Về làng 'lưu giữ' ký ức tuổi thơ…

Cứ mỗi dịp cận Tết, nhiều người lại nhớ về tuổi thơ, nhớ về cái thời còn khó khăn, mong đến Tết để được ăn ngon, được may quần áo đẹp. Vui nhất là được đi chợ Tết, được mẹ mua cho những con Tò He đủ sắc màu. Dù rằng cuộc sống hiện đại hối hả, bận rộn, nhưng những ký ức về những con Tò He thời thơ ấu thật khó phai nhạt.

Từ một làng nghề nặn Tò He truyền thống

Trong thời đại của công nghệ, nhiều loại đồ chơi hiện đại, bắt mắt được bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, ngay giữa Thủ đô vẫn có một làng nghề truyền thống đã tồn tại từ nhiều đời nay, vẫn lưu giữ những ký ức tuổi thơ mộc mạc, bình dị của rất nhiều người, đó là làng nghề Tò He Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên).

Nghệ nhân Đặng Văn Khương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tò He Xuân La tại Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, tháng 12/2020. (Ảnh:Bảo Thoa)

Nghệ nhân Đặng Văn Khương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tò He Xuân La tại Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, tháng 12/2020. (Ảnh:Bảo Thoa)

Không ai biết chính xác nghề Tò He ở Xuân La có từ bao giờ, nhưng theo người dân ở đây, nghề này đã xuất hiện và tồn tại đến nay chừng 300 năm, nhiều gia đình có đến 4-5 đời theo nghề. Với đồ nghề giản đơn gồm nguyên liệu là bột gạo và các loại màu làm từ hoa quả, lá của các loài cây có trong tự nhiên.

Với những thứ nguyên liệu ấy, ban đầu Tò He được dùng để cúng lễ nên thường được nặn thành các con vật như gà, trâu, bò, lợn, cá... Cũng chính vì thế mà người ta gọi dân dã là “đồ chơi chim cò”. Một số nơi còn gọi là “con bánh” ngoài việc dùng để cúng lễ, làm đồ chơi, những con vật này còn có thể ăn được.

Các công đoạn làm tò he truyền thống khá công phu, để làm được Tò He, những người thợ thủ công phải xay bột gạo, sàng nhiều lần để lọc ra được thứ bột thật mịn, khi chạm tay vào thấy mịn, mát, đổ xuống mâm không bị trôi thì mới đạt yêu cầu. Thứ bột mịn ấy được đánh nhuyễn với nước nguội, đem hấp chín, để nguội rồi mới trộn từng mẻ bột với những loại màu khác nhau. Trước mỗi phiên chợ hay lễ, Tết, người làm Tò He sẽ nặn thành sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó đem hấp chín lại một lần nữa để có thể bảo quản được lâu.

Người làm nghề nặn Tò He thường bận rộn nhất vào mỗi dịp lễ, Tết hoặc vào các buổi họp chợ phiên ở các làng quê. Các nghệ nhân thường di chuyển xa nhà, rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường, nặn Tò He để bán. Dù các hình thù của Tò He được nặn khá đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Theo nghệ nhân Đặng Văn Khương, “Đây là một nghề đòi hỏi người làm phải có óc tưởng tượng tốt, có hoa tay và phải kiên trì, cần mẫn và có tình yêu thương con trẻ. Nặn ra hình thù các con vật không khó, nhưng làm cho con vật có hồn, cảm xúc thì không hề dễ”.

Dù đã có truyền thống lâu đời, với nhiều người theo nghề. Tuy nhiên, đã có một thời gian dài, nghề nặn Tò He cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu là gạo nếp, đặc biệt là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Nhiều người buộc phải bỏ nghề, tìm công việc khác để mưu sinh. Tưởng chừng như sau thời đổi mới, làng nghề Tò He sẽ có bước phát triển mới khi nguyên liệu để làm Tò He đã sẵn hơn, nhưng sự bùng nổ của kinh tế thị trường khiến cho những loại đồ chơi công nghiệp xuất hiện ngày một nhiều, lấn át các món đồ chơi dân gian. Trong khi đó, thế hệ trẻ ngày càng có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp cho thu nhập cao, phải là những người thực sự yêu nghề mới chọn theo nghề truyền thống như nghề nặn Tò He.

Tìm lại chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại

Đứng trước nguy cơ làng nghề có truyền thống lâu đời đang dần bị mai một, những người thợ thủ công làng Xuân La, trong đó có ông Chu Tiến Công, ông Đặng Văn Khương và nhiều người khác tâm huyết với nghề đã rất trăn trở, cố gắng tìm nhiều hướng đi mới để có thể duy trì hoạt động và phát triển làng nghề. Cuối cùng Câu lạc bộ Tò He Xuân La đã ra đời sau rất nhiều trăn trở, bàn bạc. Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2009 với số hội viên ban đầu chỉ hơn 50 người, với nòng cốt là những người cao tuổi đã làm nghề từ nhiều năm nay, có cùng tâm huyết giữ gìn và phát triển làng nghề do cha ông để lại. Đến nay, số hội viên của Câu lạc bộ đã hơn 100 người và cũng đã đạt được những thành công bước đầu.

Nghệ nhân Đặng Văn Khương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tò He Xuân La, với gần 40 năm theo nghề tò he cho biết, cái khó nhất của nghề Tò He không phải là kỹ thuật nặn, mà chính là tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Bởi thứ đồ chơi làm bằng bột dù lắm công phu nhưng dễ hỏng và nhanh chán đối với trẻ nhỏ. Đặc biệt, nhiều trẻ em được tiếp xúc với công nghệ sớm, vốn thích những hình thù dạng siêu nhân, người máy, siêu anh hùng hay những nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình hơn. Trong khi đó, những hình thù con lợn, con gà hay con cá, con trâu dù rất đẹp nhưng không hấp dẫn bằng. Hơn thế, người làm Tò He phải tự mang đến những điểm du lịch, vui chơi hay lễ hội mới có thể bán được.

Các sản phẩm Tò He của Câu lạc bộ Tò He Xuân La được tạo hình đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. (Ảnh: Bảo Thoa)

Các sản phẩm Tò He của Câu lạc bộ Tò He Xuân La được tạo hình đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. (Ảnh: Bảo Thoa)

Để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của thị trường, Câu lạc bộ đã thường xuyên mở các đợt hội ý, tập huấn cho các nghệ nhân về những mẫu sản phẩm mới, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm nghề. Cứ định kỳ 3 tháng Câu lạc bộ họp rút kinh nghiệm, bồi dưỡng tay nghề và triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh làng nghề đến không chỉ Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác.

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Tò He Xuân La cũng nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ địa phương. Hằng năm, ngày 26/10, địa phương tổ chức vinh danh các làng nghề, trong đó có các cuộc thi tay nghề, nhằm khuyến khích động viên các nghệ nhân, những người thợ thủ công không ngừng sáng tạo, trao truyền nghề cho các thế hệ sau.

Đến nay, Câu lạc bộ làng nghề vẫn thường xuyên đem các sản phẩm của mình đến các lễ hội truyền thống, các danh lam thắng cảnh ở nhiều địa phương để quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề đến với du khách. Nhờ đó, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, một phần giúp những người thợ thủ công ổn định cuộc sống để giữ gìn và phát triển văn hóa dân gian trong đời sống hiện đại.

Hiện tại, không chỉ thế hệ ông Khương mà nhiều thanh niên khác trong làng, giống hai người con của ông cũng quyết tâm theo nghề truyền thống ông cha để lại, cháu nội ông Khương hiện mới lên 10 tuổi cũng đã biết nặn Tò He theo những hình con vật đơn giản. Chính những đóng góp không ngừng nghỉ của những người thợ thủ công làng Xuân La đã và đang góp phần giữ cái hồn quê trong nghề nặn Tò He, bảo tồn một loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc./.

Cao Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ve-lang-luu-giu-ky-uc-tuoi-tho-116678.html