Về đây mặc áo the, đi guốc mộc!

Theo nhiều tài liệu ghi chép, nghề làm guốc mộc có mặt tại Bình Dương từ đầu thế kỷ XX. Từ những năm 1900, theo dấu chân của những người di dân, guốc mộc đã bắt đầu xuất hiện ở Nam kỳ lục tỉnh. Thời ấy, không phải ai cũng có điều kiện mặc đồ âu phục, đi giày Tây. Guốc mộc trở thành món 'thời trang' bình dân đại chúng, từ nam phụ, lão ấu đều có thể mang guốc mộc.

Món thời trang sang chảnh một thời

Theo lời kể của nghệ nhân Sáu Dẻo (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một), từ đời ông nội gia đình ông đã biết làm guốc. Ông nội truyền nghề cho cha ông, cha ông lại truyền lại cho con cháu. Nghề làm guốc khi ấy đủ sức tạo ra sự phồn vinh cho kinh tế gia đình. Cứ thế, ông bám trụ với nghề ròng rã hơn 60 năm, khi vào lứa tuổi “thất thập cổ lai hy” ông mới chịu ngơi tay, truyền nghề lại cho con cháu.

Cơ sở sản xuất guốc mộc truyền thống ở phường Phú Thọ

Trong ký ức của nhiều người, thời bao cấp guốc mộc là mặc hàng được nhiều người ưa chuộng. Nhiều chị em, cô dì... có điều kiện còn sắm hẳn cho mình hai ba đôi guốc, cái để đi chơi, cái để dự tiệc… Guốc mộc là món thời trang mà nam phụ, lão ấu đều có thể sử dụng.

Tại Bình Dương, cùng với tiếng lốc cốc xe thổ mộ, tiếng guốc mộc khua ngõ, từng là niềm tự hào của người dân nơi đây. Ngày xưa, có đến hàng trăm cơ sở sản xuất guốc mộc, không những cung cấp cho thị trường trong nước mà guốc mộc còn được xuất khẩu tại một số nước châu Á.

Nghề làm guốc cũng giúp cho hàng trăm lao động có việc làm. Từ tuổi trẻ đến cụ ông 70 - 80 tuổi nếu còn sức đều có thể tham gia vào một trong các công đoạn làm ra một đôi guốc mộc. Phụ nữ khéo tay thì nhận khâu vẽ trang trí họa tiết trên guốc, trai tráng lực điền thì xẻ gỗ, đục phôi… Cứ thế, họ cùng giúp nhau có thêm việc làm lúc nông nhàn.

Nói đến xuất khẩu guốc, không thể không kể đến Công ty guốc Hùng Thái, TP.Thuận An là đơn vị đi đầu. Mỗi năm công ty cung cấp cho thị trường xuất khẩu hàng chục ngàn đôi guốc, trở thành một trong những niềm tự hào của Bình Dương về nghề guốc truyền thống.

Níu giữ hồn quê

Trước đây, riêng ở Bình Nhâm đã có hàng trăm cơ sở làm guốc mộc, bình quân mỗi cơ sở sản xuất 500 - 700 đôi guốc mỗi ngày, hàng hóa làm ra tới đâu bán hết tới đó. Ngoài nguồn khách từ các tỉnh, thành lân cận, khách thương hồ theo đường sông Sài Gòn về Bình Nhâm thu mua guốc rồi lại phân phối về các tỉnh miền Tây. Còn hiện nay, tại Bình Nhâm chỉ còn một số gia đình đang giữ nghề cha ông truyền lại.

Nay, sản phẩm guốc mộc bị cạnh tranh gay gắt bởi thị hiếu tiêu dùng đã có nhiều thay đổi. Giày da, dép nhựa… trở thành đối thủ khó chịu đối với guốc mộc. Âu cũng là quy luật tất yếu của sự phát triển, khi nguồn cầu giảm, thì số có sở sản xuất guốc mộc cũng giảm dần. May thay, vẫn còn đó những nghệ nhân yêu nghề. Dù sức khỏe không còn, những người lão làng trong nghề làm guốc đã truyền dạy lại cho thế hệ con cháu để níu giữ hồn quê

Dì Năm Ly là nghệ nhân có tiếng của làng guốc mộc Phú Văn, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một. Hiện nay, dì phải thu hẹp quy mô cơ sở, thợ chỉ còn 3 - 4 người, chủ yếu là con cháu trong nhà. Mỗi tuần cơ sở chỉ xuất được vài chục đôi guốc. Hơn 50 năm theo chồng là từng đó quãng thời gian dì gắn bó với nghề làm guốc. Hiện tại phường Phú Thọ chỉ còn 4 - 5 cơ sở làm guốc giữ nghề truyền thống. Các cơ sở này đang rất cần nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để hiện đại hóa máy móc, theo kịp thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.

Trong đề án Phát triển du lịch sinh thái Bình Dương đã xây dựng việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống. Hy vọng trong tương lai, nghề guốc mộc được bảo tồn và phát triển, thế hệ trẻ yêu nghề truyền thống sẽ tiếp nối cha ông, quyết tâm gìn giữ nghề làm guốc đã có hàng trăm năm tuổi. Để mai này, du khách ghé thăm Bình Dương lòng bồi hồi như lời bài hát “Về đây nghe em” của nhạc sĩ tài ba Trần Quang Lộc: “Về đây nghe em, về đây mặc áo the, đi guốc mộc”...

Phùng Hiếu

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/ve-day-mac-ao-the-di-guoc-moc--a293613.html