Về miền đất khó Đồng Ruộng
Cách trung tâm huyện Đà Bắc 63km, xã Đồng Ruộng là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện. Đường giao thông quanh co, đèo dốc, có nơi 2 bên chỉ là núi đá, vực thẳm, cái nghèo vẫn luôn đeo bám.
Cách trung tâm huyện Đà Bắc 63km, xã Đồng Ruộng là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện. Đường giao thông quanh co, đèo dốc, có nơi 2 bên chỉ là núi đá, vực thẳm, cái nghèo vẫn luôn đeo bám.
Xóm Nhạp cách trung tâm xã 5km, như một "ốc đảo” biệt lập với bên ngoài. Trước đây, xóm gần như thuộc diện "4 không” (không điện, không đường, không nhà văn hóa, không y tế). Cuộc sống bà con vất vả, thiếu thốn trăm bề. Xóm chia làm 2 khu: Rên và Tân Hương (khu tái định cư), trong đó khu Rên đến năm 2023 vẫn chưa có đường giao thông. Theo anh Quách Công Hưng, Trưởng xóm Nhạp, để lên đến xóm chỉ có một cách là đi thuyền, sau đó băng qua con đường 2km gập ghềnh, trơn trượt, bùn ngập đến cổ chân vào ngày mưa; ngày nắng thì đầy ổ voi, ổ gà, thách thức mọi "tay lái” can đảm. Đường sá không thuận lợi, con gà, con lợn nuôi được chủ yếu tự cung tự cấp, người dân sinh sống bằng nghề nuôi, đánh bắt cá trên hồ. Nghề sông nước chênh vênh, thu nhập của bà con cũng bấp bênh như vậy. Xóm có 50 hộ, 180 nhân khẩu nhưng đa phần là hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đã làm thay đổi cuộc sống của bà con trong xóm. Năm 2023, từ các nguồn vốn đối với xã đặc biệt khó khăn, con đường bê tông xóm Nhạp dần được cứng hóa, nối một trong những xóm khó khăn nhất của huyện tới trung tâm xã. Nhờ vậy nông sản vận chuyển dễ dàng hơn, người dân đi lại thuận tiện, đường tới trường của trẻ cũng bớt gập ghềnh. Đồng thời, thông qua vận động, tuyên truyền, người dân xóm Nhạp đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chịu khó phát triển sản xuất, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các khoản hỗ trợ giảm nghèo, đời sống đang dần đổi thay trên vùng đất khó.
Từ các nguồn vốn, thời gian qua, xã Đồng Ruộng đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường giao thông và các công trình công cộng phục vụ nhu cầu của bà con. Trong đó, xã cùng nhân dân triển khai cứng hóa trên 350m đường xóm Hạ, gần 700m đường xóm Hồm, đường vào khu sản xuất xóm Hòm dài 1,3km; công trình nước sinh hoạt phục vụ 230 hộ với kinh phí gần 3 tỷ đồng; xóa 30 nhà tạm, dột nát; duy tu 19 công trình hư hỏng do mưa bão; xây mới trạm y tế xã với kinh phí trên 7 tỷ đồng… Hiện, điện lưới đã về đến từng hộ. Người dân được xem ti vi. Con cháu được học dưới ánh điện, truy cập mạng internet. Bà con có điều kiện tiếp cận y tế, KHKT, thay đổi tập quán sản xuất. Tuy vậy, đời sống của người dân vẫn rất khó khăn.
Đồng chí Hà Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng cho biết: Mặc dù có nhiều đổi thay nhưng cuộc sống người dân vẫn không thoát được vòng luẩn quẩn của nghèo khó. Toàn xã có 5 xóm, 580 hộ với 2.360 nhân khẩu, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 90%, trong đó hộ nghèo chiếm 46,03%. Do giao thông không thuận lợi, nông sản vẫn chủ yếu là tự cung, tự cấp, ít có tư thương đến mua bán, giao dịch hoặc bị ép giá thấp. Đường nội xóm, đường vào khu sản xuất gần như là đường đất, lầy lội. Địa hình núi đá, vực sâu, ít đất canh tác, đa số là rừng phòng hộ và đặc dụng. Các hộ chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, khó đột phá để phát triển kinh tế. Xã thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, trong đó trận lũ lịch sử năm 2017 gần như quét sạch xóm Nhạp…
Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, đối với địa bàn còn nhiều khó khăn như Đồng Ruộng, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành để đầu tư, hỗ trợ, nâng cao đời sống cho bà con. Trong đó, người dân mong muốn tiếp tục được cứng hóa toàn tuyến giao thông xóm Nhạp, xóm Kìa và nâng cấp các tuyến đường ngõ xóm, nội đồng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hỗ trợ đất canh tác để bà con nâng cao sản lượng, thu nhập; triển khai các loại cây, con giống có hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với tiềm năng của địa phương, hỗ trợ đầu ra nông sản, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/186341/ve-mien-dat-kho-dong-ruong.htm