Vẽ giấc mơ xanh nơi vùng biên giới (Bài 3)
Bài 3: Từ bản Tày đến ngôi làng du lịch ASEAN
(Xây dựng) - Diện mạo xanh, thân thiện với môi trường là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình lãnh đạo của cấp ủy chính quyền địa phương cũng như sự tư vấn định hướng bảo tồn không gian văn hóa, gìn giữ di sản và phát triển du lịch của mảnh đất bên dòng Nậm Luông. Bước đi đúng hướng, điều hành quyết liệt, sự chung tay của cả cộng đồng dân tộc Tày đã ghi điểm khi liên tiếp xã Nghĩa Đô được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh tháng 9/2021 và giải thưởng du lịch ASEAN dành cho cụm homestay năm 2023.
Người “3 cùng” với bản Tày Nghĩa Đô
Ngược dòng thời gian, ngày đầu bắt tay xây dựng không gian văn hóa, bà con dân tộc Tày ở Nghĩa Đô chưa hình dung ra việc mình phải làm thế nào, làm những gì. Thế rồi, huyện Bảo Yên đã “cắm bản” một chuyên gia tư vấn về văn hóa du lịch để 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm…”. Bởi làm như vậy, sẽ hiểu cặn kẽ bản sắc văn hóa và giá trị cốt lõi của đồng bào Tày, mới “ra vấn đề được” - như ý của chuyên gia Lý Tự Minh.
Thế rồi, hằng ngày chuyên gia cùng Tổ tuyên vận của xã đến từng thôn bản, từng hộ dân để “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con vệ sinh trang trí không gian nhà ở, tận dụng vật liệu sẵn có từ tre, nứa, lá cọ tại địa phương để đưa vào thiết kế trong gia đình. Từ chiếc bờ rào bằng tre, phên nứa làm vách ngăn trang trí, đến phục dựng toàn bộ nghề đan lát thủ công truyền thống, thay thế đồ nhựa trong gia đình… Ban đầu, nhiều hộ chưa hiểu hết ý nghĩa của việc làm này, vẫn còn ngờ vực theo kiểu “chắc lại hô hào làm phong trào để cán bộ lấy thành tích đây mà”. Thế rồi, không chỉ có thành viên của Tổ tuyên vận xã, còn có hạt nhân tiêu biểu từ Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, một số người cao tuổi, người có uy tín trong bản người Tày tích cực tham gia tuyên truyền vận động.
Sử dụng công nghệ cũng là cách góp sức tuyên vận hữu ích, nên chuyên gia đã tư vấn cho xã, trực tiếp tạo tài khoản “Nghĩa Đô xanh”, tạo nhóm “Nghĩa Đô - Suối sạch đồng xanh” trên mạng Facebook, đăng tải biểu dương hình ảnh đẹp về cuộc sống xanh, nét đẹp văn hóa của đồng bào Tày. Cùng với đó, là “nhỏ nhẹ nhắc nhau” với cá nhân còn đứng ngoài cuộc, thậm chí thẳng thắn nhắc tên khi ai đó vi phạm quy định về vệ sinh môi trường, đời sống văn hóa ở bản. Sự dẫn dắt, khích lệ cộng đồng vào cuộc theo kiểu “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, phát huy giá trị “sức mạnh của bó đũa”… Những tuyến đường liên bản trong xã đã phong quang, rực rỡ sắc hoa hai bên đường, đồng ruộng tươi xanh mỗi vụ canh tác lúa, dòng suối sạch hơn khi hằng tuần có các bản chia nhau đi vớt rác.
“Mưa dầm thấm lâu”, chỉ sau hơn một năm vào cuộc quyết liệt, Nghĩa Đô đã khoác lên mình chiếc áo mới của sự đổi thay trong nếp nghĩ của người Tày, của sự gìn giữ bản sắc văn hóa. Những công trình xanh mọc lên tạo thành không gian văn hóa đúng với tên gọi “Nghĩa Đô xanh”. Bắt đầu từ khu chợ đêm, các gian hàng được thiết kế từ vật liệu thân thiện với môi trường như: gỗ, tre, nứa và lá cọ. Vào các bản làng người Tày, khu trưng bày không gian văn hóa ngoài trời cũng được xây dựng, tận dụng nhà sàn cũ, các vật liệu tre nứa, sáng tạo phù hợp với văn hóa dân tộc Tày.
Rất nhiều khách du lịch quốc tế và trong nước khi đến Nghĩa Đô đều ấn tượng với cổng chào mô phỏng từ nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày. Tuyến đường tre uốn lượn trên thửa ruộng giữa cánh đồng Mường Kem “khéo léo” che đi chiếc mương dẫn nước vào cánh đồng. Sáng tạo từ chiếc đó đan bằng tre - dụng cụ bắt cá của đồng bào Tày, từ hình tượng của cây cọ - cây trồng phổ biến ở vùng này, đã tạo một điểm trưng bày ngoài trời tại bản Pắc Bó. Những chiếc ô khổng lồ ấy còn được tạo hình trang trí thêm phần bắt mắt bởi những quả “còn” vải nhiều màu sắc. Hệ thống cọn nước dọc suối Mường Kem cũng là điểm trình diễn ngoài trời mang dấu ấn văn hóa dân tộc Tày vừa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch, vừa phản ánh sinh hoạt đời sống văn hóa của đồng bào Tày. Tất cả các chất liệu để tạo nên đều thân thiện với môi trường, hòa vào không gian xanh mát của cánh đồng, núi rừng.
Từ bản Tày trở thành ngôi làng du lịch ASEAN
Theo thời gian, nỗ lực của ông Lý Tự Minh trong việc thiết kế và khôi phục không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Tày ở Nghĩa Đô đã tạo ra hình ảnh đẹp của một Nghĩa Đô xanh, ấn tượng với cộng đồng và du khách bốn phương. Song, đấy chỉ là thay đổi bề ngoài dễ nhận thấy. Đặc biệt hơn, khi cộng đồng Tày ở Nghĩa Đô đã chung tay gìn giữ bảo tồn kho báu của chính họ, di sản văn hóa độc đáo mang bản sắc của chính họ. Đó là gần 1.000 ngôi nhà sàn truyền thống vẫn được gìn giữ, trong đó, có hàng chục ngôi nhà được cải tạo làm dịch vụ homestay.
Ban đầu, xã Nghĩa Đô quyết định chọn phương án “ít mà tinh” lấy 5 hộ người Tày tại địa phương để làm điểm phát triển du lịch cộng đồng. Thế rồi, không ai bảo ai, nhiều hộ đồng bào Tày cũng học và làm theo… Đặc biệt, xã đã thành lập Hợp tác xã nghề thủ công truyền thống, hình thành các tổ nhóm để khôi phục nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm; đồng thời xây dựng khu sinh hoạt cộng đồng để cho Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống luyện tập các tiết mục để biểu diễn khi khách đến Nghĩa Đô, là nơi để các nghệ nhân và nhiều người yêu thích nghề đan lát đến học hỏi trao đổi kinh nghiệm, cũng là trình diễn nghề thủ công truyền thống cho các đoàn khách du lịch đến trải nghiệm, cho các tiết học ngoại khóa để học sinh đến tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc Tày.
Ông Lý Tự Minh, chuyên gia tư vấn về văn hóa du lịch chia sẻ, điều ông tâm đắc và chọn làm nơi dành cả tâm huyết của mình xây dựng không gian văn hóa dân tộc Tày trở thành điểm du lịch xanh thân thiện là bởi những giá trị vốn có trong vốn văn hóa giàu bản sắc của đồng bào Tày Nghĩa Đô. Khi ông đặt chân đến mảnh đất này, gắn bó và thực sự sống ở đây gần 3 năm, lý do để ông ở lại lâu như vậy cũng bởi con người và cảnh sắc Nghĩa Đô rất “địa lợi, nhân hòa”. Điều căn cốt tạo nên sức mạnh đoàn kết để du lịch Nghĩa Đô phát triển, chính là việc vào cuộc thực sự của lãnh đạo tỉnh, khi đã hơn một lần thành lập các đoàn khảo sát đến Nghĩa Đô để tiếp thêm nguồn lực, tạo khí thế thi đua. Các lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống được phục dựng và làm “sống” lại trong đời sống của cộng đồng dân tộc Tày ở Nghĩa Đô trong 2 năm qua, cũng là minh chứng rõ nét trên hành trình xây dựng điểm du lịch xanh, an toàn.
Không chỉ dừng lại ở cụm homestay đã đạt giải thưởng du lịch ASEAN vừa qua, mà cộng đồng người Tày ở Nghĩa Đô vẫn nuôi khát vọng xây dựng thành ngôi làng du lịch ASEAN. Chuyên gia Lý Tự Minh vẫn ấp ủ dự dịnh xây dựng Nghĩa Đô thành bảo tàng sinh thái văn hóa dân tộc Tày của cả vùng Tây Bắc. Thành quả bước đầu mà điểm du lịch Nghĩa Đô xanh đạt được, chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho ý tưởng đó. Thế nhưng, theo chuyên gia Lý Tự Minh, để đi đến “đích” thì hơn ai hết và mang yếu tố quyết định vẫn chính là tự bản thân cộng đồng những gia đình người Tày ở Nghĩa Đô.
Vĩ thanh
Khép lại loạt bài “Vẽ giấc mơ xanh nơi vùng cao, biên giới”, câu chuyện về sự cống hiến thầm lặng cho cộng đồng để xây dựng những công trình xanh nơi vùng cao, biên giới Lào Cai của kiến trúc sư Nguyễn Huy Trung, chàng trai trẻ người Hà Nhì Phu Suy Thó và chuyên gia Lý Tự Minh để lại cho chúng tôi nhiều điều phải suy nghĩ. Phải chăng khi họ có niềm đam mê, có sự quyết tâm và trái tim đầy nhiệt huyết cống hiến cho cộng đồng, thì những ước mơ xanh ấy sớm muộn sẽ trở thành hiện thực. Những “ kiến trúc sư” của vùng cao ấy vẫn đang đi trên con đường mình đã chọn để xây thêm nhiều công trình xanh mơ ước.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ve-giac-mo-xanh-noi-vung-bien-gioi-bai-3-361003.html