Về lại Đường Lâm
Chúng tôi từng đến Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cách nay hơn 10 năm. Giờ trở lại, nơi đây có những nét thay đổi không ngờ dù cảnh xưa còn đó…
Con đường vào Đường Lâm từ Quốc lộ 32 đi vào trở nên khó khăn hơn khi phải qua một vòng xuyến có nhiều nhánh rẽ, chúng tôi lộn tới, lộn lui mới đi vào đúng đường. Lẽ ra ở đây có biển báo vào khu du lịch.
Nhộn nhịp hơn và thực dụng hơn
Vào cổng làng, chúng tôi được báo phải để xe ngoài cổng và mua vé vào tham quan, rẻ thôi 3 người chỉ 40.000 đồng nhưng thay vì có vé vào cổng lại chỉ nhận được một tờ hường dẫn du lịch sơ sài. Ngay cổng làng có dãy quán chủ yếu bán nước ngọt, chè xanh, chè vối. Một cô chủ quán vui vẻ, tình nguyện giúp chúng tôi ghi lại mấy kiểu hình kỷ niệm rồi mời vào uống nước. Đó là điều khác biệt, ngày xưa cổng làng vắng lặng ai muốn vào thì vào.
Vào sâu trong làng, nơi cửa đình Mông Phụ, nhiều quán nước xuất hiện, chủ yếu bán kẹo dồi, kẹo lạc, chè lam, bánh gai, nước giải khát… Thỉnh thoảng đi qua quán hàng các bà, các chị mời uống nước, mời dùng thử miếng chè lam. Ở đây đã bắt đầu nhộn nhịp hơn, người dân đã nghĩ đến kiếm thêm thu nhập khi làng cổ Đường Lâm ngày càng nổi tiếng. Vào một gia đình có nhà cổ 300 năm tuổi, chúng tôi được 2 bà cụ mời tham quan, mời uống nước, mua bánh kẹo… Thầm nghĩ, giá như người Đường Lâm làm du lịch lặng lẽ hơn thì sẽ hay hơn. Ví dụ, cách nay 10 năm, chúng tôi vào tham quan nhà ông Thể, nơi cũng có nhà kiến trúc cổ rất đẹp với 7 gian 2 dĩ, lợp ngói ri cổ, mái cong cánh diều. Cả nhà đi vắng, chúng tôi được ông Liêm (hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, lúc đó đã 84 tuổi, nay đã mất) đưa vào nhà giới thiệu. Mãi một lúc sau con dâu ông Thể mới về, cô chào hỏi chúng tôi rồi đi làm việc vặt trong nhà, kệ khách muốn ngó nghiêng gì thì ngó. Chúng tôi nhờ cô múc rượu từ chum bán cho mấy chai…
Lúc này Đường Lâm đã xuất hiện vài ba nhà hàng; cũng đã có vài ba nhà xây lối hiện đại, mái bằng, mái tôn… làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của làng cổ này.
Vẫn là hồn cốt đó
Đường làng Đường Lâm là một hệ thống xương cá, tạo ra nhiều ngõ cụt và các nhà có thể dễ giúp đỡ nhau nếu có trộm cướp. Các con đường được lát bằng gạch thẻ, lát nghiêng, thường khô ráo do được xây dựng nương theo địa hình và cao hơn sân nhà. Tôi vẫn thích thú khi đường làng thiết kế theo kiểu dễ hỗ trợ nhau nếu có giặc cướp, làng mở nhưng ẩn chứa sự phòng thủ. Cổng nhà có sự khác biệt giữa nhà dân và nhà quan, dù đều làm bằng đá ong. Nhà dân cổng nhỏ, hình quai giỏ; nhà quan cổ lớn có vòng cổng mặt hổ phù, bên trên có phù điêu long, lân, quy, phượng…
Trước đây, đến nhà bà Lan (cùng làng với nhà ông Thể), chúng tôi nhìn những thứ mà gia đình ông Phan Kế Toại để lại, thấy nao lòng đến lạ. Cái roi dạy học trò của ông Toại đen bóng được trau chuốt cẩn thận. Cái roi không chỉ là sự thể hiện uy quyền của thầy và đạo thầy-trò mà còn nói lên sự học hết sức nghiêm túc, có học hành cẩn thận sau này mới làm việc cẩn trọng được. Bà Lan cho biết, nếu du khách thích thưởng thức các món ăn quê, cứ gọi điện trước một ngày bà sẽ chuẩn bị, đảm bảo vừa ngon vừa đỡ tốn tiền… Nay khi chúng tôi đến, bà Lan đi vắng. Nghe nói, bà Lan lên trung tâm Hà Nội ở, thỉnh thoảng mới về nhà làng cổ. Chúng tôi chỉ còn biết mong sẽ có ngày trở lại để còn nhìn chỗ xưa ông Phan Kế Toại dạy học trò…
Nhà ông Thể không khác xưa là mấy, vẫn còn đó những chum tương ở sân đón nắng gió, chum rượu dưới đất. Vợ chồng chủ nhà nay có ở nhà đón khách và nhộn nhịp khách vào ra hơn. Chúng tôi cũng vào thăm nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, người gắn với câu chuyện đi sứ nổi tiếng. Vua Trung Quốc Chu Do Kiểm (Sùng Trinh) gặp sứ thần Giang Văn Minh liền ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến giờ đã xanh rêu), ý nhắc đến cột đồng Mã Viện. Thám hoa Giang Văn Minh đáp: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Bạch Đằng từ xưa đỏ vì máu), nhắc lại người Việt 3 lần nhấn chìm quân xâm lược phương Bắc ở sông Bạch Đằng…
Không gian văn hóa không thể tách cảnh và người, quá khứ và hiện tại. Con người Đường Lâm vừa oai hùng, vừa hiền hậu; có những người học sâu rộng, có người là nông dân chất phác. Rượu gạo hay rượu của Đường Lâm rất ngon; rượu gạo mùi thơm thoang thoảng, rượu nếp cẩm thơm ngọt, nhẹ nhàng.
Chúng ta đang cố giữ cho làng cổ Đường Lâm nguyên vẹn, tính toán sao cho người dân ở đây thụ hưởng được những gì lợi ích do làm kinh tế du lịch đem lại. Tuy nhiên, điều cần cẩn trọng là lợi ích kinh tế không xung đột với sự giữ gìn di sản, với thuần phong mỹ tục và nhất là không làm biến đổi tính cách con người nơi đây. Làng cổ Đường Lâm như cái bình pha lê đẹp và mong manh.
Đường Lâm - “làng 2 vua”, nơi có những: Vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), Thám hoa Giang Văn Minh, Thám hoa Kiều Mậu Hãn… Đường Lâm cũng là nơi sản sinh ra Khâm sai đại thần sau trở thành Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, họa sĩ Phan Kế An… Ngoài nhà cổ, đường làng cổ, Đường Lâm còn có những di tích lịch sử - văn hóa: Lăng Ngô Quyền, Đền thờ Phùng Hưng, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự) và các di tích như rặng duối nói buộc voi chiến của Ngô Quyền hay đồi Hùm, nơi Phùng Hưng đánh hổ cứu dân.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ve-lai-duong-lam-356496.html