Về Đồng Tháp tháng Tư

Đồng Tháp dịch vụ lưu trú cao cấp chưa bằng nhiều tỉnh khác nhưng cảnh quan, văn hóa, ẩm thực cũng khó ai bằng. Đến Đồng Tháp ít nhất 3 – 4 ngày trở lên, mới cảm nhận được phần nào tình đất và người Đồng Tháp.

Đồng Tháp Mười, vùng đất ngập nước mênh mông của Tây Nam Bộ, rộng 697 nghìn ha, thuộc ba tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp.

Long An chiếm gần nửa diện tích hơn 300.000ha, phần còn lại thuộc Tiền Giang và Đồng Tháp. Huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) có Gò Tháp, di tích quốc gia đặc biệt, gắn liền nguồn gốc địa danh Đồng Tháp Mười.

Đồng Tháp được mệnh danh vùng đất sen hồng. Sen không chỉ có màu hồng mà còn màu trắng, màu vàng, có mặt khắp các tỉnh thành Việt Nam.

Sen Đồng Tháp khác biệt, thay nhau, luân phiên nở, không chỉ ở dưới ao mà lên cả đường phố, vào tận cửa các cơ quan, gia đình.

Tháng Tư, đường về Đồng Tháp, mai vàng không còn nhưng một số loài hoa vẫn khoe hương cùng hoa trái bản địa, có cả lúa. Nơi vàng rực ngọt ngào, nơi trĩu bông quyến rũ, nơi mượt mà xanh con gái.

Tôi vốn dân hai lúa, ly nông 50 năm, vẫn ghiền mùi hương bùn, hương lúa. Dừng xe bên đồng vàng, hít thở mùi thơm dịu mê hoặc và hoài niệm “Tôi có người vợ trẻ đẹp như Thơ. Tuổi mới đôi mươi cưới bữa dâng cờ. Má trắng mịn, thơm thơm mùi lúa chín”.

Đường mai ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp)

Đường mai ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp)

Đường quê nào cũng ấn tượng, gần gũi và chân mộc, nhiều đường hoa thuận thiên, quyến rũ.

Dịp Tết Giáp Thìn, đường hoa cạnh vườn mai của bạn Phan Nhật Quang ở Long Thắng, huyện Lai Vung, đẹp ngỡ ngàng. Hơn 200 cội mai, vàng rực trời và mẫu đơn, nồng nàn đỏ đất; như người Đồng Tháp, hào phóng đón khách tham quan, không thu phí.

Tết rồi, Đồng Tháp được mùa hoa. Ngoài làng hoa kiểng Sa Đéc có thêm đường hoa thành phố Cao Lãnh.

Chú bé Sen ngộ nghĩnh, linh vật Đồng Tháp (linh vật du lịch duy nhất ở Việt Nam), có mặt khắp nơi, giới thiệu các điểm đến.

Ghé Gò Tháp (huyện Tháp Mười), di tích quốc gia đặc biệt, tìm hiểu nguồn cội tên gọi Đồng Tháp Mười và mục sở thị di tích một thời hoàng kim của vương quốc Phù Nam hưng thịnh. Cơm trưa giữa đồng sen với những món ngon Gò Tháp là lựa chọn chọn tối ưu.

Chùa cổ Bửu Lâm (huyện Cao Lãnh), di tích quốc gia (DTQG), còn gọi là chùa Tổ Cái Bèo, trên 300 năm tuổi, gắn liền lịch sử thăng trầm thế cuộc, từ Trịnh – Nguyễn phân tranh đến hai cuộc kháng chiến.

Chùa kiến trúc thuần Việt, khiêm tốn, trang nghiêm, chuẩn Phật. Không gian tĩnh lặng, thoảng hương hoa. Bí thư Đảng ủy xã Bình Hàng Trung, Phan Thị Ái Xuân, có thể dẫn đoàn viếng chùa như hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

Lối vào chùa cổ Bửu Lâm, huyện Cao Lãnh

Lối vào chùa cổ Bửu Lâm, huyện Cao Lãnh

Nếu báo trước, sẽ có đồ uống “hắc đỗ thanh tâm” ướp lạnh, khăn mát và cơm chay chuẩn Cao Lãnh, cực chất với các món bánh xèo “nhật nguyệt bồ đề” - lẩu “bốn phương hội ngộ” – kiểm “đồng quê trẩy hội”... do tự tay đại đức Thích Lệ Ngộ, trụ trì chùa chế biến.

Tối làm bá hộ, ngủ nhà sàn điền chủ ở làng Hòa An với nệm hai tấc, quạt hơi nước, máy nước nóng, wifi...

Dạo chơi khu ẩm thực đêm, chợ Ngã Tư Đèn Dầu, đủ món ngon Nam Bộ, chất lượng, vệ sinh. Giá bình quân 30.000 đồng/phần; thêm ly chè, sinh tố, bánh flan… 15 – 20.000 đồng. Thích ăn khuya, thêm ổ bánh mì Hồng Ngọc 10.000 đồng là no hết cỡ.

Lang thang đêm đường làng Hòa An hoặc ghé lăng cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, nghe hương đất và cỏ cây thầm thì chuyện xưa Cao Lãnh.

Khu du lịch Xẻo Quít - “Thủy đạo thép” anh dũng với nhiều chuyện kể thú vị như “Trên cơm, dưới cá, lá ngoài đồng”, “Thấy xa là đâm (đâm đầu chạy), thấy gần là chém (vè)”...

Chạng vạng, ghé sân chim Gáo Giồng, xem cò về rợp trời. Có con tha nhánh cây gia cố tổ, con khác tha mồi. Lũ con non nháo nhác, há miệng gọi mẹ, chờ bữa ăn chiều. Đẹp nhất là những cặp đôi quấn quýt với “vũ điệu tình yêu” sau một ngày kiếm ăn vất vả. Có mấy con lặng lẽ một mình, lơ đễnh nhìn hàng xóm yêu thương vồ vập.

Cao Lãnh, thành phố học tập của Unesco (cùng với thành phố Sa Đéc) còn có Văn Thánh Miếu, Đường Sách, chợ quê Tân Thuận Đông... Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, chủ chợ duy nhất ở Việt Nam có đền và được thờ trang trọng.

“Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp” (cà phê chủ tịch), trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh, là quán "có một không hai".

Ngày thường, từ 6h45 – 7h30, chủ tịch tỉnh tiếp doanh nhân và người dân, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Khách đoàn, nếu đăng ký trước, có chủ tịch hoặc các phó chủ tịch tỉnh tiếp, kể cả ngày nghỉ, mời cà phê, ăn bánh, tặng quà, nghe giới thiệu về vùng đất sen hồng.

Tác giả quán, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương, về hưu đã mấy năm, vẫn sẵn sàng làm hướng dẫn viên về nông nghiệp thuận thiên, ẩm thực chữa bệnh.

Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa (áo trắng đứng giữa) và lãnh đạo Đồng Tháp tiếp, mời cà phê và tặng quà sinh viên khoa du lịch, Đại học Nguyễn Tất Thành tham quan mô hình "cà phê doanh nhân" và "du lịch công sở" tại văn phòng UBND tỉnh.

Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa (áo trắng đứng giữa) và lãnh đạo Đồng Tháp tiếp, mời cà phê và tặng quà sinh viên khoa du lịch, Đại học Nguyễn Tất Thành tham quan mô hình "cà phê doanh nhân" và "du lịch công sở" tại văn phòng UBND tỉnh.

Mô hình chính quyền thân thiện được nhân rộng, từ xã phường đến huyện, thành phố thuộc Đồng Tháp. Nhiều nơi phục dựng chợ quê, vừa níu giữ hồn xưa, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, rủng rỉnh thêm thu nhập.

Tràm Chim (huyện Tam Nông), mùa này tháo nước để đón sếu đầu đỏ trở lại, sau mấy năm “tha hương”. Nước ròng, cạn lấp xấp nên nhộn nhịp chim kiếm ăn, dạn dĩ, hồn nhiên, trật tự và dậy rất sớm.

Chim trời đang kiếm mồi ở Tràm Chim Tam Nông

Chim trời đang kiếm mồi ở Tràm Chim Tam Nông

Tràm Chim đã có khách sạn tươm tất, tiễn hoàng hôn và đón bình minh, hồi hộp như lần đầu hò hẹn. Mặt trời buồn ngủ, hồng loang cả đất trời và từ từ tím cả nhân gian. Hoặc từ từ nhô dần lên, rạng rỡ, đẹp hơn cả hoa hậu vũ trụ. Vạn vật cũng náo nức đợi chờ.

Bông súng, bông sen, súng ma, thủy cúc, nhĩ cán, hoàng đầu ấn, đợi từ khuya, rạo rực đón nắng ấm, chào ngày mới.

Hoàng hôn và bình minh ở Tràm Chim Tam Nông

Hoàng hôn và bình minh ở Tràm Chim Tam Nông

Giữa thế giới tràm, chim, hoa, nhấp từng ngụm cà phê trên thuyền nhỏ bồng bềnh, thưởng thức cháo nếp thơm xanh mùi dứa với dưa kiệu, khô lóc nướng, hột vịt muối, thấy cuộc quá đỗi đáng yêu.

Khu du lịch văn hóa Phương Nam, còn gọi là Nam Phương Linh Từ (nhà thờ anh linh mở cõi phía Nam) ở huyện Lấp Vò, có nhiều trải nghiệm đồng quê kỳ thú. Lấp Vò vừa phục dựng chợ chiếu ma Định Yên, di sản văn hóa phi vật thể.

Cạnh Nam Phương Linh Từ là đền thờ vua Gia Long, còn gọi là Cao Hoàng Thái Miếu hoặc Đức Cao Hoàng Miếu, khởi dựng cuối thế kỷ XVIII, trên mảnh đất ông từng đồn trú. Ông là người thống nhất đất nước sau hơn 200 năm chia cắt, đặt tên nước là Việt Nam, xác lập chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Lai Vung có làng đóng xuồng, ghe Bà Đài (lớn nhất Nam Bộ), các vườn quýt hồng; lò nem Lai Vung là di sản lừng danh cả nước.

Huyện Châu Thành có làng lò gạch hoang; chùa Lá Sen, loại súng nia khổng lồ, có thể đứng trên lá chụp hình. Huyện Hồng Ngự có làng dệt Long Khánh, với đặc sản khăn rằn cùng rất nhiều biến tấu. Cồn Phú Mỹ (huyện Thanh Bình), làng thân thiện Nam Bộ.

Thành phố Sa Đéc có thủ phủ hoa kiểng Tân Qui Đông rộng 600ha với hơn 2.000 loài hoa kiểng. Làng Bột Sa Đéc, trước 1975, có thương hiệu bột Bích Chi, nguồn dinh dưỡng chủ lực của trẻ con miền Nam.

Đồng Tháp có nhiều nhà cổ, tiêu biểu nhất là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và Kiến An Cung (chùa ông Quách), đều là di tích quốc gia ở Sa Đéc.

Sa Đéc, trung tâm của Mekong Delta, thuộc hệ thống giao thông thủy quốc tế của hành trình Mekong River Cruise với sự tham gia của nhiều hãng lữ hành đường thủy nổi tiếng.

Năm 2015, Mekong River được CNN và Conde Nast Traveler bình chọn là top 5 điểm đến hấp dẫn nhất của du lịch đường sông thế giới. Năm 2019, lượng khách quốc tế đi ngang Sa Đéc bằng du lịch đường sông ước khoảng 80.000 khách.

Đồng Tháp có hai cửa khẩu quốc tế là Dinh Bà, Thường Phước; năm cửa khẩu phụ: Sở Thượng (Ba Nguyên), Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú và Thông Bình. Từ cửa khẩu lên Phnom Penh chỉ 105km.

Cầu Cao Lãnh, Vàm Cống nối Đồng Tháp với Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên và Campuchia bằng đường bộ lẫn đường thủy (hướng Tây Bắc); nối Vĩnh Long, Cần Thơ (hướng Đông Nam) đi các tỉnh miền Tây còn lại.

Vài chục năm nay, Đồng Tháp là một trong những vựa trái cây của Tây Nam Bộ với xoài, cam, quýt, nhãn, mận, cà na...chất lừ. Nhiều vườn nho ở Đồng Tháp sai quả không kém Ninh Thuận. Sa Đéc còn có vườn chà là độc lạ. “Cây xoài nhà tôi”, “Ruộng, vườn nhà mình”, các hội quán nông nghiệp, ngành nghề là những cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả của vùng đất sen hồng.

Một góc vườn nho ở huyện Hồng Ngự

Một góc vườn nho ở huyện Hồng Ngự

Một góc vườn chà là ở TP. Sa Đéc

Một góc vườn chà là ở TP. Sa Đéc

Ẩm thực Đồng Tháp có nhiều món “ngon bẻ rổ” (bổ rẻ) theo từng địa phương. Nhiều món lạ như lá sen non (thay bánh tráng mỏng), sóc tràm quay núi lửa, lẩu mắm đồng, bánh bao giai cấp, bánh tét lòng dân, kính thưa các loại hủ tiếu...

Hủ tiếu Bà Sẩm ở Sa Đéc, mỗi tô 10.000 đồng, rẻ nhất thế giới. Với giá đó không đâu làm được như Bà Sẩm. Riêng các thức uống, “sâm dân dã” có đến hàng chục loại.

Dân Đồng Tháp gọi ao là “vèo”, con rạch nhỏ là “xẻo”. Các đền thờ chủ chợ Câu Lãnh (TP. Cao Lãnh), Ông Cồn Bà Cồn (huyện Thanh Bình), khu di tích Tiền hiền Nguyễn Tú (huyện Cao Lãnh)...đều thờ cả hai vợ chồng.

Đồng Tháp chưa có khách sạn 4 - 5 sao, dịch vụ lưu trú cao cấp chưa bằng nhiều tỉnh khác nhưng cảnh quan, văn hóa, ẩm thực cũng khó ai bằng mình. Đến Đồng Tháp ít nhất 3 – 4 ngày trở lên, mới cảm nhận được phần nào tình đất và người Đồng Tháp.

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ve-dong-thap-thang-tu-1712025431116.htm