Vẻ đẹp nội tâm là 'trang sức đắt giá'

Vẻ đẹp của nội tâm, sự tự tin, lòng nhân ái thực sự là trang sức đắt giá tạo nên sức hút đặc biệt nhất.

Học sinh Hà Nội tự tay cắt những tấm thiệp nhỏ viết lên suy nghĩ, lời chúc của mình dành cho cha mẹ trong ngày đầu tiên của năm học 2022-2023. Ảnh minh họa: INT

Học sinh Hà Nội tự tay cắt những tấm thiệp nhỏ viết lên suy nghĩ, lời chúc của mình dành cho cha mẹ trong ngày đầu tiên của năm học 2022-2023. Ảnh minh họa: INT

Nếu chịu khó lắng lại vài giây để suy ngẫm thì hàng ngày chúng ta tiêu tốn rất nhiều tiền phụng sự cho thể xác và vẻ ngoài của chính mình, như mỹ phẩm, quần áo hoặc một món đồ xa xỉ nào đó… mà vô tình quên đi vẻ đẹp của nội tâm, sự tự tin, lòng nhân ái. Đấy mới thực sự là trang sức đắt giá tạo nên sức hút đặc biệt nhất.

Một tâm hồn tích cực, lương thiện sẽ là kim chỉ nam để ta giữ được thanh tâm tĩnh tại và dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng sẽ cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống, niềm vui, sự hạnh phúc… điều mà những thứ vật chất đắt đỏ không làm được bởi nó chỉ thỏa mãn một vài giây phút ngắn ngủi của tâm hồn mà thôi. Vậy nên, việc giáo dục tâm hồn là điều hết sức cần thiết và quan trọng trong nhà trường ở tất cả các cấp học, tùy theo từng độ tuổi mà chúng ta sẽ có cách giáo dục sao cho phù hợp và hiệu quả.

Cuộc sống xô bồ! Con người cứ mải miết đuổi theo đồng tiền để có nhà, xe, đồ dùng hàng hiệu… từ đó lối sống và suy nghĩ trở nên thực dụng hơn. Chúng có thể bất chấp để có tiền, nhiều tiền mặc cho lòng tự trọng rên rỉ trong đau đớn tuyệt vọng.

Trong giáo dục nếu nhìn một cách khách quan thì cũng có không ít những suy nghĩ thực dụng vẫn còn tồn tại và đeo bám con người dai dẳng. Vậy nên, giáo dục cho trẻ không nên áp đặt máy móc, hình thức đè nặng lên vai các em gánh nặng điểm số, cơm áo gạo tiền, hãy để trẻ tự do và thỏa sức khám phá chính mình, hiểu sự yêu thích thực sự của bản thân để có một con đường đúng đắn cho mai sau.

Việc giáo dục tâm hồn không phải là quá khó. Học sinh đang ở giai đoạn vàng của sự phát triển nhân cách. Bất kì tác động nào của môi trường cũng sẽ hình thành nên phẩm cách của các em. Vì vậy, chúng ta cần gieo vào tâm hồn học trò những suy nghĩ, quan niệm tốt đẹp, giúp các em vững vàng và định hướng rõ cuộc đời của mình hơn.

Bài học giáo dục đầu tiên cần phải dạy cho các em đó chính là lòng biết ơn. Biết ơn không nhất thiết phải đợi đến một dịp nào đó mới tỏ bày mà mỗi ngày trôi qua ta cần nuôi dưỡng nó và hình thành lòng biết ơn đối với những điều mình đang được đón nhận. Là giáo viên, chúng ta nên lồng ghép điều này trong các tiết học qua những câu chuyện nhỏ.

Tôi nhận thấy rằng những công thức, thuật toán, bài phân tích Văn máy móc không đủ sức neo đậu trong tâm trí các em quá lâu. Nhưng những mẩu chuyện thực tế có tính giáo dục cao mà thầy cô kể sẽ dễ dàng đọng lại trong kí ức học sinh nhiều năm về sau, góp phần lớn trong việc thay đổi nhận thức, nuôi dưỡng tâm hồn.

Muốn làm được điều này đòi hỏi người thầy phải thực sự am hiểu và có nhiều trải nghiệm sâu sắc… nhưng nó cũng không quá khó nếu ta dụng tâm vì niềm vui của chính thầy và vì trọng trách đối với trò. Một bài viết nhỏ cũng là một gợi ý hay mà bản thân tôi đã thử. Đề bài đưa ra không quá khó, không hề có lí thuyết mà đơn giản là để trò tập viết ra những suy nghĩ của mình.

Chẳng hạn, tôi đã cho các em chuẩn bị một tờ giấy và tự trang trí lên đó thật đẹp như cách em tô vẽ cuộc sống của mình sao cho không quá đơn điệu. Thời gian để viết bài trong khoảng từ 7 - 10 phút với chủ đề “Hôm nay tôi biết ơn…”.

Học sinh sẽ thỏa sức viết lên đó những điều mà mình biết ơn trong ngày, không cần theo một cấu trúc, một kiểu bài nào mà hoàn toàn tự do. Chắc chắn kết quả thu được sẽ ngoài mong đợi, nó không hẳn chỉ là một bài viết, mà còn là cơ hội để các em được tỏ bày, được biết thêm cách để giúp mình có được tinh thần tích cực và dĩ nhiên ta sẽ không đánh giá bằng điểm số mà thay vào đó là những lời chúc, lời động viên, để mong các em hiểu rằng, không có bài kiểm tra nào quan trọng hơn việc tự mình nhìn nhận lại nhân cách của chính mình qua suy nghĩ, hành động…

Việc giáo dục biết quý trọng thời gian để từ đó trân quý những gì đang tồn tại, hiện hữu bên mình cũng là một bài học hay cho hành trình nuôi dưỡng tâm hồn của các em. Tôi thường nói với học trò của mình rằng mỗi phút giây ta được sống cũng chính là mỗi phút giây ta đang tiễn biệt một phần đời của mình đi qua, ngoảnh đầu một cái, lỡ hẹn một lần đôi khi là lỡ hẹn cả một đời. Vậy nên, thay vì vùi đầu vào điện thoại, thế giới ảo mộng thì chúng ta nên học cách quan sát, lắng nghe để thấu hiểu, trân trọng và yêu thương thật nhiều những người đang bên cạnh mình.

Giáo dục ý thức trở thành người tốt và tự tin vì chính mình cũng là một điều hết sức quan trọng. Tôi từng cho các em những bài tập dài hạn nhưng không cần phải tiêu tốn quá nhiều thời gian trong ngày ví dụ như yêu cầu học sinh làm nhật kí “7 NGÀY LÀM VIỆC TỐT”, hay “TÔI KHÔNG TẦM THƯỜNG”. Khi nhận lấy kết quả trên tay và đọc những dòng chữ chân thực của các em tôi cảm thấy rất vui vì có lẽ những bài tập trên đã định hình cho trẻ về việc thế nào là sống tử tế, làm người lương thiện, và cũng để các em tự hào hơn vì chính mình.

Qua đó, thấy được người phi thường không phải là tạo nên những thành tựu vang danh sử sách, đôi khi sự phi thường là khi chính mình vượt qua cơn buồn ngủ để hoàn thành bài tập được giao, lời nhắc gạt chân chống khi thấy ai đó lỡ quên lúc đi trên đường, ngồi im lặng lắng nghe khi bạn đứng lên trình bày quan điểm, hoặc chỉ là đấu tranh với những suy nghĩ tiêu cực trong kiểm tra để loại bỏ hành động xấu xí…

Người nông dân khi gieo hạt, không phải tất cả đều đồng loạt vươn mầm khỏe mạnh, tạo hoa thơm trái ngọt, trong đó, sẽ có những ngoại lệ đáng buồn. Tuy nhiên, người gieo hạt không vì thế mà nản lòng, cần phải kiên trì, nhẫn nại, vì đôi khi có những hạt giống của mùa trước cứ âm ỉ trong lòng đất không thối rữa đi mà đợi hẳn mùa vụ sau mới vươn mình lớn lên…

Nhiệm vụ giáo dục tâm hồn cho trẻ cũng thế không phải ngày một ngày hai là được, không phải chỉ giới hạn trong một vài phẩm chất nêu trên mà cần phải mưa dầm thấm lâu, đa dạng càng tốt. Tôi tin mọi sự nhẫn nại và tận tâm đều thu được kết quả như ý nguyện…

Đặng Hoa (Trường THPT Trần Bình Trọng, Cam Lâm - Khánh Hòa)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ve-dep-noi-tam-la-trang-suc-dat-gia-post682989.html