Về đất Bái Đô
Vùng đất Bái Đô, Bái Thượng (ngày nay là xã Xuân Bái) là 'địa đầu' phía Tây huyện Thọ Xuân - nơi 'đón nhận' dòng nước sông Chu (tức Lương giang) xanh mát. Sông Chu không chỉ bồi đắp phù sa màu mỡ cho đồng đất nơi đây; mà còn tạo nên tuyến giao thông huyết mạch, thuận tiện giao thương cho cả vùng. Nhờ đó, từ hàng trăm năm trước, Bái Đô, Bái Thượng đã nổi tiếng bởi sự phát triển trù mật và sầm uất.
Theo lưu truyền tại địa phương, thuở xa xưa, Xuân Bái vốn là rừng nguyên sinh rậm rạp, trải dài từ hữu ngạn sông Chu xuống tận Thọ Lâm, Tứ Trụ. Qua thời gian, nhờ bàn tay, khối óc, cần lao của con người, đã tạo nên một Bái Đô, Bái Thượng “cận thị, cận giang” đất rộng, người đông, xóm làng trù mật. Trên mảnh đất Xuân Bái, buổi đầu lập làng lấy tên là Bái Đô, sang thời Hậu Lê mới chia tách thành hai làng Bái Đô, Bái Thượng. Vùng đất cổ đã có lịch sử lập làng cách ngày nay đến cả nghìn năm.
Về địa thế của vùng đất cổ Bái Đô, sách Lịch sử xã Xuân Bái, viết: “Xuân Bái là nơi địa đầu của huyện đón nhận dòng nước trong mát của sông Chu. Nơi gặp gỡ của 2 dòng sông Đạt và sông Âm... Sông Chu là đường giao thông thuận lợi nối liền miền núi với miền xuôi... Trước đây, sông Chu được coi là tuyến giao thông huyết mạch của Thọ Xuân, rất thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán giữa các miền”.
Thuở sơ khai, đất và người Bái Đô đã gắn bó máu thịt với dòng Lương giang - con sông hung dữ về mùa mưa lũ nhưng cũng rất đỗi hiền hòa trong mùa nước cạn. Đặc biệt, sông Chu trong sử liệu còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, như sông Lương, sông Phủ, sông Sủ. Lý giải về tên gọi sông Chu, sách Lịch sử xã Xuân Bái “cho rằng”: “Chính trên dòng sông Sủ mà khi người Pháp thiết kế công trình đập Bái Thượng phiên âm thành sông Chu. Tên sông Chu mới có khi có đập nước Bái Thượng. Lâu rồi thành quen, các sách, báo và cả người dân đều gọi sông Sủ là sông Chu”.
Nhắc đến đất Bái Thượng, không thể không nhắc đến đập thủy lợi mang tên vùng đất này. Trên dòng sông Chu, để phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa, đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân đã tiến hành xây dựng công trình thủy lợi - đắp con đập lớn ở thượng nguồn sông Chu. Và đó chính là đập Bái Thượng.
Theo sách Thọ Xuân di tích và danh thắng, đập Bái Thượng là công trình thủy lợi lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. “Công trình này phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa và vơ vét thóc gạo của thực dân Pháp. Công trình được thăm dò thiết kế từ năm 1898 nhưng phải dừng lại vì chiến tranh thế giới thứ I (1914-1918). Công trình được khởi động lại sau khi chiến tranh thế giới I kết thúc, Pháp là nước thắng trận. Dự án được toàn quyền Đông Dương duyệt chính thức vào ngày 24/1/1918 và khởi công vào ngày 28/3/1920. Đây là đập ngăn nước dài 160m, rộng 21m ở chân (có tài liệu viết rộng hơn 15m) và 3m bề mặt, do đó khi nhìn thấy mặt hông của đập là hình thang. Hai đầu của con đập được dựa vào dãy núi vững chắc. Nó có thể nâng mức nước thấp từ 11m lên 16m80. Toàn bộ công trình được xây bằng bê tông cốt thép. Khi xây móng, phải xuống độ sâu 2m mới gặp nền đá, hơn nữa độ cao, thấp lại không đều nhau, do đó bề cao nhất của công trình lên đến 21m”. Việc xây dựng đập Bái Thượng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều đời toàn quyền Đông Dương bấy giờ.
Sau 7 năm xây dựng, năm 1926 đập Bái Thượng đã đi vào hoạt động, đảm bảo tưới nước cho trên 60.000 ha đất canh tác thuộc lưu vực sông Chu, trong đó có nhiều đồn điền trồng lúa, bông và cây trồng khác.
Trong cuộc kháng chiến vệ quốc của Nhân dân ta, cũng chính thực dân Pháp năm 1952 đã ném hàng trăm quả bom xuống đập Bái Thượng nhằm phá hủy công trình. Năm 1954, hòa bình lập lại, hàng vạn dân công, bộ đội và hàng trăm kỹ sư, thợ kỹ thuật đã cùng nhau về đất Bái Thượng chung sức sửa chữa công trình thủy lợi. Giữa lúc những sức người đang hăng say lao động trên công trường, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư thăm hỏi, động viên. Vâng lời Người, việc sửa chữa đập Bái Thượng đã hoàn thành chỉ sau chưa đầy 1 năm.
Nằm bên sông Chu, Bái Đô, Bái Thượng là vùng đồng đất rộng lớn, màu mỡ với nhiều xứ đồng được đặt tên, như: Đồng Bưu; Vòi Bơm; Vạt Ải; Mục Cái... Đất đai tốt tươi, Bái Đô, Bái Thượng đã thu hút các dòng họ về đây sinh cơ, lập nghiệp. Nếu như phần lớn người dân Bái Đô đến đây từ khi lập trang (làng) thì cư dân Bái Thượng lại xuất hiện muộn hơn và một phần không nhỏ người dân Bái Thượng ngày nay là hậu duệ của lớp cư dân nhập cư đến vùng đất này đầu thế kỷ XX.
Với sức hấp dẫn của vùng đất “cửa ngõ” nối liền đồng bằng với trung du, miền núi có nhiều nông sản, lâm sản. Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Bái Thượng đã nhanh chóng trở thành nơi trao đổi, mua bán hàng hóa sôi nổi của cả vùng. Dòng sông Chu và kênh Nông giang đã trở thành con đường đi ngược, về xuôi thật sinh động. Qua con đường trao đổi và mua bán hàng hóa, nhiều thương nhân trong nước và cả Hoa Kiều vì mến người, mến cảnh đã đến và ở lại đây sinh cơ, lập nghiệp lâu dài. Từ sự thuận lợi giao thương, chợ Bái Thượng đã được thành lập, “nhanh chóng trở thành một trung tâm buôn bán lớn của Thanh Hóa và thu hút được rất đông người Việt, người Hoa ở dưới xuôi và Bắc kỳ lên, đồng thời thu hút được người từ các huyện miền núi và Lào xuống. Đây là chợ có sự giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa điển hình giữa người miền xuôi với người miền ngược” (sách Lịch sử xã Xuân Bái). Cho đến ngày nay, chợ Bái Thượng vẫn là chợ sầm uất bậc nhất trong vùng.
Là vùng đất tốt tươi, con người tháo vát, trong quá trình hình thành và phát triển, vùng đất Bái Đô, Bái Thượng cũng được biết đến là quê hương của nhiều công thần, trong đó có danh tướng Lý Triện (Lê Triện).
Cũng nhờ đời sống vật chất đủ đầy, người dân Bái Đô, Bái Thượng đã sớm quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần - xây dựng các công trình văn hóa, tín ngưỡng tâm linh giàu giá trị. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, trên đất Xuân Bái trước đây có đến 13 di tích đình, đền, nghè, miếu, chùa... Tuy nhiên đáng tiếc, vì nhiều nguyên do, đến nay phần lớn chỉ còn lại dấu tích, lưu trong ký ức, chuyện kể của người cao tuổi.
Ông Phạm Văn Sơn - Công chức văn hóa xã Xuân Bái, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Bái có chùa Linh Cảnh đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tại chùa hiện còn lưu giữ một số pho tượng cổ, sắc phong qua các triều vua. Ngoài thờ Phật, thờ Mẫu, tại chùa Linh Cảnh còn thờ 3 vị công thần thời Hậu Lê. Vào tháng 2 (âm lịch) hàng năm, tại di tích chùa Linh Cảnh diễn ra lễ hội truyền thống của đất và người Xuân Bái, thu hút đông đảo người dân, khách thập phương về dự lễ, vui hội...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/ve-dat-bai-do-nbsp/29024.htm