Vẻ đẹp cụm đình, chùa Quang Ốc
Bắc Lý là vùng đất cổ, nằm bên dòng sông Long Xuyên huyền thoại, nơi ra đời những điệu hát múa dân gian Lải Lèn đậm màu sắc linh thiêng, nơi có những lễ hội độc đáo riêng có, nơi lưu giữ cuốn sách đồng cổ nặng nhất Việt Nam. Để giữ gìn những nét văn hóa dân gian đó là những di tích lịch sử văn hóa dày đặc trên vùng đất này, trong đó có cụm di tích đình, chùa Quang Ốc mà sự ra đời mang nhiều huyền tích cùng những câu chuyện nhân gian phảng phất từ ngàn xưa.
Bắc Lý là vùng đất cổ, nằm bên dòng sông Long Xuyên huyền thoại, nơi ra đời những điệu hát múa dân gian Lải Lèn đậm màu sắc linh thiêng, nơi có những lễ hội độc đáo riêng có, nơi lưu giữ cuốn sách đồng cổ nặng nhất Việt Nam. Để giữ gìn những nét văn hóa dân gian đó là những di tích lịch sử văn hóa dày đặc trên vùng đất này, trong đó có cụm di tích đình, chùa Quang Ốc mà sự ra đời mang nhiều huyền tích cùng những câu chuyện nhân gian phảng phất từ ngàn xưa.
Chùa Quang Ốc rộng trên 3.000m2, nằm biệt lập với khu dân cư, quay mặt về phía mặt trời lặn. Khuôn viên chùa có khu tháp mộ và nhiều cây cổ thụ bao quanh tạo nên bầu không khí yên tĩnh, linh thiêng và trong lành. Chùa hình thành với câu chuyện kể về tướng Nguyễn Như Lâm thời vua Lê Thái Tổ và chúa Trịnh Kiểm. Nguyễn Như Lâm là người có công dẹp giặc ở châu Mường Lễ (Lai Châu) do con trai tù trưởng nơi đây cầm đầu nổi lên quấy phá. Trong một lần đi việc quan quân, ông đi qua huyện Nam Xương đến vùng đất Bắc Lý, thấy nơi đây là vùng đất tốt liền xin phép nhà vua cho đem gia quyến đến tiến hành khai hoang, mở đất. Khi làng xóm đã hình thành, người từ các nơi nghe tiếng kéo đến xin định cư ngày một đông, Nguyễn Như Lâm liền đặt tên cho nơi ở mới là ấp Quang Tiền, cũng là lúc ông xin cáo quan về ở hẳn nơi đây. Ngoài việc gieo trồng, cấy hái, ông còn dạy dân nghề nuôi cá, ép hạt cây để lấy dầu. Sản phẩm làm ra, một phần phục vụ đời sống hằng ngày, một phần đem trao đổi, mua bán ở khu vực Cầu Không ngày nay.
Vào khoảng năm Canh Thân (1560), dưới triều vua Lê Anh Tông, trong một lần đem quân đi đánh Mạc Đăng Doanh, chúa Trịnh Kiểm đã dừng chân nghỉ lại ở ấp Quang Tiền. Được nhân dân đón tiếp niềm nở, chu đáo nên sau khi trở về, ông đã cho nhân dân tiền của để xây dựng đền, chùa rồi đổi tên ấp Quang Tiền thành ấp Quang Ốc với ý nghĩa là ngôi làng có những lầu ốc sáng sủa. Năm Quý Hợi (1563), có ông Đỗ Công Hưng theo lệnh vua Lê đi sứ Ma Cao. Khi thuyền đến quãng sông gần ấp Quang Ốc, ông mơ thấy có vị thần đến chỉ bảo cách ứng xử với vua Ma Cao. Tỉnh dậy, ông liền rời thuyền lên bờ tìm vào đền lễ bái rồi nghỉ tại nơi đây một đêm. Sau khi công việc đi sứ xong xuôi, Đỗ Công Hưng đã cấp tiền bạc cho nhân dân địa phương sửa chữa lại cả đền và chùa.
Chùa Quang Ốc gồm 2 tòa, 9 gian thiết kế kiểu chữ Đinh. Công trình nổi bật hơn cả là tòa bái đường 5 gian với lối kiến trúc mái thẳng lợp ngói nam. Chùa được xây dựng theo phong cách nghệ thuật của thời nhà Nguyễn. Nối liền với tòa bái đường, bằng kỹ thuật giao mái bắt vần độc đáo là 4 gian tam bảo mái phẳng lợp ngói nam, xung quanh xây tường gạch. Các vì kèo trong tòa tam bảo làm theo kiểu chồng giường. Mê cốn đặt trên bộ khung được liên kết bởi 6 cột tròn và hệ thống câu đầu, xà lòng, xà nách bằng gỗ lim chắc khỏe. Trên vì kèo ngoài cùng của tòa tam bảo lắp bộ cửa võng trang trí kiểu rồng chầu, tứ linh với nghệ thuật đục trạm, nhấn tỉa sắc nét được phủ một lớp sơn son thếp vàng.
Chùa Quang Ốc còn bảo lưu được hệ thống tượng pháp, tuy không còn nhiều, nhưng tương đối đầy đủ bao gồm các pho Tam Thế, A Di Đà, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thổ Địa, Thánh Tăng, Bồ Tát, Phật Bà 12 tay, tòa Cửu Long và tượng Hộ pháp. Các tượng đều được phủ một lớp vàng son lộng lẫy. Phía trước tượng Thích Ca đặt một mảng chạm đề tài "Cửu Long tranh châu" với nghệ thuật kênh bong điêu luyện. Với những giá trị lịch sử, văn hóa nêu trên, năm 1996 chùa Quang Ốc được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Là công trình kiến trúc quy mô, mặc dù đã nhiều lần tu sửa nhưng vẫn bảo lưu được phong cách nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Cùng với chùa Quang Ốc là đình Quang Ốc. Vị trí của đình Quang Ốc hiện nay gắn với câu truyện đã ra đời hơn 400 năm nay ở Quang Ốc. Chuyện kể rằng, con gái Trưởng bạ (người giữ sổ sách trong làng) làng Quang Ốc nên duyên với con trai, của Trưởng bạ làng Nội Rối. Cuộc sống của hai làng vẫn êm ả, yêu quý nhau nhưng đến khi cuốn sổ điền (sổ địa chính) của gia đình ông Trưởng bạ làng Quang Ốc bị mất thì xung đột xảy ra. Nguyên nhân là vì làng Nội Rối quá nghèo, 2 vợ chồng sống vô cùng khó khăn. Một hôm, hai vợ chồng tâm sự với nhau, chồng nói vợ về nhà lấy sổ điền của bố đẻ mang về để chữa lại, lấy ít đất đai cho vợ chồng cày cấy để còn sinh nhai và nuôi con cái. Thấy chồng nói thuận ý trong khi thấy ruộng đồng ở làng Quang Ốc cũng mênh mông nên cô vợ đã nghe lời về nhà lấy trộm cuốn sổ điền của cha mình đưa cho chồng.
Sau khi đã lấy được sổ điền, người chồng lại đưa cho bố mình để vẽ lại bản đồ địa chính và lấy mất của làng Quang Ốc khoảng 100 mẫu ruộng đầu làng. Tại thời điểm ấy, số ruộng này làng Quang Ốc để không, không cày cấy nên cũng không đóng thuế nên khi vẽ lại, ông bố chồng âm thầm đóng thuế để chứng thực đây là đất của làng mình. Sau một thời gian, ông bắt đầu cho người dân ra để cày cấy ở 100 mẫu ruộng này. Người dân làng Quang Ốc thấy vậy thì can ngăn và xảy ra xô xát, mâu thuẫn tranh chấp đất đai và kiện lên quan phủ. Lúc này Trưởng bạ làng Quang Ốc vẫn yên tâm và chắc thắng vì tin rằng mình có sổ sách chứng thực. Ấy vậy nhưng khi giở sổ ra thì thấy đã bị chỉnh sửa, cộng với hơn một năm qua làng Nội Rối có đóng thuế đầy đủ nên quan xử phần đất trên thuộc về làng Nội Rối.
Không chịu phán xử của quan, Trưởng bạ làng Quang Ốc đã huy động bà con, thanh niên trong làng ngay trong một đêm đào, đắp một con đường mà làng Nội Rối chưa cắm đất của mình để phân rõ ranh giới đất đai của hai làng. Để cho chắc chắn, người dân trong làng huy động toàn bộ nhân lực di chuyển đình làng từ giữa làng ra ngoài gần con đường mới đắp, ngoảnh hẳn mặt về phía làng Nội Rối để khẳng định “chủ quyền” của làng. Sau đấy, một cuộc họp trong làng được tổ chức tại đình Quang Ốc cho rằng nguyên nhân mất sổ điền là do con gái của Trưởng bạ đánh cắp mang sang nhà chồng, gây tổn hại đến đất đai của làng. Để không có chuyện tương tự nào xảy ra nữa mọi người trong buổi họp đã thống nhất đưa ra lời thề là “Từ nay về sau gái làng Quang Ốc sẽ không lấy trai làng Nội Rối”. Lời thề của một thời quá vãng chỉ còn được lưu giữ lại nơi những già làng, nhưng ngôi đình ở vị trí hiện nay là vì vậy.
Còn theo sử sách, sắc phong, đình Quang Ốc được xây dựng cách đây gần 6 thế kỷ. Năm 1889, đình được xây lại to đẹp hơn. Phía trước đình là giếng hình bán nguyệt. Cổng đình được xây kiểu Tam quan. Đình được xây kiểu chữ Đinh, tiền đường ba gian, hai trái, hậu cung ba gian. Đình thờ lục vị Thành hoàng Đại Vương: Tung Sơn Đại Vương, Đức Chính Đại Vương, Câu Mang Đại Vương là các tướng thời Hùng Vương giúp vua Hùng đánh đuổi quân Thục, trừ họa bệnh tật, giữ gìn cơ nghiệp họ Hùng bền lâu; Sắc Hải Đại Vương, con vua Lý Nhân Tông có công đánh đuổi giặc Vĩnh Trinh ra khỏi bờ cõi; Mỹ Hãn Đại Vương, Ông Vệ Đại Vương giúp vua Lê đánh đuổi quân Chiêm Thành, trừ họa bệnh tật, dạy bảo nhân dân làm ăn. Hiện tại đình còn lưu giữ được 4 quyển Ngọc phả và 15 đạo sắc phong của các đời vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định.
Trước đây, nhân dân thôn Quang Ốc tổ chức tế lễ tại đình vào các dịp nhân ngày sinh, ngày hóa của các vị thần được thờ - tính theo lịch âm, nhưng lễ chính là ngày hội làng được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20/6 hằng năm. Cứ 2 năm một lần tổ chức lễ hội giao hảo với đình thôn Tú Yên, xã Bắc Lý. Với những giá trị lịch sử nêu trên, năm 2009 đình Quang Ốc được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.