Về gặp rêu phong
Một ngày về làng Cựu vùng Phú Xuyên, tôi nằm nghe chim chóc chuyền cành. Tiếng cựa mình của những nhánh hoa đủ cho lòng tôi thư thái. Bình yên lặng lẽ quá và thanh khiết quá.
Những ngôi nhà nhiều tuổi nằm thách thức thời gian bên những gốc cổ thụ. Ngay cả con ngõ rêu phong, nho nhỏ, nghiêng nghiêng cũng dội về bao nhiêu ký ức. Lòng chợt rộn lên, reo vui như yêu thương thuở nào. Thời niên thiếu vẫn cùng chơi đùa giữa những con ngõ miên man hàng rào râm bụt, với những bức tường xanh rêu êm đềm cũ kỹ. Anh bạn tôi nói thấy thèm những giây phút này, thèm những con ngõ rêu phong, những căn nhà cổ kính, những di tích đã tích tụ nhiều thập niên mưa nắng dãi dầu và chứng kiến biết bao đổi thay của người dân địa phương.
Không ít di tích cổ ngày ngày bị “đốn hạ” bởi bàn tay con người. Nghĩ ra thấy may cho làng mình, những con ngõ vẫn còn phần nào nguyên vẹn. Cả mái đình cong vút, những điệu dân ca nồng nàn, cả đoạn sông hiền hòa chưa ô nhiễm. Cả vạt cỏ ven đê mềm mại nâng niu những đôi chân tuổi thơ thả diều… đều gợi cho tôi niềm tự hào. Tôi rất sợ một ngày nào đó, ngước mắt lên trời chỉ thấy những dãy nhà cao vút, những khối bê-tông lạnh lùng che khuất cả tầm nhìn. Và khi đó, mỗi người đều bị đóng khung bởi bê-tông, cốt thép. Mỗi đứa trẻ sinh ra không còn được may mắn trải nghiệm sự hồn nhiên, ngây thơ của mình trong cảnh yên bình, thầm lặng và vạm vỡ, không còn được tắm gội trong dòng nước mát trong và ngắm vầng trăng tròn như cổ tích mỗi dịp đêm rằm.
Và khi đó, con người bị lạc lõng sống, thậm chí là vô cảm bên các phương tiện kỹ thuật cao, các cỗ máy lạnh lùng và chẳng bao giờ được hít thở bầu không khí thật sự thoáng đãng. Tôi sợ điều đó. Anh bạn tôi cũng lo lắng cho không gian làng mình, khi mà tốc độ đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt. Những gốc cau bị đốn hạ, những bức tường rêu bị đập bỏ và một đại công trường xuất hiện bụi mù mịt. Chúng ta vẫn thấy có những bàn tay hủy diệt môi trường.
Chúng ta cũng thấy có những bàn tay yêu thương, vuốt ve, gìn giữ. Chúng ta có những con người đang chống lại sự biến mất của cổ kính, họ đang nhiệt tình chiến đấu để bảo vệ niềm đam mê và khát vọng của mình. Đó là cuộc giằng co khắc nghiệt. Sau cùng cái rêu phong cổ kính vẫn bị tổn hại, dính những vết thương không bao giờ lành. Nguy cơ sẽ không còn hiện diện trên thế gian này. Bởi thế, trong những năm tháng này, tôi đã dành nhiều thời gian cho những chuyến trở về, khám phá để lưu giữ những cái rêu phong đó thành một kho ảnh để ngắm nhìn, gìn giữ và thầm ước chúng cứ tồn tại mãi thế với con người. Nhưng đó là điều không thể…
Làng tôi cách làng Cựu không xa. Trong không gian tưởng như xưa cũ đến vài chục năm so với các ngôi làng bên cạnh, tôi thấy người làng mình giữ được một khối tài sản vô giá. Ôi yêu sao những nụ cười trẻ thơ chơi chuyền chơi chắt, để nhành nắng nhảy nhót cổ vũ cho các em thêm hồn nhiên. Ôi thân thương làm sao, các cụ già râu tóc bạc phơ, hóng mát dưới bóng cây, bên con ngõ hiền hòa, trò chuyện về nhân tình thế thái và truyền dạy con cháu điều hay lẽ phải. Anh bạn tôi thấy thèm quá đỗi cuộc sống như thế.
Chúng tôi buông mình lên triền đê và mang cần đi câu cá, nhâm nhi khoảng thời gian hiếm hoi này. Câu cá trong mầu trời tím, trong gió chiều mơn man, trong khoảnh khắc cá cắn câu vui thú rộn lòng. Buổi tối hôm đó, chúng tôi tự thưởng cho mình món cá rán thơm phức. Chúc mừng thành quả của một chiều vui. Chúc mừng dòng sông vẫn còn giữ được những hoài niệm trong sự oằn mình trở giấc của thời công nghiệp hóa.
Gặp và chúc mừng cho rêu phong cổ kính của làng, còn gìn giữ biết bao dấu yêu mà bao lớp người quê tôi luôn nhớ và hướng về. Kìa gió, kìa trăng, như cũng muốn trò chuyện với rêu phong.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42565202-ve-gap-reu-phong.html