Về Lý Sơn nghe chuyện cá Ông cứu người
Giữa biển đêm lạnh giá, ba con người nhỏ bé ngồi trên mình Ông và cảm nhận sự sống trở về. Ông dìu ngư dân đến chỗ chiếc thuyền đang trôi dạt, nhẹ nhàng nghiêng mình để họ leo lên, rồi Ông từ từ biến mất vào lòng đại dương. Cảm giác đêm tháng 10 năm ấy luôn ở trong tâm trí và suy nghĩ của lão ngư Nguyễn Nghề. Nó như một giấc mơ cổ tích có thật.
1. Men theo con đường ven
biển Lý Sơn , chúng tôi dễ dàng bắt gặp hàng chục lăng mộ Ông Nam Hải (tên gọi tôn kính của ngư dân dành cho cá Voi) nằm uy nghiêm trên trảng cát trắng, giữa những ruộng hành tỏi non tươi. Sức sống mạnh mẽ của đất và người Lý Sơn ngàn đời vẫn thế, luôn đan xen, hòa quyện hài hòa giữa trời với biển nhưng không thể thiếu tín ngưỡng tâm linh về loài cá Ông huyền thoại.
Tục thờ cúng cá Ông là truyền thống tín ngưỡng có từ lâu đời ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Bề thế nhất phải kể đến xương cốt ngài Đồng Đình Đại Vương ngự ở đảo từ ba trăm năm về trước. Cho đến nay, bộ xương vẫn chiếm lĩnh ở ngôi vị đầu bảng khu vực Đông Nam Á về chiều dài và chiều rộng.
Ngoài những giá trị tâm linh thiêng liêng đối với ngư dân thì Ông còn là một trong những vị Nam Hải quyền uy nhất trên biển. Các bậc bô lão ở Lý Sơn kể lại rằng, thời điểm Ông dạt vào bờ, trời biển vần vũ mây giông, có hẳn một con đường trên biển lằn phía sau lưng, xung quanh tạo nên những cột sóng khổng lồ hình rẽ quạt. Trước khi "lụy" (chết), Ông dồn tất cả sức lực còn lại, tung cả thân hình lên không trung như một lời chào cuối cùng đến hòn đảo thân thương và những con dân của biển. Trong quá trình chôn cất, người ta phát hiện trên mình Ông chằng chịt vết thương do vật lộn với sóng gió để cứu ngư dân gặp nạn.
Ông Nguyễn Nghề (An Bình, Lý Sơn) có thâm niên trên 60 năm đi biển và đã vài lần gặp Ông thì không bao giờ quên được những khoảnh khắc li kỳ ấy. Trên 80 tuổi, trí nhớ của ông có thể đã quên rất nhiều thứ, nhưng chuyện gặp cá Ông vẫn như mới vừa xảy ra ngày hôm qua.
Vào một đêm tháng 10 cách nay 40 năm, ngư phủ Nguyễn Nghề đang thả câu ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì nghe có tiếng gió rít mạnh, tiếng ầm ầm từ phía xa. Chiếc thuyền nan tre cánh buồm chao đảo. Kinh nghiệm nhiều năm đi biển,
Nguyễn Nghề nhận định, đây là cơn lốc biển tầm trung, có tạo vòi rồng nhỏ. Ông chỉ kịp kêu lên một tiếng: "Anh em nắm tay nhau", tức thì chiếc thuyền bị đánh bay xa gần chục mét rồi lật úp. Cột nước trắng xóa quất thẳng vào mặt, hộc cả máu mũi. Sợi dây thừng cột chặt ba con người lại với nhau đứt tung, văng một thủy thủ ra xa.
Màn đêm đen kịt, Nguyễn Nghề và một bạn thuyền cố với tay lần mò để tìm người bạn kia nhưng không thể vì mất phương hướng. Sức lực kiệt quệ, hai bàn tay đã buộc chặt vào dây để thần chết kéo đi. Đang miên man nghĩ về cái chết, thì nghe có tiếng ầm bên cạnh rất mạnh, dưới ánh sáng mờ nhạt của vì sao đêm, Nguyễn Nghề hét lên: "Thằng Cu Em kia rồi".
Cu Em nằm dài trên một thân hình khổng lồ đang lừng lững trườn về phía hai ngư dân. Họ ôm nhau mừng, khóc không thành tiếng vì Ông đã xuất hiện. Giữa biển đêm lạnh giá, ba con người nhỏ bé ngồi trên mình Ông và cảm nhận sự sống trở về. Ông dìu ngư dân đến chỗ chiếc thuyền đang trôi dạt, nhẹ nhàng nghiêng người để họ leo lên, rồi Ông từ từ biến mất vào lòng đại dương.
Cảm giác đêm tháng 10 năm ấy luôn ở trong tâm trí và suy nghĩ của lão ngư Nguyễn Nghề. Nó như một giấc mơ cổ tích có thật. Hai người bạn đi cùng cũng vậy, từ ngày được Ông cứu, họ như trẻ ra mấy tuổi, yêu biển mãnh liệt hơn, sâu thẳm hơn. Những khi biển nghèo cá tôm, họ muốn bỏ nghề nhưng nghĩ về Ông lại như có gì đó thúc giục phải ra khơi.
Ở đảo Lý Sơn, ngư dân xem Ông là bà tiên, ông bụt có thật của biển cả. Việc thờ tự Ông trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống. Việc Ông cứu người ngoài biển là sự thật được chứng minh qua bao đời ngư phủ.
Ngoài ra, Ông còn phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi của bà con trên đảo. Vì vậy, ngư dân trước khi ra khơi, việc đầu tiên họ làm là thắp hương cho Ông để cầu bình an, may mắn, cầu Ông phù hộ trời yên bể lặng, cá tôm đầy thuyền.
Theo tập tục hàng trăm năm đi biển của ngư dân Lý Sơn, hễ ai phát hiện Ông lụy thì phải có trách nhiệm mai táng ông thật chu đáo. Phải tắm cho Ông bằng rượu và liệm bằng vải đỏ, sau đó phải để tang, chọn ngày tổ chức cúng giỗ như với cha mẹ mình. Ba năm sau ngày ông mất, dân làng tổ chức lễ cải táng, sau đó đem tro cốt Ông vào lăng thờ tự.
2. Cơn bão Chanchu năm 2006 đã gây ra thảm họa kinh hoàng cho người dân nhiều tỉnh ven biển Việt Nam. Nhiều gia đình tan cửa nát nhà, những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mồ côi cha. Mất mát và tang thương không gì bù lấp, dai dẳng đến tận ngày nay.
Giữa tâm chấn của bão dữ, câu chuyện cá Ông cứu sống thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện cùng 14 thủy thủ ở Lý Sơn được xem như phép màu kỳ diệu, như liều thuốc xoa dịu nỗi đau trong những ngày mưa bão tang tóc. Từ già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà đều thuộc lòng câu chuyện về sự trở về kỳ diệu ấy.
Năm đó, tin bão dữ ập đến khi tàu anh Thiện đang neo đậu ở vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hơn 20 năm đi biển, anh Thiện không mấy lo lắng khi tâm bão cách tàu vài trăm hải lý, thời gian đó đủ để tàu vào tới đất liền trú tránh kịp. Nhưng anh Thiện không thể lường trước được sức gió và đường di chuyển của bão lại nhanh và mạnh đến vậy.
Khi tàu cách Lý Sơn khoảng 8 hải lý thì bão đuổi tới. Giữa tâm bão giật cấp 15, tàu như vỏ trấu, chấp chới chỉ chờ lật úp xuống biển. Sóng cao quá thân tàu, đánh chát chúa không thương tiếc. 15 con người khoác chặt vai nhau, gào thét cầu cứu ông Nam Hải.
Tưởng như đã cầm chắc cái chết thì bất ngờ thấy Ông phía trước mặt, vững chãi như tấm phản khổng lồ. Hai bên mạn tàu hai Ông lừng lững song hành, kẹp giữ cho tàu khỏi chao đảo trước sóng lớn. Ông thứ ba bơi nối đuôi tàu tạo thành bức rào chắn, xung quanh sóng cao như cột nhà đập vào lưng. Ông như thác lũ mà con tàu vẫn được bảo vệ vững chắc.
Hai đêm ba ngày nằm trong tâm bão, tàu của họ được các Ông Nam Hải che chở, bao bọc an toàn. Thủy thủ chỉ còn biết ôm nhau khóc, chắp tay quỳ lạy tạ ơn các Ông. Sự trở về an toàn của con tàu nhỏ bé giữa mắt bão làm nức lòng con dân trên đảo. Họ càng có thêm lý lẽ để củng cố niềm tin vào một vị thần của biển để vững tâm ra khơi.
Người dân Lý Sơn yêu biển từ khi mới sinh ra cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Biển hiền hòa cho cá tôm nuôi sống con dân, nhưng cũng sẵn sàng cướp mất những "hòn máu" của đảo. Lão ngư Nguyễn Văn Điệu ngậm ngùi cho biết, cá Ông không chỉ cứu người sống mà còn cứu cả người chết. Đó là những người bỏ mạng ngoài biển, Ông dìu vào bờ để thân xác họ không bị các loài cá khác gặm nhấm hoặc tan rữa ngoài biển. Ông đưa họ trở về với núm đất quê hương, đó là lý do nhiều xác chết được phát hiện còn gần như nguyên vẹn nằm ngay ngắn khi trôi dạt vào bờ.
12 năm trước, em trai của ông Điệu mất tích trong một đêm đi câu mực. Một ngày, hai ngày cả đảo đi tìm không thấy tăm hơi đâu. Đoán rằng, người đã chết ngoài biển chẳng thể trở về nữa. Một tuần sau, trong giấc chiêm bao, ông Điệu thấy em mình đang nằm trên mình ông Nam Hải rẽ sóng vào bờ. Trời chưa kịp sáng, ông Điệu bật dậy ra biển. Có điều gì đó nhức nhối trong giấc mơ khiến ông Điệu chăm chăm nhìn về phía biển.
Và từ xa xa, một xác người đang theo con sóng đẩy vào bờ. Linh cảm mách bảo, ông Điệu bơi thật nhanh ra và mắt ông cay xè khi nhìn thấy hình hài nhợt nhạt của người em trai.
Theo suy luận của ông Điệu thì biển cả mênh mông, sóng xô gió đẩy, có một sự trùng lặp giữa giấc mơ về đời thực. Đó là em trai của ông đã xuất hiện ngay sau giấc mơ và trôi về đúng cái trảng cát có phần mộ ông bà. Tuy không tận mắt nhìn thấy, nhưng ông Điệu tin rằng, sự trở về của người em trai có bàn tay giúp sức của Ông Nam Hải.
Ngư dân Lý Sơn xem cá Ông là người cha vĩ đại nhất của biển cả. Nhưng cha không thể che chở hết cho đàn con trước sự cuồng phong của tự nhiên. Bao nhiêu cuộc ra đi không thể trở về hoặc trở về với một hình hài khác, người Lý Sơn đau xót nhưng rồi cũng nhẹ tênh trước quy luật vay trả của đất trời. Và Ông Nam Hải, vẫn muôn đời là vị thần hộ mệnh của ngư dân giữa đại dương.