Vẻ đẹp bức họa 'Người đi tìm hình của nước'

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 / 5-6-2021), họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng đã khắc họa hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi, nhưng cương nghị, rắn chắc, tràn đầy sức sống và niềm tin khi bước lên con tàu Amiral Latouche Tréville để bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc qua tác phẩm 'Người đi tìm hình của nước'.

Tôi tìm đến nhà riêng của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng vào một chiều tháng 5 tại ngõ 218 Lạc Long Quân (phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) để nghe ông kể về quá trình lên ý tưởng và sáng tác bức tranh “Người đi tìm hình của nước”. Họa sĩ Quốc Thắng cho hay: “Tôi có mấy người bạn thân là nhà văn, nhà báo. Một lần, họ nói với tôi rằng: Anh Thắng này, anh hãy thử vẽ bức tranh mô tả về sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước xem sao. Lúc đó tôi nghĩ, hình ảnh Bác Hồ trong suy nghĩ của hầu hết đồng bào Việt Nam là một người đẹp lão, tóc bạc phơ, cả đời vì nước, vì dân. Bây giờ, mình vẽ về chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành mới 21 tuổi, đầy sức sống và niềm tin khi đi tìm đường cứu nước chắc chắn là một thử thách không nhỏ. Thế là sau vài đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi quyết định vẽ”.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và tác phẩm “Người đi tìm hình của nước”.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và tác phẩm “Người đi tìm hình của nước”.

Theo họa sĩ Quốc Thắng, vẽ hình ảnh Bác Hồ thời trai trẻ có nhiều cái khó, trong đó phải làm sao sau khi hoàn thành tác phẩm người xem nhận ra ngay đây là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Trong quá trình sáng tác, họa sĩ Quốc Thắng đã được nhiều bạn bè gửi thông tin, tư liệu và góp ý. Ngoài ra, ông cũng lên mạng Internet tìm một số hình ảnh về Bác Hồ thời thanh niên. Họa sĩ Quốc Thắng cho hay: “Khi mô tả khoảnh khắc Bác Hồ lên tàu, tôi có thêm hành lý của Người là một cái tay nải. Tàu viễn dương rất cao, phải có cầu tàu để bắc lên, nhưng mỗi bước chân của Bác tiến về phía trước đều được chuyển động trong nếp trang phục trong gió. Đặc biệt bàn tay của Bác nắm chặt như thể hiện một quyết tâm, nghị lực, mặc dù trước mặt chàng trai 21 tuổi khi ấy là một chân trời xa lạ”.

Sau những cân nhắc từng nét vẽ, họa sĩ Quốc Thắng đã hoàn thành bức tranh sơn dầu “Người đi tìm hình của nước” với kích thước 90x120cm và nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn, bạn bè và những người yêu hội họa. NSƯT Nguyễn Nghiêm Nhan (Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự-Đài Truyền hình Việt Nam) đánh giá: “Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho văn nghệ sĩ. Họa sĩ Quốc Thắng đã làm mới về một đề tài quá quen thuộc”. Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Huân xúc động khi xem tranh: “Bức tranh của họa sĩ Quốc Thắng vẽ quá đẹp. Tranh đẹp cả ý, cả hình”.

 Tác phẩm "Người đi tìm hình của nước".

Tác phẩm "Người đi tìm hình của nước".

Sinh năm 1954 tại Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng từng có thời gian học tập tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm giáo viên môn Mỹ thuật tại Trường nội trú con liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân (nay là Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân) cho đến khi nghỉ hưu. Khi nhắc về những học trò là con em liệt sĩ mà ông từng dạy, họa sĩ Quốc Thắng tự hào kể về những cái tên khá nổi bật như: Họa sĩ Nguyễn Huy Tính, nhà điêu khắc Đoàn Ngà, họa sĩ Nguyễn Mạnh Cường... Được biết, họa sĩ Quốc Thắng yêu thích vẽ tranh từ nhỏ, nhưng chỉ khoảng 6 năm trở lại đây ông mới dành tối đa sức lực và thời gian để sáng tác. Ông là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2012. Đến nay, họa sĩ Quốc Thắng đã có 4 cuộc triển lãm nhóm, trong đó triển lãm mới nhất có tên "Giao mùa" nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của giới hội họa.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc/chuyen-ve-nguoi/ve-dep-buc-hoa-nguoi-di-tim-hinh-cua-nuoc-661596