Về chuyện vài người Mỹ 'may mắn' ở Sơn Mỹ
Tôi gọi đó là sự 'may mắn' – cái may mắn thức tỉnh lương tâm giữa diễn biến thảm sát ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) để những người Mỹ này bớt bị dằn vặt cả đời người.

Bia ghi 504 nạn nhân thiệt mạng trong vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16/3/1968 (còn gọi là thảm sát Mỹ Lai). Ảnh: THÀNH CHUNG
Nhưng tôi cũng băn khoăn về cách gọi này. Nó có gì đó động chạm đến nỗi đau vô tận của người Sơn Mỹ suốt 57 năm qua.
Bởi vậy, trong hành trình về phương Nam nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng tôi đã tới thăm viếng Khu chứng tích Sơn Mỹ, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Ở đây, tôi lại rùng mình khi đứng trước tấm bia lớn ghi danh sách 504 nạn nhân vụ thảm sát xảy ra vào ngày 16/3/1968 (còn gọi là thảm sát Mỹ Lai).
Dòng thứ 25 là Nguyễn Thị Bé, 1 tuổi, giới tính nữ.
Dòng thứ 26 là Nguyễn Thị Bé, 3 tuổi, giới tính nữ.
Dòng thứ 27 khắc Phạm Thị Bé, 1 tuổi, giới tính nữ…
Những em bé Sơn Mỹ năm 1968 có tội gì? Tôi đã nhiều lần tự hỏi và tự trả lời.
Họ không có tội gì. Trên thế giới này không có trẻ em nào có tội. Sau 57 năm, nếu không có cuộc thảm sát ấy, bây giờ họ mới ngót 60 tuổi, chưa đến tuổi nghỉ chế độ hưu trí nếu tham gia công tác xã hội…
Tôi lật hồ sơ Sơn Mỹ. Những trang thấm đẫm máu tươi của người già, trẻ em, chủ yếu là nữ… Họ bị dẫn ra cánh đồng, bị dồn xuống mương nước… rồi xả súng. Nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc bị cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể…
Thảm kịch đau đớn đó diễn ra trên cánh đồng lúa, trên cánh đồng khoai lang, trong nhà dân, ngay trong làng quê Sơn Mỹ.
Đây là một vùng quê cách mạng. Người dân yêu nước và kiên cường. Họ bảo vệ những chiến sĩ cộng sản như bao vùng quê khác trên dải đất chữ S này. Họ căm ghét lũ cướp nước. Và họ bị trả thù hèn hạ trong chiến dịch tìm diệt của lính Mỹ sau Tết Mậu Thân 1968.
Giữa sự tàn ác khốc liệt của chiến tranh, giữa bầy sõi lính Mỹ nhăm nhăm nã đạn vào dân thường lại xuất hiện vài trái tim con người. Họ là những người Mỹ thức tỉnh, những người tôi đã gọi là "may mắn".
Một lính Mỹ đã tự bắn vào chân mình, bị thương để không phải tham gia vào cuộc bắn giết những thường dân vô tội.
Câu chuyện của viên phi công Thompson bay qua Sơn Mỹ và phát hiện những xác chết đã nỗ lực cứu những thường dân vô tội thoát khỏi họng súng của lính Mỹ. Anh đã yêu cầu xạ thủ trên trực thăng hướng nòng súng về phía lính Mỹ, nổ súng nếu họ tiếp tục giết hại dân làng. Thompson đã đưa được một số người lên trực thăng bay đi…

Cựu binh Mỹ Billy Kelly đã gửi 504 bông hồng để tưởng niệm 504 người dân Sơn Mỹ bị giết hại. Ảnh: BÁO QUẢNG NGÃI
Một cựu binh Mỹ cứ đến ngày tưởng niệm nạn nhân cuộc thảm sát Mỹ Lai lại bay từ bên kia bán cầu đến Sơn Mỹ để kéo vỹ cầm tưởng nhớ những thường dân vô tội. Những thước phim “Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai” vốn đã rất nổi tiếng. Nó vừa giống như sự ăn năn, giống như mong muốn hòa giải, giống như âm thanh xoa dịu nỗi đau của người dân Sơn Mỹ và của người Mỹ có lương tri.
Rồi một cựu binh Mỹ khác, ông Billy Kelly đến khi sức yếu không sang tận nơi được đã luôn gửi 504 bông hoa hồng sang viếng 504 nạn nhân.
Người Mỹ làm vậy để hối cải phần nào.
Nếu không có những quyết định như trên, không có những việc như trên, họ sẽ bị ám ảnh lương tâm cả đời. Gia đình họ, con cái họ không xóa bỏ được những ám ảnh, hối lỗi... Cho nên họ đã "may mắn" khi thức tỉnh lương tâm vào thời điểm dã man nhất của cuộc thảm sát. Họ đã thức tỉnh lương tâm sau khi cuộc thảm sát diễn ra, sau cuộc chiến.
Những người lính Mỹ đã không thắng trong cuộc thảm sát này, họ đã thua. Họ thua về lương tri và phẩm giá. Những người lính Mỹ đã dằn vặt. Theo báo chí Mỹ, nhiều người sau đó mắc các căn bệnh hội chứng stress hậu chấn động (PTSD) nặng nề.
Những người dân Sơn Mỹ vô tội, trong tay không có một thứ vũ khí gì. Họ không ngờ thảm họa ập xuống đầu và họ không có lối thoát… Cái chết thảm thương của họ đã thức tỉnh lương tri của nhiều người Mỹ, đẩy phong trào phản chiến lên cao ngay trong lòng nước Mỹ thời gian sau đó.

Khu chứng tích Sơn Mỹ trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Quảng Ngãi. Ảnh: BÁO QUẢNG NGÃI
Giờ đây, Sơn Mỹ đã hồi sinh. Người dân Sơn Mỹ tràn đầy lòng vị tha cao cả. Trên trán những người ở lại còn chồng những nếp nhăn, trong khóe mắt đã khô khốc, nhưng trái tim họ không mang hận thù. Tha thứ là thứ vũ khí hiệu nghiệm nhất để an ủi vong linh những người đã ra đi trong cuộc thảm sát năm 1968, với những thân nhân vốn đã bị tổn thương nặng nề.
Đó là nhân văn, là hòa giải.
Mặc cho người Mỹ, nước Mỹ còn nợ mảnh đất này quá nhiều…
Sáng 16/3/1968, các đơn vị lính lục quân Mỹ đã thảm sát 504 người dân Sơn Mỹ trên tay không có vũ khí, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em; 247 ngôi nhà bị thiêu hủy, hàng nghìn gia súc, gia cầm bị giết chết, lương thực và mùa màng bị đốt sạch, phá hoại hoàn toàn.
Vụ thảm sát đã gây chấn động dư luận thế giới về tội ác chiến tranh, tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay trên đất Mỹ.

Đoạn mương nước, nơi giặc Mỹ giết hại 107 người dân vô tội được phục dựng lại trong Khu chứng tích Sơn Mỹ
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ve-chuyen-vai-nguoi-my-may-man-o-son-my-409299.html