Về Kon Tum thưởng thức đặc sản thịt chuột 'quý tộc' trên xứ sở sương mù

Về với xứ sở sương mù xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) thực khách sẽ được thưởng thức đặc sản 'chuột quý tộc'. Loại chuột chuyên 'ăn trộm' củ và lá sâm Ngọc Linh.

Xã Măng Ri nằm trong lòng chảo trên đỉnh núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông. Nơi đây có độ cao hơn 1.700 m so với mực nước biển. Chính vì vậy, khí hậu nơi đây quanh năm lạnh giá, mưa nhiều. Được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu đặc biệt nên đã sản sinh ra nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, một trong những "quốc bảo" của Việt Nam.

Những con chuột đã được làm sạch gác trên bếp.

Cũng từ những vườn sâm quý, xuất hiện loại chuột “quý tộc”. Sở dĩ có tên chuột quý tộc là vì chuột này nằm sâu trong cánh rừng già. Chúng thường vào vườn sâm Ngọc Linh các hộ dân để ăn củ sâm, lá sâm.

Theo chân những chàng trai Xê Đăng lên núi bắt chuột “quý tộc” quả thật không dễ dàng. Để lên được đỉnh núi Ngọc Linh đặt bẫy chuột, những chàng trai Xê Đăng phải “cuốc” bộ gần 10km đường rừng. Người dân thường săn “chuột quý tộc” vào độ từ tháng 3 đến tháng 5 để bảo vệ sâm và dùng làm thực phẩm.

Vừa đặt bẫy, anh A Chung (chàng trai Xê Đăng trú tại làng Đăk Dơn, xã Măng Ri) tranh thủ thời gian chia sẻ: “Để bẫy được những chú chuột sâm này thì đơn giản, nhưng phải cẩn thận quan sát vì những vườn sâm Ngọc Linh ở đây đều được người dân cắm chông bảo vệ trộm, nên rất nguy hiểm. Khi đặt bẫy, chúng ta chú ý đặt vào những lối có dấu chân chuột chạy, gài thành từng hàng quanh vườn sâm”.

“Bên cạnh đó, chúng ta có thể gài vào những gốc cây, hốc đá, hố, hang…nơi ở của chuột. Hầu hết loại chuột này phá sâm quanh năm, ăn hết củ chúng lại ăn quả sâm. Từ củ lớn đến củ nhỏ, chúng đều chén hết…”, anh Chung nói.

Mùi thơm của thịt chuột xen lẫn vị đăng đắng, ngòn ngọt đặc trưng của sâm...

Ngay sau khi bẫy được “chuột quý tộc”, phải làm sạch và treo lên gác bếp thì thịt mới tươi ngon. Hơi khói và độ nóng của ngọn lửa làm thịt chuột chín dần từ ngày này qua ngày khác. Thịt chuột quý tộc teo lại và chuyển sang màu đen. Nếu muốn dùng, bà con phải mang xuống, rửa thật kỹ rồi hầm trong nhiều giờ để thịt mềm hơn. Vì chuyên ăn sâm nên thịt chúng rất bổ dưỡng.

Theo người dân ở xứ sở sương mù, ngày trước chuột rất dễ dính bẫy nhưng càng về sau càng khó vì chúng rất khôn…Chính vì vậy mà thịt chuột “quý tộc” mỗi lúc một quý. Ngoài là món ăn ngày tết và chiêu đãi các vị khách quý, thịt chuột “quý tộc” chỉ được dâng lên các vị thần trong lễ cúng, cưới hỏi…

Thịt chuột sâm được cho là rất bổ dưỡng vì chúng chỉ ăn những loài sâm quý như sâm Ngọc Linh.

Chị H’Lạng (xã Măng Ri) – người phụ nữ có thâm niên trong việc chế biến đặc sản “chuột quý tộc” cho hay: “Có rất nhiều cách chế biến thịt chuột quý tộc. Nếu muốn làm món canh thì nấu với măng rừng muối chua. Làm đồ nhắm rượu thì nướng trên bếp lửa ăn kèm với lá Blu Kit. Hoặc ăn chung với cơm thì xào cùng ruột cây chuối rừng hay chặt nhỏ rồi xào sả ớt”.

Vừa dứt lời, chị H’Lạng nhanh tay trở con “chuột quý tộc” nướng trên bếp than hồng. Thịt vừa chín tới, một mùi thơm tỏa nhẹ quanh chòi canh. Đưa vào miệng, chầm chậm nhai, chúng tôi cảm nhận được đủ hương lẫn vị của món ăn, đó là mùi thơm của thịt, giòn của da và xương, xen lẫn vị đăng đắng, ngòn ngọt đặc trưng của sâm...

Ngoài việc đãi khách quý, phần lớn thịt chuột bẫy về được làm sạch và treo lên gác bếp đến khi có dịp cưới hỏi, lễ tết mới lấy xuống chế biến. Những dịp cưới hỏi, lễ tết người dân thường bày thịt chuột ra như một lời kính trọng, chào đón nhà thông gia, họ hàng và làng xóm tham dự. Cũng vì vậy mà những buổi đi tuần tra, canh giữ vườn sâm người dân đều bẫy chuột rừng để trữ trong gác bếp…

Vừa qua, thịt “chuột quý tộc” cũng xuất hiện tại phiên chợ sâm Ngọc Linh, gắn với quảng bá tiềm năng du lịch và các sản phẩm đặc hữu của huyện Tu Mơ Rông. Đặc sản này đã thu hút khách thập phương về với xứ sở sương mù.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ve-kon-tum-thuong-thuc-dac-san-thit-chuot-quy-toc-tren-xu-so-suong-mu-post192433.html