Về lại Trường Sơn

PTĐT - Trường Sơn huyền thoại với lứa chúng tôi, những người sinh ra khi đất nước hòa bình là những bài học lịch sử, bộ phim tư liệu, phim truyện.

Khu tượng đài chính nằm ở độ cao hơn 30m làm bằng đá trắng hình ảnh ngọn lửa đang cháy cao vút uy nghiêm.

Khu tượng đài chính nằm ở độ cao hơn 30m làm bằng đá trắng hình ảnh ngọn lửa đang cháy cao vút uy nghiêm.

PTĐT - Trường Sơn huyền thoại với lứa chúng tôi, những người sinh ra khi đất nước hòa bình là những bài học lịch sử, bộ phim tư liệu, phim truyện. Còn với tôi, Trường Sơn là câu chuyện của những CCB, TNXP đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước. Đó còn là 4 triệu tấn bom đạn Mỹ trút xuống đường Trường Sơn mà nếu “xếp hàng” tất cả số lượng đạn bom ấy, trung bình 1km phải chịu 30 tấn sắt thép nhiều hơn so với số đá, sỏi đã làm nên mặt đường.

Với những CCB, TNXP đã dành tuổi thanh xuân cho tuyến đường Trường Sơn, được trở lại con đường năm xưa, luôn là một chuyến trở về đầy ý nghĩa. Đó còn là dịp để mỗi người thắp nén hương thơm tưởng nhớ những đồng đội của mình nơi Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Còn với riêng tôi, mỗi một lần nghe kể về con đường huyền thoại là một lần tôi muốn được đến, đứng giữa đại ngàn miền Trung nắng gió để cảm nhận, mường tượng về những tháng, ngày mưa bom, lửa đạn mà các CCB, cựu TNXP đã trải qua.
Tháng 7 năm 2016, Báo Phú Thọ tổ chức đoàn cán bộ tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi được đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn-địa danh lịch sử nổi tiếng, nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn. Nghĩa trang được xây dựng tại khu vực Bến Tắt, cạnh Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngay từ những bước chân đầu tiên tôi đã bị ngợp bởi hơn 10 nghìn phần mộ của các liệt sĩ được quy tụ trên 3 quả đồi. Những ngôi mộ trắng nằm sát nhau, có ngôi mộ với đầy đủ thông tin tên, ngày tháng năm sinh, ngày mất, quê quán, đơn vị nhưng vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ của những liệt sĩ chưa có thông tin, trong đó đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Chầm chậm đi qua từng khu mộ được quy hoạch ngay hàng thẳng lối của các địa phương, mỗi người đều rưng rưng xúc động. Con đường Trường Sơn hôm nay, hòa bình độc lập của dân tộc được đổi bằng thanh xuân, xương máu của biết bao nhiêu người.

Bức ảnh đồi chè Long Cốc được đặt tại khu vực mộ liệt sĩ tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Bức ảnh đồi chè Long Cốc được đặt tại khu vực mộ liệt sĩ tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

4 năm sau, cũng vào tháng 7 tôi lại có dịp trở lại con đường Trường Sơn huyền thoại, đến thắp hương cho những liệt sĩ nơi nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9. Đúng đợt nắng rát của mùa hè, trời Quảng Trị xanh ngăn ngắt không một gợn mây nhưng những tán cây xanh bao trùm cả khu nghĩa trang vẫn mang đến sự mát mẻ, trong lành. Nằm cạnh Quốc lộ, nhưng chỉ cần đặt chân bước qua cổng nghĩa trang tôi bỗng có cảm giác không gian, thời gian như chậm lại, tĩnh mịch. Ai cũng nhẹ bước chân, có chuyện trò cũng chỉ khe khẽ. Tất cả đều giữ yên cho giấc ngủ của các anh hùng, liệt sĩ. Cũng như mọi năm khi đoàn chúng tôi đến nơi đã có rất nhiều đoàn khách đến viếng nghĩa trang. Đó là những thân nhân liệt sĩ, là những người đồng đội năm xưa của các liệt sĩ, là những người dân Việt Nam về thắp nén hương trầm tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Họ đứng lặng trước các phần mộ, có người lén lau giọt nước mắt. Một bác gái trong đoàn khách từ Hà Nội vào se sẽ thì thầm với tôi: Đứng ở đây, nghe những câu chuyện trên tuyến đường Trường Sơn mới hiểu hết được sự hy sinh của những người lính năm xưa dưới làn mưa bom, lửa đạn. Theo lối đi chúng tôi đi lên khu mộ dành cho các liệt sĩ của tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc) cùng lúc gặp đoàn khách cũng đến từ Phú Thọ vào thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ. Tôi chợt nhận ra người quen và được bác chia sẻ: Năm nay bác cũng gần 70 tuổi. Vào viếng các anh hùng liêt sĩ đúng dịp tháng 7 bác rất xúc động. Xem nhiều chương trình về Trường Sơn nhưng cũng không thể tưởng tượng hết được sự khốc liệt của chiến tranh. Nhiều liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn trẻ quá.Vẫn là những hàng mộ nằm san sát được chăm sóc cẩn thận, đường đi lối lại ngay thẳng, sạch sẽ, mùi hương trầm thoang thoảng bay trong gió. Ấn tượng với tôi trong chuyến thăm lần này là hai bức tranh Đồi chè Long Cốc (Phú Thọ) và Tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc) mới được dựng sau bia ghi công tại khu nghĩa trang các anh hùng, liệt sĩ tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc (Vĩnh Phú). Giữa đại ngàn Trường Sơn, những người con của quê hương Phú Thọ và Vĩnh Phúc vẫn thấy quê hương thật gần với những hình ảnh thân thuộc hiện diện hàng ngày ở nơi đây. Kia là Tháp Bình Sơn, đây là những đồi chè bát úp xanh mát mắt. Hình ảnh của quê hương khiến không gian trở nên ấm áp hơn, như chở che, ôm ấp hương hồn các anh hùng liệt sĩ ở nơi xa quê.Có người năm nào cũng về tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nhưng cảm xúc lần nào cũng vẹn nguyên như lần đầu. Với tất cả những người dân Việt Nam, Trường Sơn không chỉ là tên một địa danh, một con đường mà đó còn là biểu tượng của ý chí thống nhất đất nước. Và những con người đã hy sinh xương máu để chiến đấu trên tuyến đường huyết mạch giờ đang yên nghỉ nơi đây với những đồng đội của mình.

Hà An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202007/ve-lai-truong-son-172087