Vẻ đẹp nữ tính trong Giấu nhau vào cổ tích

Mạc Tố Hồng là cây bút nữ của Hội Nhà văn TP.Cần Thơ. Từ khi cầm bút cho đến thời điểm hiện tại, Mạc Tố Hồng đã ra mắt 2 tập thơ: Đêm sa nghiêng và Giấu nhau vào cổ tích. Trong đó, Giấu nhau vào cổ tích (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024) là tập thơ mới nhất của chị.

Đọc thơ Mạc Tố Hồng, điều đọng lại trong thẳm sâu tâm hồn người đọc là vẻ đẹp nữ tính, sự dịu dàng, nhân hậu của một người phụ nữ từng trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, vui buồn, sướng khổ, được thể hiện qua lối viết mới mẻ, với những nỗ lực cách tân thơ truyền thống của Mạc Tố Hồng.

Chất nữ tính trong tập thơ Giấu nhau vào cổ tích hiện rõ từ hình thức đến nội dung. Từ màu tím lãng mạn và bí ẩn với những họa tiết hoa lá ở bìa sách đến những bài thơ đầy chất nhạc, chất họa, chất tình, tập thơ Giấu nhau vào cổ tích đã tự nó nương náu trong lòng độc giả sau khi khép trang sách cuối.

46 bài thơ trong tập thơ Giấu nhau vào cổ tích là 46 giai điệu của tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu thiên nhiên, đất nước. Giọng điệu chủ đạo xuyên suốt tập thơ của Mạc Tố Hồng là thủ thỉ tâm tình, ngọt ngào da diết, tựa như chính chị đang trò chuyện cùng độc giả. Đó là những câu chuyện về thiên nhiên, đất trời lúc giao mùa: Này chim nhỏ... mùa xuân về rồi đó/ Nơi vòm xanh rực bảy sắc cầu vồng/ Em có nghe lá rừng vươn vai thở/ Và nắng cười khúc khích phía đồi thông” (Em ơi! Xuân về), Và mùa cũng về đó thôi/ Chiếc lá lượn lờ bên ô cửa/ Dịu dàng ru khúc mơ thu (Hoa xương rồng); câu chuyện về một thuở thanh xuân tươi đẹp đi qua vội vã: Còn kịp không/ còn kịp không để trở lại ngày xưa/ Khi tóc em phai/ nhạt nhòa hương nắng/ Khi hoàng hôn rớt bên thềm vỡ lặng/ Những cánh hoa rạc rời!/ anh ơi!/ còn mùa nào cho nhau! (Còn mùa nào cho nhau); câu chuyện về tình yêu đầu tan vỡ, không xót xa đau buồn mà nhẹ nhàng và dễ thương đến lạ: Ôi! Vườn hồng.../ chưa kịp đặt tên!/ Hoa không nở trên miền đất hứa/ Trái tim khạo khờ biết gì mà chọn lựa/ Xin một lần được gọi hai tiếng người dưng! (Xin một lần được gọi người dưng);...

Làm nên sức hấp dẫn trong thơ Mạc Tố Hồng phải nói đến chất trữ tình sâu lắng. Thơ chị ngọt ngào đến lạ, mỗi chữ trong bài thơ là một nốt nhạc, lúc thâm trầm, lắng đọng, lúc ngân nga, vút cao. Khác với tập thơ Đêm sa nghiêng trước đó, ở tập thơ Giấu nhau vào cổ tích lần này, cái tôi “đàn bà” của Mạc Tố Hồng chọn cách nhìn mọi thứ đã qua và đang đến một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Ngay cả khi viết về một mối tình vỡ tan, một cuộc hẹn trăm năm lỡ làng cũng thật bình yên như thể chấp nhận là điều cần thiết trong thời điểm hiện tại: Mình còn gì/ giữ lại cho nhau/ Em chỉ có những vần thơ ngốc nghếch/ Tình yêu ngây ngô/ nghiêng cánh diều chênh chếch/ Lỗi hẹn rồi!/ khuyết vỡ nửa hồn thơ! (Khi thạch thảo giăng hương). Thơ Mạc Tố Hồng dịu dàng và nữ tính như chính con người chị, ngoại hình chị vậy. Không những thế, thơ Mạc Tố Hồng còn thể hiện sự bao dung, nhân hậu, một tâm hồn nhạy cảm nhưng cũng đầy mạnh mẽ, bản lĩnh của tác giả.

“Ừ!/ Hay... mình giấu nhau vào cổ tích đi anh/ Chỉ thiên đường/ và mùa xuân bất tận/ Điệu luân vũ rung lên từng cung bậc/ Ta ngọt ngào tan chảy vào nhau (Mình giấu nhau vào cổ tích đi anh) - Những giai điệu của chữ đó đã khép lại tập thơ Giấu vào nhau cổ tích của Mạc Tố Hồng, ẩn đằng sau là thông điệp mà tác giả mong muốn gửi gắm đến độc giả: Sau tất cả, bình yên, an trú là điều mà bất cứ ai cũng mong cầu! Tập thơ Giấu nhau vào cổ tích tiếp nối hành trình yêu thơ của Mạc Tố Hồng, chứng tỏ tình yêu văn chương, sự nỗ lực không ngừng nghỉ để cách tân thơ, sáng tạo thơ, đi trên con đường thơ của riêng chị. Bởi lẽ đó, mặc dù xuất hiện khá muộn trên thi đàn Cần Thơ, song Mạc Tố Hồng vẫn khẳng định được vị trí của riêng mình và những vần thơ của chị được giới chuyên môn đánh giá cao./.

Hoàng Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ve-dep-nu-tinh-trong-giau-nhau-vao-co-tich-a180569.html