Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn, kết nối giữa Quận 1 với TP Thủ Đức được khởi công năm 2015 và thông xe vào dịp kỷ niệm 30/4/2022 với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng.
Cầu có chiều dài hơn 1.400m với 6 làn xe; thiết kế dây văng với trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cầu Ba Son được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.
Phía xa là cầu Thủ Thiêm (tên gọi cũ là cầu Thủ Thiêm 1). Cầu Thủ Thiêm hoàn thành từ năm 2007, có ý nghĩa kết nối khu đô thị Thủ Thiêm (thuộc TP Thủ Đức) với quận Bình Thạnh. Cầu có tổng chiều dài 1.250m gồm 6 làn xe, tổng chi phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và góp phần tăng cường khả năng kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tên gọi Thủ Thiêm có từ thế kỷ 18 và là địa danh thuộc TP Thủ Đức.
Phát biểu tại lễ thông xe ngày 28/4/2022, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, cầu Thủ Thiêm 2 là một công trình hạ tầng giao thông quan trọng, góp phần tiếp thêm động lực phát triển cho khu đô thị (KĐT) sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố và cũng là điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể cảnh quan sông Sài Gòn.
Người dân chờ đợi cầu Ba Son (lúc này là cầu Thủ Thiêm 2) thông xe vào ngày 28/4/2022.
Trên cầu Ba Son tổ chức lưu thông 2 chiều các loại xe. Cấm xe sơ-mi rơ-moóc lưu thông qua cầu, cấm dừng xe và đỗ xe trên cầu Thủ Thiêm 2 và đường dẫn.
Sau một năm thông xe, cơ sở hạ tầng trên cầu đã hoàn chỉnh.
Cầu Ba Son cùng hệ thống các cầu bắc qua sông Sài Gòn đang tạo nên diện mạo đô thị mới, hiện đại và lưu thông thuận tiện hơn. Du lịch cũng vì thế có nhiều cơ hội để khai thác và phát huy các giá trị lịch sử vốn có của thành phố.
Nhiều người dân đã bày tỏ sự vui mừng khi cầu được mang tên Ba Son, gắn liền với địa danh, di tích văn hóa-lịch sử. Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện đơn vị lữ hành TST chia sẻ: "Tôi rất vui vì tên Ba son hay Thủ Thiêm đều mang giá trị lịch sử gắn với công cuộc mở cõi, xây dựng, phát triển vùng đất Saigon - Gia Định - TPHCM. Cái tên Ba Son ra đời từ sớm là sự tiếp nối của lịch sử, từ xưởng của thủy quân đến xưởng đóng, sửa chữa tàu Ba Son, nay là nơi sẽ kết nối tuyến Metro hiện đại. Vì vậy, tên gọi Ba Son là sợi chỉ kết nối quá khứ, hiện tại và cả một tương lai của đô thị TPHCM hướng ra dòng sông Sài Gòn, dòng sông đã góp phần rất quan trọng để hình thành nên TPHCM hôm nay".
Cầu Ba Son nhìn từ hướng đường Tôn Đức Thắng-Lê Duẩn.
Cầu Ba Son như sợi chỉ nối liền lịch sử, chạy giữa các tòa nhà hiện đại, trở thành điểm nhấn của TPHCM. Trong ảnh, cầu Ba Son từ góc nhìn tòa nhà The Hallmark, TP Thủ Đức (bờ Quận 2 cũ).
Ba Son là tên gọi có từ năm 1790 khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng xưởng thủy bên bờ sông Sài Gòn. Nhà máy Ba Son và phong trào công nhân nơi đây gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và sau này được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Cầu Ba Son đi vào hoạt động góp phần kết nối giao thông giữa trung tâm Quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội thành phố Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung.
Theo quy hoạch, cầu Thủ Thiêm 3 sẽ được xây dựng, nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 4. có tên dự kiến là Thủ Ngữ. Đây là tên gọi tắt của cột cờ Thủ Ngữ tại khu vực ngã ba rạch Bến Nghé giao sông Sài Gòn, đối diện Bến Nhà Rồng. Thủ là giữ, ngữ là án ngữ. Thủ Ngữ tức là cột cờ này án ngữ ngay lối đường thủy ra vào với chức năng báo hiệu cho tàu bè.
Phạm Nguyễn