Vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của sông, núi Cao Bằng

Với địa hình cao nguyên núi đá vôi xen lẫn núi đất và thung lũng bằng phẳng khiến Cao Bằng không chỉ có núi rừng hùng vĩ mà còn có hệ thống sông suối, hồ, hang động dày đặc, góp phần tạo nên cảnh sắc nên thơ tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, miền non nước hữu tình này có khí hậu ôn hòa, môi trường thiên nhiên trong lành, đa dạng hệ sinh thái, là điểm đến du lịch hấp dẫn, lý tưởng.

Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.703,42 km2; là cao nguyên đá vôi xen với đất, có độ cao trung bình trên 200 m, vùng sát biên có độ cao từ 600 - 1.300 so với mặt nước biển. Núi rừng chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh, đất bằng để canh tác chỉ có gần 10%. Với một đặc điểm tự nhiên đồi núi phong phú, đa dạng, chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh, nên mạng lưới sông, suối, hồ tự nhiên khá nhiều, song phân bố không đều. Hệ thống các con sông chảy theo hướng chính là Tây Bắc - Đông Nam và Bắc - Nam. Lưu lượng dòng chảy thay đổi theo mùa, mùa mưa dòng chảy lớn, mùa cạn dòng chảy thấp. Gồm 3 hệ thống sông chính: Bằng Giang, Quây Sơn, Sông Gâm và Bắc Vọng. Nhìn chung, hệ thống các con sông của Cao Bằng đều nhỏ, nhiều thác ghềnh, khả năng phát triển giao thông đường thủy hạn chế, song có khả năng phát triển thủy điện, là nguồn tài nguyên cung cấp nước sinh hoạt, cho sản xuất nông nghiệp rất dồi dào.

Hệ thống sông, núi Cao Bằng vô cùng hùng vỹ.

Hệ thống sông, núi Cao Bằng vô cùng hùng vỹ.

Sông Bằng Giang có diện tích lưu vực 3.420,3 km2, độ dài 113 km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Thành phố, Phục Hòa rồi chảy qua Thủy Khẩu - Long Châu - Quảng Tây - Trung Quốc, đổ ra biển Bắc Hải - Trung Quốc. Lưu lượng dòng chảy thay đổi theo mùa, mùa mưa lũ ngầu đục cuồn cuộn đổ về dâng tràn hai bên bờ, dòng chảy mạnh và xiết; mùa cạn dòng chảy thấp, nước xanh trong hiền hòa. Những vùng đất sông Bằng Giang chảy qua, đất đai trù phú, cây cối xanh tươi; những cánh đồng ven sông được phù sa bồi đắp, hằng năm mang đến những mùa vàng bội thu. Sông Bằng còn có nguồn thủy sản dồi dào như: cá, tôm, cua, ốc… Dòng sông là nguồn tài nguyên nước quý giá trong đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân. Hiện nay, đoạn Sông Bằng bao quanh Thành phố được xây kè chắc chắn với con phố đi bộ nên thơ, tạo điểm nhấn cho Thành phố Cao Bằng xinh đệp

Sông Gâm có diện tích lưu vực 1.876 km2, đoạn chảy qua hai huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm dài 55 km; sông bắt nguồn từ Vân Nam - Trung Quốc, chảy vào huyện Bảo Lạc, xuống Bảo Lâm rồi xuống Hà Giang, Tuyên Quang trở thành phụ lưu của Sông Lô đổ vào Sông Hồng. Sông Gâm có hai dòng phụ lưu chính là sông Nho Quế và Sông Neo (có nơi gọi là sông Leo). Sông Gâm có làn nước xanh biếc như ngọc, trải dài uốn lượn quanh co theo những con đường và những dãy núi tựa như một dải lụa mềm mại. Xung quanh sông là một màu xanh bạt ngàn của những ngọn núi kỳ vĩ. Sông Gâm Bảo Lạc có rất nhiều sản vật như: tôm, cá, cá dầm xanh, cá anh vũ, cá chiên, cá bông và cá lăng. Đến Bảo Lâm, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền tham quan trên sông Gâm. Vào tháng Ba, những cây hoa gạo nở đỏ rực hai bên sông tạo khung cảnh lãng mạn như những ngọn lửa nhỏ thắp nắng lên thành những cây hoa đào khổng lồ. Mùa hè dòng nước trong xanh, mát rượi xen với ánh nắng lấp lánh chiếu trên mặt nước làm lóe sáng cả vùng trời non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình.

Sông Bắc vọng có diện tích lưu vực 1.329 km2, đoạn chảy qua Cao Bằng dài 77km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, qua các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa chảy về phía Nam rồi đổ vào sông Bằng Giang qua Thủy Khẩu - Trung Quốc. Con sông trong xanh như một dải lụa mềm, óng ánh uốn lượn quanh những bản làng bình yên; cũng cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Sông Quây Sơn có diện tích lưu vực 2.319 km2, đoạn chảy qua Cao Bằng dài 76 km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua các xã: Ngọc Côn, Ngọc Khê, Đình Minh, Đình Phong, Phong Châu, Trí Viễn, Đàm Thủy của huyện Trùng Khánh, rồi chảy xuống xã Minh Long huyện Hạ Lang, chảy sang huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Ngắm dòng sông, ai cũng xao xuyến, ấn tượng bởi vẻ đẹp của đồi núi trùng điệp, hùng vĩ hòa quyện với dòng nước bốn mùa trong xanh, thấp thoáng những xóm làng người Tày, Nùng còn lưu giữ những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Sông Quây Sơn bồi đắp phù sa, đất đai màu mỡ; là một điểm du lịch đẹp khi đến Cao Bằng.

Với địa hình cao nguyên núi đá vôi đa dạng, Cao Bằng có nhiều dãy núi, ngọn núi mang vẻ đẹp độc đáo riêng. Đi theo hướng Tây bạn đến với dãy núi cao từ 600 - 2.000 m so với mực nước biển, điển hình như: Phja Đén, Phja Oắc (Nguyên Bình) từ 800 - 1.900 m, Phja Dạ (Bảo Lạc) gần 2.000 m, Phjêng Mòn (Bảo Lâm) trên 1.000 m...

Núi Phja Dạ được coi là nóc nhà của tỉnh với độ cao 1.976 m so với mực nước biển, nằm trên địa phận 2 xã: Sơn Lập (huyện Bảo Lạc) và Thái Sơn (huyện Bảo Lâm). Nhiệt độ tại đây quanh năm thường xuyên thấp hơn các nơi khác trong địa bàn Cao Bằng từ 7 - 8 độ C, có thời điểm thấp hơn 12 - 15 độ C. Phja Dạ sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ. Trên đỉnh núi có dòng nước tuôn ra, lan tỏa thành dòng thác mềm mại xen lẫn những đám mây bồng bềnh. Thiên nhiên nơi ngọn núi thay đổi theo 4 mùa: Mùa xuân, mùa đông mây trắng như những dải lụa mềm bao phủ núi. Mùa hạ mưa nhiều, đỉnh núi như thác nước khổng lồ từ trên trời tuôn xuống. Mùa thu ít mây, nắng chiếu tỏa sáng lên ngọn núi Phja Dạ như tháp lửa khổng lồ. Dưới chân núi là đầu nguồn sông Năng, nơi có những bản làng bình yên của đồng bào Mông, Dao sinh sống. Tại đỉnh Phja Dạ, hàng năm xuất hiện hiện tượng tuyết rơi khiến nhiều du khách kéo đến chiêm ngưỡng. Ở núi Phja Dạ có vàng sa khoáng được khai thác từ thời Pháp thuộc, đã có nhiều đoàn chuyên gia địa chất đến khảo sát. Theo các nhà địa chất, ở một số khu vực núi có mỏ khoáng sản với trữ lượng khá lớn. Núi Phja Dạ ngày càng thu hút các phượt thủ trẻ, du khách ưa mạo hiểm đến chinh phục, khám phá, trải nghiệm

Núi Mắt Thần (Núi thủng) nằm ở xã Cao Chương (Trùng Khánh) nằm trong hệ thống di sản của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thuộc tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”. Gọi Núi mắt thần bởi giữa ngọn núi cao có khoảng trống hình bầu dục rất lớn, từ bên này nhìn rõ sang bên kia núi. Cách trung tâm Thành phố gần 30 km, núi Mắt Thần là một nơi lý tưởng để thưởng ngoạn, khám phá. Nơi đây khí hậu trong lành, cảnh vật bình yên và thơ mộng; là kiệt tác thiên nhiên kỳ diệu ban tặng cho Cao Bằng, không nơi nào có được. Núi mắt thần nằm trong khu vực hệ thống hồ Thang Hen liên thông nhau, có dòng chảy trên mặt hồ và dòng chảy ngầm. Phong cảnh khu vực núi được thay đổi theo mùa, mùa đông - xuân là mùa khô không có mưa, chân núi mắt thần là thảm cỏ xanh mướt bằng phẳng như tấm thảm nhung. Mùa hè (tháng 6 - 8 hằng năm) là mùa mưa nước dâng lên thành hồ lớn, Núi mắt thần nổi bật lên như một chiếc mắt khổng lồ hiện lên giữa hồ nước, tạo thành khung cảnh kỹ vĩ độc đáo.

Non nước Cao Bằng xinh đẹp, ngoài những ngọn núi trên, đến đâu cũng bắt gặp những đỉnh núi cao vời vợi phủ một màu xanh mát mắt hay những dãy núi đá cao đẹp và độc đáo. Mỗi ngọn núi đều sở hữu phong cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn và mang đến cho người khám phá vẻ thán phục và trầm trồ khi đặt chân đến.

Trang Nguyễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ve-dep-hung-vi-va-nen-tho-cua-song-nui-cao-bang-3171704.html