Về hồ Trị An bắt cá 'khủng'

Mỗi năm, khi mùa mưa đến, cùng với việc xả lũ điều tiết hồ chứa của Thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu), người dân từ nhiều nơi lại háo hức chờ đợi khoảnh khắc đóng cửa đập. Khi những cánh cửa đập tràn khép lại, một cuộc đua bắt đầu, đó là cuộc săn 'lộc trời', là những con cá tụ về sau khi xả lũ.

Sau khi Thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu) đóng cửa đập tràn, hàng trăm người dân từ hai bên hồ cùng xuống chân đập bắt cá. Ảnh: L.Duy

Sau khi Thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu) đóng cửa đập tràn, hàng trăm người dân từ hai bên hồ cùng xuống chân đập bắt cá. Ảnh: L.Duy

Năm nay cũng không ngoại lệ, sau nhiều ngày mưa lớn, mực nước ở hồ Trị An dâng cao do lượng nước từ thượng nguồn đổ về trung bình 2.000m³/s vào ngày 23-9, Công ty Thủy điện Trị An thông báo đến 14h, ngày 30-9 kết thúc xả tràn, đóng cửa đập.

Háo hức chờ đóng cửa đập

Từ trưa 30-9, hàng chục người dân địa phương đã tập trung chờ đợi Thủy điện Trị An đóng cửa đập. Họ đến với đủ loại ngư cụ, sẵn sàng tham gia bắt cá “khủng” khi cửa đập khép lại. Người dân trong vùng thường nói vui với nhau đây là dịp săn “lộc trời”, vì rất dễ bắt cá, trong đó có những con cá lăng, cá mè… nặng cả chục ký.

Anh Trần Quang Sáng (ngụ khu phố 7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Mỗi khi nhà máy thủy điện xả lũ, cá từ hạ nguồn bơi ngược lên. Khi đụng trúng đập, cá tụ lại ngay cửa đập rất nhiều, tha hồ đánh bắt. Các loại cá tại đây đa phần là cá tự nhiên, vô cùng phong phú, bao gồm: cá mè, cá lăng, cá chốt, cá rô phi...

Theo anh Sáng, so với các năm trước, số lượng người tham gia bắt cá năm nay đông hơn rất nhiều. Không chỉ có người dân ở huyện Vĩnh Cửu, mà còn nhiều người từ các nơi khác đổ về như: tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Biên Hòa, huyện Định Quán và huyện Trảng Bom. Mọi người đến với đủ loại ngư cụ, thậm chí mang theo SUP (ván lướt sóng có mái chèo) để di chuyển ra giữa hồ chuẩn bị sẵn sàng cho việc bắt cá. Không khí dưới chân đập náo nhiệt với hàng trăm người chen chúc, ai nấy đều sẵn sàng và hào hứng cho cuộc “săn lộc trời”.

Anh Hữu Đăng (28 tuổi, ngụ quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, khi nghe tin Thủy điện Trị An đóng cửa đập, anh cùng nhóm bạn đã lái ô tô xuống tận nơi. Dù không phải là ngư dân, anh vẫn bị thu hút bởi không khí vui vẻ, sôi động và muốn hòa vào sự náo nhiệt này. “Tôi đến đây chủ yếu để trải nghiệm và tham gia cho vui. Nếu ai bắt được cá lớn, tôi sẽ mua về để gia đình thưởng thức đặc sản của hồ Trị An” - anh Đăng vui vẻ cho biết.

Đến khoảng 13h30, dòng người đổ về ngày càng đông hơn, lên đến hàng trăm người. Mọi người rôm rả chuyện trò, chia sẻ kinh nghiệm, chỉnh lại ngư cụ, chuẩn bị cho khoảnh khắc đóng cửa đập. Không chỉ người lớn, mà cả trẻ nhỏ cũng hào hứng tham gia, khiến cho khung cảnh dưới chân đập thêm phần sôi động.

Ông Tuấn (ngụ khu phố 7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) thường xuyên có mặt khi Thủy điện Trị An đóng cửa đập kể rằng, đây là lần đầu tiên trong năm 2024 Thủy điện Trị An đóng cửa đập sau mùa xả lũ. Mỗi năm, khi đập đóng, người dân quanh vùng đều chờ đợi khoảnh khắc này để tranh thủ bắt cá. Đây không chỉ là cơ hội để kiếm thêm thu nhập, mà còn là dịp để mọi người tụ họp, cùng nhau chia sẻ niềm vui.

Theo ông Tuấn, việc bắt cá khi đập đóng không chỉ mang lại nguồn lợi thực phẩm, mà còn là dịp mọi người cùng chia sẻ niềm vui trong từng mẻ cá bắt được.

Đây không chỉ là một trải nghiệm đánh bắt cá đơn thuần, mà còn là dịp để người dân khắp nơi đến gần nhau hơn, tận hưởng niềm vui và sự trù phú từ thiên nhiên mang lại. Mỗi con cá bắt được là một phần quà khiến cho mỗi người tham gia đều cảm thấy háo hức và vui vẻ. Trong khoảnh khắc ấy, dưới bầu trời cuối thu, những tiếng cười, tiếng reo hò không ngừng vang lên bên bờ đập.

Tiếng hò reo, sự hào hứng và khung cảnh người dân tụ họp, săn bắt những mẻ cá từ đập Trị An đã trở thành một trải nghiệm khó quên cho tất cả những ai tham gia. Cuộc “săn lộc trời” không chỉ là cách để kiếm thêm thu nhập, mà còn là dịp để kết nối cộng đồng, mang lại niềm vui chung cho mọi người.

Trải nghiệm “săn lộc trời”

Khoảnh khắc lúc 14h khi cánh cửa đập cuối cùng khép lại, người dân nô nức reo hò. Hàng trăm người từ hai bên bờ hồ nhanh chóng di chuyển men theo lối mòn xuống phía dưới hồ. Người thì bơi ra gần hồ, người dùng thuyền tôn và SUP chèo ra giữa hồ để thuận tiện việc bắt cá. Đủ loại ngư cụ được sử dụng nhưng chủ yếu nhất là chài và lưới.

“Ở đây, tôi chủ yếu xài chài là nhiều, vì dễ sử dụng và độ chính xác cao khi bắt. Chài thì chỉ cần quăng ra dính cá và kéo về cá sẽ nằm trong lưới. Còn lưới đánh cá thì phải giăng 2 đầu và cần 2 người, mất thời gian để cá tự bơi vào lưới và nằm trong đó. Lượng cá ở đây rất đa dạng, từ cá mè, cá lăng, cá chốt, đến cá rô phi… Đặc biệt, có những con cá to khổng lồ như cá mè hay cá lăng có thể nặng tới 12-18kg” - anh Sáng chia sẻ thêm.

Tiếng cười nói, tiếng lưới, chài ném xuống mặt nước vang lên, hòa quyện với tiếng xì xào của dòng nước đang rút dần. Cảnh tượng hàng trăm người cùng vung lưới, xếp hàng chờ đợi cá mắc lưới ngay dưới chân đập thực sự là một trải nghiệm khó quên.

Anh Nguyễn Hoàng (ngụ huyện Trảng Bom) phấn khởi khi kéo lên được con cá mè nặng khoảng 11kg.

Anh Nguyễn Hoàng (ngụ huyện Trảng Bom) phấn khởi khi kéo lên được con cá mè nặng khoảng 11kg.

Cảm giác hồi hộp, chờ đợi từng giây phút cá mắc lưới khiến không khí càng trở nên sôi động. Mỗi khi ai đó kéo lên được một con cá lớn, tiếng reo hò vang dội. Những người xung quanh không khỏi trầm trồ trước kích thước khủng của con cá vừa bắt được. Đặc biệt, các tay săn cá chuyên nghiệp nhanh chóng tập trung lại khi phát hiện những con cá to mắc lưới, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn của cuộc “săn lộc trời”.

Anh Nguyễn Hoàng (ngụ huyện Trảng Bom) đã kéo được một con cá mè “khủng”. “Con cá này chắc phải tầm 11kg, chưa bao giờ tôi bắt được con cá nào to như thế này. Mỗi năm, tôi đều mong chờ khoảnh khắc này. Cá mè là đặc sản ở đây, bắt được một con to thế này thì coi như đã có bữa tiệc lớn cho cả gia đình. Nhiều người bắt được cá sẽ bán lại, riêng tôi đây là dịp hiếm có nên sẽ để dành cho gia đình” - anh Hoàng hào hứng nói.

Ở trên bờ, anh Đình Thảo (ngụ tỉnh Bình Dương) đã nhanh chóng mua lại con cá lăng từ một người dân vừa bắt được. “Tôi biết đến sự kiện này từ lâu nhưng đây là lần đầu có dịp về tận đây để trải nghiệm. Nhìn con cá lăng nặng 12kg, tôi không thể kìm lòng mà mua ngay, giá tôi mua được 40 ngàn/kg. Cá lăng ở đây rất tươi, lại là cá tự nhiên nên chất lượng cao. Mua được cá to như thế này về nấu lẩu cho cả nhà chắc chắn sẽ rất ngon” - anh Thảo vui vẻ nói.

Lê Duy

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phong-su-ky-su/202410/ve-ho-tri-an-bat-ca-khung-ff3736c/