những người vì miếng cơm manh áo mà táo tợn, chanh chua. Chen lấn mãi mới chui được vào toa đã bị quát giật giọng: “Ông lỏi ơi tránh xa ra, hỏng mẹ nó hết hàng của người ta đấy”. Tôi may mắn được ngồi vắt vẻo trên mấy bao bắp bên cửa, mặc cho gió lạnh căm căm.

Tàu qua cầu Long Biên, hai bên đường tàu là những cánh đồng rau đang vụ đông ẩn hiện sau làn mưa phùn. Những hàng cột điện thẳng tắp, trên dây có mấy con chim sáo co ro, nhìn như một khuông nhạc buồn trong buổi sáng mùa đông lạnh. Thảng hoặc có những cánh đồng đang đổ ải, đất cày phơi trắng xóa, những chú chim chìa vôi nhảy quanh luống đất, bên những màng nhện đẫm sương… Đang thả hồn mơ màng với cảnh sắc thì bị một bà to mập túm vai rất phũ phàng: “Ông lỏi ơi, tránh ra cho người ta xuống hàng”. Vừa kịp nhảy khỏi đống bao thì bà mập đã thoăn thoắt đẩy các bao tải xuống đường. Ngày ấy, khi chuẩn bị vào ga, tàu chạy rất chậm, dân buôn tranh thủ đẩy hàng xuống để không phải vào ga, trốn được thuế.

Cứ vậy, con tàu già nua ì ạch bò tới từng ga, đến mỗi ga nằm chờ cả tiếng đồng hồ để tránh nhau. Đến hơn 12 giờ đêm rồi cũng về tới ga gần nhà. Tính ra để đi được chặng đường 90 cây số từ Hà Nội về quê, con tàu đi mất hơn 20 giờ! Xuống ga mới biết có bao nhiêu bạn học ở các trường khác quanh Hà Nội cũng về cùng chuyến. Những gương mặt phờ phạc vì đói, đen nhẻm khói than chợt tươi lên, mừng rỡ trong niềm vui hội ngộ. Từ ga về nhà còn cả chục cây số nữa, có bạn đường là quá vui rồi. Cả bọn hăm hở cuốc bộ, trò chuyện râm ran. Đói, lạnh có là gì đâu khi mái nhà thân thương đang chờ phía trước. Cả một ngày dài đằng đẵng trên tàu đã ở phía sau rồi, trước mắt chỉ còn niềm hạnh phúc khi lát nữa thôi, sẽ đập cửa gọi thật to: Mẹ ơi, con về rồi!

Vất vả, khổ sở gì thì cũng phải về cho kịp tết. Bao nhiêu năm đã qua, vẫn vẹn nguyên những háo hức của những ngày cuối năm về quê. Thấy thương những kỷ niệm của một thời, và giống như Tế Hanh, chợt thương những chuyến tàu…

THỦY NGÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252126/ve-cho-kip-tet.html