Vẻ đẹp đa sắc của làng hương Quảng Phú Cầu 'hút' khách du lịch ngày giáp Tết
Làm nghề quanh năm nhưng vào mỗi vụ Tết, người dân ở làng Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) lại càng bận rộn hơn với những đơn hàng lớn để cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Những ngày giáp Tết, làng hương càng thêm nhộn nhịp khi có nhiều đoàn khách lớn nhỏ về đây thăm quan, check in.
Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 35km, làng Quảng Phú Cầu được biết đến với nghề làm tăm hương truyền thống hơn 100 năm. Dọc đường vào làng sắc đỏ, sắc hồng từ những bó chân hương nhuộm đỏ cả hai bên lề đường, cạnh bờ mương, các bãi đất trống… Những máy chẻ chân hương hoạt động hết công suất để kịp đưa vào thị trường phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.
Hối hả "vào mùa"
Là người có kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề làm tăm hương, bà Lê Hồng Mai (chủ cơ sở Gia Huy), cho biết: "Thời điểm cuối năm làm luôn chân luôn tay không hết việc vì đơn đặt hàng nhiều. Đầu năm với cuối năm thì nhiều…Người ta đi lễ, đi chùa đều phải có nén hương nên họ mua nhiều".
Gắn bó hàng chục năm với nghề làm tăm hương, bà Mai cũng chứng kiến sự "thay da đổi thịt" của làng nghề. Bà Mai chia sẻ, những năm gần đây do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế mà sản phẩm tăm hương đầu ra giảm 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đây là thời điểm "vào mùa" nên lượng sản phẩm sản xuất cũng tăng mạnh hơn thời điểm giữa năm.
“Tăm hương ở đây chủ yếu bán cho thương lái, các mối quen với giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg. Người lấy hàng chủ yếu đều là khách quen cho nên việc buôn bán của xưởng luôn được duy trì. Cứ mấy ngày lại có một xe đến chuyển hàng đi”, bà Mai cho hay.
Với gia đình bà Lê Thị Đông (chủ cơ sở sản xuất hương Phương Đông) có truyền thống làm hương gần 100 năm. Theo bà Đông, hương được làm từ các nguyên liệu thảo mộc, theo bí quyết pha trộn riêng, cẩn thận trong từng công đoạn nên hương luôn bền màu, đẹp mắt. Tuy nhiên, ở làng ít người làm hương thành phẩm mà chủ yếu là làm tăm hương, chân hương với các công đoạn như vót tăm, nhuộm chân còn để se bột hương thì phải làm xưởng nhà khác. Nguyên liệu để làm chân hương chủ yếu là tre, vầu.
Cũng theo bà Đông, trước đây, các hộ trong vùng chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình nên toàn bộ các công đoạn đều được làm thủ công nên khá vất vả. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công đoạn đã được giản ước đi bởi có sự hỗ trợ của công nghệ trong hoạt động sản xuất, như công đoạn se hương. Điều này không chỉ giúp cây hương bóng đẹp mà còn tăng hiệu quả công việc lên gấp 3 - 4 lần trước đây. Tính trung bình một người có thể làm được từ 15-20kg hương mỗi ngày.
“Hương được làm từ các loại thảo mộc tự nhiên, với nhiều mùi thơm khác nhau, như quế, hồi, trầm, nhựa trám rừng,... nguyên liệu hoàn toàn 100% tự nhiên nên người dùng không lo độc hại. Mỗi gói hương trung bình có giá từ 20.000 – 80.000 đồng, tùy loại”, bà Đông chia sẻ.
Phát triển du lịch làng nghề
Là làng nghề truyền thống tuy nhiên, những năm gần đây người dân Quảng Phú Cầu cũng đã kết hợp hoạt động du lịch quảng bá hình ảnh cùng hoạt động sản xuất. Thậm chí, với nhiều xưởng sản xuất có cách bày trí đẹp mắt, thu nhập từ hoạt động du lịch đã vượt qua lợi nhuận hoạt động sản xuất.
Ở làng hương này, những bó tăm hương được bó lại với kích thước lớn, đầu chụm vào nhau và chân xòe tròn đều như hoa đang nở, xếp và phơi theo hình lá cờ, bản đồ… với mục đích để khách đến tham quan và check-in. Một lượt vào chụp ảnh có giá từ 50.000 - 100.000 đồng.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, làng hương Quảng Phú Cầu không chỉ là nơi lưu giữ vật phẩm mang ý nghĩa văn hóa tâm linh của người Việt mà những năm gần đây, làng nghề còn là địa điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô.
“Chúng tôi đang phát triển làng nghề theo hướng kết hợp du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay toàn xã có 6/6 thôn vẫn giữ nghề sản xuất hương, tăm hương. Hương cung cấp cho thị trường trong nước, ngoài ra còn xuất khẩu, thu nhập trung bình của người dân trong xã khoảng 70 triệu đồng/người/năm", ông Hậu cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bản (69 tuổi, xã Quảng Phú Cầu) cho biết: "Thời gian gần đây, có nhiều khách du lịch cả trong nước và quốc tế để với Quảng Phú Cầu để tìm hiểu, tham quan, chụp ảnh với hoạt động sản xuất tăm hương truyền thống của làng. Làng hương trong nhiều năm liền là nơi các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đến chụp ảnh. Không ít các tác phẩm về làng hương này đã đoạt nhiều giải thưởng lớn. Dịp cận Tết, lượng khách có tăng so với dịp giữa năm. Khoảng 100-200 đoàn khách 1 ngày".
Việc làm này vừa có thể tạo thêm thu nhập lại vừa có thể quảng bá thêm thương hiệu của làng nghề nên hiện nay có không ít xưởng sản xuất đang triển khai mô hình tương tự. Quảng Phú Cầu không còn là nơi chỉ giữ cái hồn của một vật phẩm mang ý nghĩa văn hóa tâm linh mà còn là địa điểm đẹp thu hút khách du lịch.
Đặc biệt là dịp cận Tết và tháng Giêng, khi mùa Xuân về, vẻ đẹp đa sắc của làng hương càng thu hút những bước du xuân, những người muốn chụp những bộ ảnh rực rỡ sắc màu cho cả năm may mắn, rạng rỡ.