Về Lăng Sương nghe kể chuyện thủa hồng hoang

Đi ngược sông Đà, bắt đầu từ ngã ba Bạch Hạc lên thủ phủ xứ Mường với thành phố thủy điện lung linh, chúng tôi rẽ vào chiêm bái đền Lăng Sương. Bây giờ đền Lăng Sương đã Nhà nước được xếp hạng di tích quốc gia. Đó là một ngôi đền bề thế, khang trang, rộng rãi và có bề dày lịch sử văn hóa nhất trong vùng. Có thể nói, đền Lăng Sương cùng với Đền Hùng ở xã Hy Cương, thành phố Việt Trì và đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (cùng ở Phú Thọ) đã làm thành một tam giác lễ hội tâm linh mùa Xuân nổi tiếng của vùng đất Tổ.

Tác giả Đào Thị Thu Hiền trước Nghi môn đền Lăng Sương

Tác giả Đào Thị Thu Hiền trước Nghi môn đền Lăng Sương

Mở đầu là lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (7 tháng Giêng), tiếp theo là lễ hội đền Lăng Sương (15 tháng Giêng) và kết thúc là lễ hội lớn nhất, ngày quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng (10 tháng Ba). Sở dĩ chúng tôi điểm lại như vậy để mọi người có thể hình dung được tầm vóc và ý nghĩa của ba lễ hội nổi tiếng trên miền đất Tổ để tưởng nhớ tới những nhân vật đặc biệt là tổ tiên của con dân đất Việt ở nơi phát tích của dân tộc. Cách tưởng nhớ như thế âu cũng là một phút lắng lòng để tri ân đến tổ tiên, với nơi cội nguồn của lịch sử đất nước.

Ngôi đền Lăng Sương nằm trên vùng bán sơn địa, bên tả ngạn sông Đà và hiện đang ẩn chứa trong mình biết bao lớp trầm tích văn hóa về cội nguồn, từ thủa bình minh dựng nước của dân tộc. Hẳn là xưa kia ngôi đền linh thiêng Lăng Sương nằm bên bờ Đà giang này từng được núi rừng xanh ngát bao bọc và dòng chảy “độc Bắc lưu” với “nước đen” pha “nước bạc” cùng những thác nghềnh trập trùng khiến cho dòng sông hiện lên khi thì mơ mộng trữ tình lúc lại hung dữ, táo tợn, bao quanh để làm thành một bức tranh non nước hữu tình khiến người qua vừa sợ hãi vừa không khỏi thích thú, mê mẩn.

Ngắm nhìn dòng sông của một thời từng là nơi “hoa thơm cỏ lạ” của vùng đất Lạc Việt bất giác tôi nhớ đến những huyền thoại từ thời dựng nước.

Trước mắt chúng tôi bãi Trường Sa Trung Lộ (bãi sông từ Lăng Sương đến Tu Vũ) đâu chỉ ngan ngát nương dâu để chàng trai Lạc Long Quân gặp được nàng tiên nữ Âu Cơ rồi nên vợ nên chồng mà còn là một bãi chiến trường ác liệt của người Lạc Việt (Việt, Mường cổ) và người Âu Việt (Thày, Thái cổ).

Chẳng là, trong thời huyền sử, dòng Đà giang ở chỗ này, người Âu Việt từ mạn thượng nguồn Tây Bắc xuôi dòng sông Đà xuống cướp phá làng mạc người Lạc Việt ở vùng hạ lưu Bạch Hạc. Người Lạc Việt để giữ yên làng mạc của mình, để bảo vệ được đồng ruộng, của cải ở phía hạ lưu nên phải đi ngược sông lên phòng thủ ở phía thượng nguồn, trong đó có miền đất của động Lăng Sương.

Truyền thuyết kể lại rằng, Lạc Long Quân một lần đi ngược sông để xem xét thế núi hình sông mà bố phòng lực lượng chặn đánh giặc cướp người Âu Việt. Khi đi đến miền đất của động Lăng Sương chàng đã gặp người con gái xinh đẹp tuyệt trần đang hái dâu ở bãi Trường Sa Trung Lộ. Ưng lòng vừa ý, Lạc Long Quân đã kết tóc xe duyên với Âu Cơ rồi cùng đưa nhau về vùng đất ngã ba sông Bạch Hạc sinh sống.

Rồi tại đây, mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Vì một người loài Tiên trên núi, một người nòi rồng dưới biển nên hai người phải chia tay. Họ đã để người con trưởng ở lại đất Phong Châu làm vua Hùng. Đó là Hùng Vương thứ nhất của nước Văn Lang. Sau đó mẹ Âu Cơ đưa bốn mươi chín người con ngược rừng, ngược núi đi khai khẩn đất hoang lập làng dựng ấp. Đó là miền đất Văn Lang ở huyện Hạ Hòa. Còn lại, Lạc Long Quân đưa năm mươi người con về khai phá vùng biển. Huyền sử đó là cách giải thích về nguồn gốc dân tộc cao quý của người Việt Nam.

Truyền thuyết về bọc trăm trứng có ngụ ý về bào tộc, nguồn gốc tộc người. Tất cả các tộc người trên đất nước Việt Nam đều có chung huyết thống. Họ cùng sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Hình ảnh mẹ Âu Cơ đưa con lên rừng, cha Lạc Long Quân đưa con xuống biển vừa gợi lên ý nghĩa về triết lý âm dương tương sinh tương khắc vừa gợi lên cái công việc mở mang bờ cõi của ông cha ta từ thủa hồng hoang.

Chính đền Lăng Sương

Chính đền Lăng Sương

Bây giờ ở xã Đồng Trung người ta ít gọi là động Lăng Xương. Những tên gọi hành chính như thôn, làng… của người Kinh đã thay thế cho tên gọi các địa bàn cư trú một thời là động của người thiểu số (người Man) mà triều đình nhà Lê từng quy định như động Lăng Sương - Thanh Thủy, động Khuất Lão - Tam Nông, động Tiên Du - Phù Ninh, động Hoa Khê - Phú Thọ...

Miền đất Lăng Sương trước đây là xã Trung Nghĩa của huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, thời xưa là huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, xứ Sơn Tây, đạo Hưng Hóa, đến hồi tháng 12 năm 2019, được Quốc Hội sắp xếp lại với các xã Trung Thịnh, Đồng Luận thành đơn vị mới là xã Đồng Trung nên bây giờ di tích Lăng Sương nằm ở xã Đồng Trung. Nhưng có lẽ sự thay đổi ấy chỉ là tên gọi hành chính thôi còn di tích văn hóa cổ xưa của đất ấy vẫn vậy.

Từ thủa khai thiên lập địa, vùng đất Lăng Sương đã nổi tiếng về phong thủy với thế đất “tựa sơn đạp thủy” nằm bên dòng Đà giang hùng vĩ, đối diện với Ba Vì núi Tổ. Chẳng gì thì miền đất này ngay từ thủa bình minh của nhà nước Văn Lang đã nổi tiếng là nơi địa linh nhân kiệt.

Truyền thuyết thời Hùng Vương có kể, vợ chồng Đế Lai từng ở động Lăng Sương và sinh hạ Âu Cơ cũng ở chính chốn này. Khi nàng Âu Cơ cất tiếng khóc chào đời, mặt đất nơi đây có hương thơm tỏa ngát, trên trời có mây lành ngũ sắc bao quanh. Ấy là điềm lành báo tin “tiên nữ giáng trần”. Rồi cũng ở bãi sông nơi đây Âu Cơ được Lạc Long Quân kén chọn làm vợ và đưa về núi Nghĩa Lĩnh để hình thành nên nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc.

Và, đến thời Hùng Vương, cũng chính ở miền đất Lăng Sương này, vợ chồng ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen tiếp tục sinh hạ được một chàng trai khô ngô Nguyễn Tuấn mà sau này là hiện thân của chàng Sơn Tinh, một nhân vật nổi tiếng trong bộ “sử thi” dựng nước của người Việt Nam và trở thành vị thánh đứng đầu trong bốn người được truyền tụng là “Tứ bất tử” (Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh).

Viên đá lưu dấu bàn chân phải, gối chân trái và hình bàn tay của bà Đinh Thị Đen khi sinh hạ thánh Tản Viên

Viên đá lưu dấu bàn chân phải, gối chân trái và hình bàn tay của bà Đinh Thị Đen khi sinh hạ thánh Tản Viên

Truyện xưa kể lại, thời Hùng Vương thứ XVIII, tại động Lăng Sương có vợ chồng ông Nguyễn Cao Hành và Đinh Thị Đen làm nghề kiếm củi đốt than. Hai người đã cao tuổi mà chưa có con. Hai ông bà sống hay làm việc phúc và luôn ao ước có một mụn con để cậy nhờ khi tuổi già đau ốm. Một hôm bà Đen vào rừng kiếm củi và nhìn thấy rồng vàng sa xuống một tảng đá to dưới suối. Khi rồng bay về trời bà thấy nước suối trong xanh, thơm mát. Thấy thế, bà liền đi xuống chỗ tảng đá giẫm chân mình vào vết chân trên tảng đá (có thuyết kể là bà xuống suối tắm bên tảng đá). Về nhà bà thấy trong người khoan khoái lạ thường rồi có mang.

Sau mười bốn tháng, bà vẫn chưa sinh. Bà trở lại chỗ tảng đá năm trước và thấy mây ngũ sắc che phủ, hào quang rực rỡ rồi trở dạ sinh ra một cậu bé khôi ngô, tuấn tú, tướng mạo khác thường. Bà đặt tên con là Nguyễn Tuấn.

Năm Nguyễn Tuấn lên sáu thì ông Nguyễn Cao Hành mất. Hai mẹ con phải vào rừng kiếm củi và nhặt hoa quả để nuôi thân. Nhưng rồi đồ ăn ở núi rừng Lăng Sương cạn dần. Hai mẹ con lại phải sang núi Tản (Ba Vì) để tiếp tục kiếm sống. Tại đây, Nguyễn Tuấn đã được bà Ma Thị, tức Cao Sơn Thần Nữ nhận làm con nuôi. Rồi một ngày ở trên núi Ba Vì, Nguyễn Tuấn được Thái Bạch Kim Tinh cho một cây gậy có đầu sinh đầu tử để cứu nhân độ thế. Từ bấy giờ, Nguyễn Tuấn chuyển từ nghề kiếm củi sang nghề làm thuốc, cầm gậy đi vân du khắp nơi cứu người.

Một lần nhờ có cây gậy sinh tử mà Nguyễn Tuấn cứu được rắn thần là Tiểu Long Hầu, con trai Long Vương ở biển Nam Hải đi chơi bị lũ trẻ đánh chết. Cảm kích trước tấm lòng của Nguyễn Tuấn, trong một lần xuống Long cung chơi, Nguyễn Tuấn lại được Long Vương tặng cho một cuốn sách ước. Nhờ có sách ước và gậy thần mà pháp lực của Nguyễn Tuấn ngày càng cao cường và càng giúp đỡ được nhiều người ở khắp mọi nơi. Nguyễn Tuấn thấy núi Ba Vì có ba tầng cao chót vót tỏa ra như ba cái tán rất đẹp liền làm phép mở đường và lên núi cao nhất để ngự. Từ đó Nguyễn Tuấn được nhân dân suy tôn làm Sơn thần, tức là thần núi Tản Viên.

Hậu cung, nơi thờ Mẫu, Đức thánh Tản Viên, Ngọc Hoa Công chúa.

Hậu cung, nơi thờ Mẫu, Đức thánh Tản Viên, Ngọc Hoa Công chúa.

Thần núi Tản Viên không chỉ làm thuốc cứu dân mà còn dạy dân trồng lúa, săn bắn... giúp dân chống lại lũ lụt bảo vệ mùa màng.

Chuyện rằng, hồi ấy vua Hùng có hai cô con gái vô cùng sinh đẹp. Nàng công chúa cả được vua gả cho Chử Đồng Tử. Nàng công chúa thứ hai tên gọi là Mị Nương Ngọc Hoa. Công chúa thứ hai đến tuổi lấy chồng, Hùng Vương cho kén rể. Trai tráng trong vùng kéo đến rất đông nhưng không ai lọt mắt công chúa.

Một hôm có hai vị thần là Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến xin ra mắt. Cả hai người đều tài năng. Một người ở vùng núi Ba Vì là Nguyễn Tuấn (thường gọi là Sơn Tinh) có tài chỉ tay về phía đông, phía đông biến thành đồng lúa xanh, chỉ tay về phía tây, phía tây mọc lên hàng dãy núi cao. Còn một người ở mãi tận miền biển Đông là Thủy Tinh tài giỏi cũng không kém: gọi gió gió đến, hô mưa mưa về. Vua Hùng không biết chọn ai và cho thi tài. Cuối cùng Sơn Tinh đã thắng Thủy Tinh và đưa được Ngọc Hoa Công chúa về trên núi Tản. Từ đó Sơn Tinh oán thù, hàng năm dâng nước đánh Sơn Tinh hòng cướp lại nàng Ngọc Hoa xinh đẹp.

Bắt đầu từ đây huyền thoại chống lũ lụt được hình thành. Người con ưu tú của động Lăng Sương đã trở thành một anh hùng lao động, một biểu tượng của người anh hùng trị thủy.

Cũng bắt đầu từ đây, Nguyễn Tuấn đã vừa là con rể vừa là vị tướng của nhà Hùng Vương. Ông đã dâng kế sách giúp Vua Hùng gây dựng bảo vệ nước nhà với hai lần đánh thắng giặc ngoại xâm. Đặc biệt, khi được Vua Hùng thứ XVIII truyền ngôi báu, Nguyễn Tuấn đã không nhận. Ông khuyên vua nhường ngôi cho Thục Phán để nhân dân tránh khỏi binh đao loạn lạc. Kể từ đây lịch sử nước nhà có sự chuyển giao từ nhà nước Văn Lang sang nhà nước Âu Lạc.

Nghe theo lời khuyên của Nguyễn Tuấn, Vua Hùng đã được Thục An Dương Vương cảm kích ghi nhớ công ơn mà dựng cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, đồng thời ban chiếu cho lập đền thờ Thánh Tản tại động Lăng Sương. Cũng bắt đầu từ đây huyền tích về một nhân vật lỗi lạc, kết tinh giữa hiện thực và huyền thoại ngày càng được lưu truyền mạnh mẽ trong dân gian. Và ông đã trở thành một vị phúc thần của nhiều làng quê, đứng đầu trong “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng cổ truyền của người Việt Nam.

Ghi nhớ công ơn của người anh hùng động Lăng Sương, nhân dân ở quê hương ông đã lập đền thờ thánh Mẫu, thánh Tản cùng cả gia đình nhà thánh. Tương truyền đền Lăng Sương được làm từ thời Thục An Dương Vương, năm 258 trước Công nguyên. Thục Phán đã cho xây dựng ngôi đền để tạ ơn Đức thánh Tản, người có công lao tiến cử và khuyên nhủ vua Hùng thứ XVIII nhường ngôi cho mình. Ngôi đền đến thời Tiền Lê được xây dựng lại bằng gạch ngói. Trải qua năm tháng ngôi đền thường xuyên được tu bổ.

Đến thời nhà Nguyễn, năm 1847 và 1848, đền được tu sửa lớn và khắc bia đá để lưu truyền hậu thế. Năm 1991 và những năm gần đây chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục tôn tạo, mở rộng với diện tích hiện có khoảng hơn ba nghìn mét vuông.

Hiện nay, khu di tích quốc gia đền Lăng sương có đủ Nghi môn (Tam quan); nhà Tả mạc, Hữu mạc; đền chính và các công trình khác như miếu Hai Cô, Giếng Thiên Thanh, Nhà bia, Nhà võng và lăng mộ Thánh Mẫu. Ngoài ra, trong đền cũng còn giữ được rất nhiều đồ thờ có giá trị, đặc biệt là hòn đá huyền thoại in dấu chân và gối quỳ của thánh Mẫu Đinh Thị Đen khi sinh thánh Nguyễn Tuấn.

Tác giả Phan Ngọc Anh bên lăng mộ Thánh Mẫu (mẹ đức thánh Tản viên)

Tác giả Phan Ngọc Anh bên lăng mộ Thánh Mẫu (mẹ đức thánh Tản viên)

Có thể nói mỗi một công trình ở đền Lăng Sương ít nhiều đều được gắn với một huyền thoại. Đi qua Nghi môn là miếu Hai Cô (còn gọi là miếu Nhà Bà) thờ Bạch Tinh Thần Nữ là thần giữ đất cùng hai người hầu là Đào Hoa và Quế Hoa. Phía sau miếu là giếng Thiên Thanh. Dưới giếng nước trong vắt, nhìn thấu tận đáy, quanh năm đầy nước. Tương truyền khi sinh thánh Tản, thánh Mẫu đã lấy nước giếng để tắm rửa cho Thánh. Bên cạnh giếng Thiên Thanh có phiến đá in hình bàn chân phải, dấu đầu gối, năm ngón tay. Người xưa bảo rằng, khi Thánh Mẫu chuyển dạ, trong cơn đau vật vã, bà quỳ chân và chống tay xuống phiến đá cho nên hình bàn chân, dấu đầu gối và năm ngón tay đã in hằn trên bề mặt phiến đá.

Cạnh giếng Thiên Thanh là nhà bia được làm theo kiểu nhà 4 mái, trong đặt tấm bia đá khắc năm 1848 ghi công đức của những người có công tu sửa lại đền. Trước sân đền chính là nhà võng. Nhà này là nơi Tản Viên thường mắc võng năm lúc còn nhỏ. Trong nhà võng có một chiếc võng được phủ bằng vải đỏ nên gọi là võng đào và có tám cột đá cao hơn hai mét được làm vào thời Lê. Ở giữa nhà võng đặt một chậu bằng đá xanh hình vuông. Nghe kể đây là chiếc chậu dùng để đựng nước cho Thánh Tản sử dụng khi còn nhỏ.

Trên chậu đá có đặt một bòn đá. Tương truyền hòn đá này được Thánh Mẫu dùng để chèn bụng lúc mới sinh Thánh Tản. Trung tâm của đền Lăng sương là đền chính. Đền chính được kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm ba gian đại bái, gian ống muốn và ba gian hậu cung. Các cột, kèo trong đền được làm bằng gỗ quý. Mái đền lợp bằng ngói ta, trên nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt. Ngoài tòa đại bái thờ tượng Cao Sơn và Quý Minh là bộ tướng có công giúp Tản Viên đánh dẹp quân Thục xâm lược.

Tòa hậu cung bài trí long ngai thờ Thánh mẫu Đinh Thị Đen (mẹ của Thánh Tản), thờ đức Thánh Tản, thờ ông Cao Hành (phụ thân Thánh Tản), thờ bà Ma Thị (mẹ nuôi Thánh Tản) và Công chúa Ngọc Hoa (vợ Thánh Tản).

Có thể nói, đền Lăng Sương là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ cả gia đình đức Thánh Tản và cũng là nơi thờ gốc trong hệ thống các di tích thờ đức Thánh Tản ở Việt Nam (thánh Tản viên được thờ ở rất nhiều nơi nhưng đó chỉ là nơi thờ vọng).

Nhân dân vùng động Lăng Sương ghi nhớ công ơn của các vị tiền nhân có công với dân với nước, hàng năm đều mở lễ hội để tưởng nhớ đến Thánh Mẫu và Thánh Tản. Lễ hội đền Lăng Sương là một trong những lễ hội lớn của vùng núi Tản sông Đà. Theo lệ, cứ vào ngày Rằm tháng Giêng (ngày giỗ chính và cũng là ngày sinh Thánh Tản) và Hai mươi lăm tháng Mười (ngày giỗ Thánh Mẫu Đinh Thị Đen) dân vùng Lăng Sương vào hội. Lễ hội đền Lăng Sương được mở trong ba ngày và thu hút được rất nhiều khách đến chiêm bái.

Nhiều năm hội mở rất to. Nhân dân rước ba kiệu bát cống. Một kiệu rước lư hương, một kiệu rước nải quả, một kiệu rước nước, lấy từ sông Đà về làm lễ và đón mẹ nuôi của Thánh Tản bên Ba Vì về dự tiệc sinh Thánh. Lễ hội đền Lăng Sương vừa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn vừa thể hiện nhiều lớp tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều lớp tín ngưỡng ít nhiều đã bị thơi gian che phủ mà người đương thời có thể không nhận ra được. Chẳng hạn, trong miếu thờ nữ thổ thần là Bạch Tinh Thần Nữ, trên mái đền có hình hai con bạch xà lớn gắn với tín ngưỡng thờ rắn của người Việt cổ.

Hình tượng rắn là biểu hiện cho việc làm ra mây, mưa. Cư dân nông nghiệp lúa nước rất cần nước nên thờ rắn để cầu mưa thuận gió hòa; cho mùa màng tươi tốt. Hay tục lấy nước từ sông Đà về thờ cũng thể hiện sự tôn thờ thần nước của cư dân trồng lúa nước từ thời xa xưa. Ngoài phần lễ, phần hội ở đền Lăng Sương cũng rất vui với nhiều trò chơi dân gian như ném còn, đu tiên, đấu vật, chọi gà, kéo co... Phần hội được tổ chức náo nhiệt, cuốn hút người dân và du khách gần xa đến vui chơi và chiêm ngưỡng.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh sâu sắc, đền Lăng Sương đã được Bộ Văn hóa, Thông tin công nhận và xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 12 tháng 7 năm 2005. Và đến năm 2018, lễ hội đền Lăng Sương lại được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể thấy đền Lăng Sương và lễ hội đền Lăng Sương đã và đang đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng dân cư trong vùng.

Đầu năm, Xuân mới, du Xuân trên miền đất Tổ, cùng với đền Mẫu Âu Cơ, Đền Hùng thì đền Lăng Sương là một điểm đến không thể bỏ qua. Du Xuân đền Lăng Sương, chúng ta sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình của non nước Đà giang, được tắm mình trong những huyền thoại như thực như mơ; thấy được hiện thực và huyền thoại đan cài trong nhau một cách sinh động để hiểu thêm về cội nguồn dân tộc, thấy được sức mạnh của tổ tiên trong buổi hồng hoang dựng nước.

Phan Ngọc Anh - Đào Thị Thu Hiền

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-lang-suong-nghe-ke-chuyen-thua-hong-hoang-a27660.html