Về Hải Phòng tham dự lễ hội 'thề không tham nhũng'

Vào mỗi độ Rằm tháng Giêng, tại làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) lại diễn ra một lễ hội vô cùng đặc biệt, hướng đến ý nghĩa phòng chống tham nhũng, 'Dĩ công vi công' .

Đó là một Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đồng thời cũng là cách làm độc đáo, để “văn hóa hóa” bài học về chính trị và tư tưởng; qua đó nêu cao quan điểm đức trị cần song hành cùng pháp trị, cũng như là phép nước phải song song với lệ làng.

Lễ hội Minh thề vốn được gây dựng từ ý tưởng của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn - là chính thất của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Xuất phát từ tấm lòng yêu thương dân chúng, bà đã đứng lên tạo dựng quỹ phúc lợi, trước là để xây dựng chùa chiền, giáo dục nhân dân đồng lòng hướng thiện; sau là động viên, hỗ trợ những gia cảnh khó khăn. Và Thái hậu đã sáng tạo ra hội thề độc đáo này, vừa để nêu cao ý thức minh bạch vì dân, vừa tổ chức thành hội làng đông vui, bổ ích. Mục đích của Hội thề Minh ước là giáo dục con người sống minh bạch, thanh liêm, và ngăn ngừa tham nhũng ngay từ trong tâm tư, ý nghĩ. Bởi như lời Bác Hồ đã dạy: Tham nhũng trước hết là sự “tha hóa về tư tưởng”; vậy nên muốn phòng chống tham nhũng, trước hết cần “tác động tích cực đến nhận thức và nhân sinh quan” của mỗi người.

Lễ hội Minh thề khích lệ, khơi sâu những giá trị tinh thần như đạo lý, danh dự, gắn với truyền thống của gia đình, dân tộc, quê hương, Tổ quốc… Gần một nửa thiên niên kỷ đã trôi qua, cái lõi sâu xa của tinh thần "Dĩ công vi công” vẫn còn nguyên giá trị, vẫn gắn kết được với vấn đề thời sự nóng bỏng hôm nay; đặc biệt khi mà công cuộc phòng chống tham nhũng đã và đang được tiến hành một cách sâu sắc, toàn diện trên phạm vi cả nước.

Lời hịch văn thề trong sáng không chỉ hàm nghĩa răn dạy những người có chức có quyền, mà còn hướng ý nghĩa giáo dục đến với cả thường dân: "Không được tắt mắt của nhau từ lúa mạ hoa màu, từ buồng cau trái chuối"; “Phải lấy lời hay lẽ phải mà dạy bảo con cháu làm điều tốt đẹp, tuân theo thuần phong mỹ tục của làng đã ghi trong hương ước”; "Nếu dùng quyền lực mà làm những điều tàn ác, xin nguyện cầu Thần linh đả tử!"...

Dọc chiều dài ngàn năm dân tộc, những lời thề thẳng ngay, chính trực mãi còn mang âm hưởng của tiếng vọng thời gian. Có một sợi dây vô hình vẫn ngầm gắn kết giá trị của quá khứ và hiện tại, bởi song song với luật, ta còn có cả một bề dày văn hóa rộng dài. Khi mỗi người Việt Nam cùng xây đắp được nhãn quan hài hòa về chính trị và văn hóa, thì nguồn sáng tâm linh thuần hậu sẽ tác động đến cả dân trí lẫn dân tâm, góp phần vun đắp một xã hội tốt đẹp hơn, để giữ cho cái tâm của dân tộc ngàn đời trong trẻo.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Thiện Đoan Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ve-hai-phong-tham-du-le-hoi-the-khong-tham-nhung