Về miền di sản Hạ Mỗ
Điểm du lịch Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đang trở thành địa danh thu hút du khách gần xa. Nơi đây còn lưu dấu tích thành cổ Ô Diên, kinh đô xưa của nhà nước Vạn Xuân; có đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành, danh nhân thời Lý nổi tiếng thanh liêm, cương trực.
Thái úy Tô Hiến Thành là bậc văn võ song toàn trong lịch sử, đã nhiều lần cầm quân đánh giặc giữ yên bờ cõi. Không chỉ bảo vệ đất nước, ông còn đưa dân khai hoang, lập ấp, lấn biển ở nhiều địa phương. Đến nay, người dân Hải Phòng, Thanh Hóa… vẫn phụng thờ ghi nhớ công ơn của ông.
Tô Hiến Thành là bậc đại thần thanh liêm, cương trực. Lịch sử ghi lại câu chuyện, khi ông ốm nặng, Thái hậu đến hỏi về người có thể thay thế vị trí của ông. Thay vì tiến cử Vũ Tán Đường - người ngày đêm hầu hạ, hết mực chăm sóc thuốc thang cho mình, Tô Hiến Thành lại tiến cử Trần Trung Tá. Thái hậu hỏi tại sao, ông đáp đại ý rằng: Vì Thái hậu hỏi người thay tôi nên tôi cử Trần Trung Tá; nếu hỏi người chăm sóc tôi, tôi cử Vũ Tán Đường.
Ở Hạ Mỗ quê hương Tô Hiến Thành có đền Văn Hiến, là nơi thờ Khổng Tử và vinh danh những người đỗ đạt. Kính trọng tài năng, đức độ của ông, người dân đã đưa ông về đây chôn cất, thờ phụng. Đền Văn Hiến trở thành điểm tham quan ý nghĩa, nơi mọi người đến để hiểu thêm về lịch sử dân tộc, học hỏi đức tính thanh liêm còn được truyền đến muôn đời của Thái úy Tô Hiến Thành.
Năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Hạ Mỗ là điểm du lịch cấp thành phố. Ngoài đền Văn Hiến, Hạ Mỗ còn nhiều di tích quan trọng khác. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, thời gian Lý Phật Tử dựng nước Vạn Xuân tuy không dài (cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII), nhưng thể hiện tinh thần đấu tranh quật cường của dân tộc ta, Lý Phật Tử đã cho xây dựng thành Ô Diên.
Các nhà khoa học xác định thành cổ Ô Diên nằm ở chính vùng đất Hạ Mỗ hôm nay. Dấu tích thành xưa hầu như không còn, nhưng cái tên Vạn Xuân còn lưu lại ở ngôi đình Vạn Xuân. Đình làng Hạ Mỗ là một kiến trúc khác biệt so với hầu hết các ngôi đình ở miền bắc. Nếu các ngôi đình thường được xây dựng theo hình chữ “nhất”, chữ “nhị” hay chữ “công” thì đình Vạn Xuân lại được nghệ nhân xây theo cấu trúc “nội công ngoại quốc” với hàng chục gian nhà liên kết với nhau.
Hạ Mỗ còn có di tích nổi tiếng chùa Hải Giác, xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VI, thời gian mà Hạ Mỗ được xác định là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân. Ngôi chùa có kiến trúc bề thế, cổ kính, uy nghiêm. Tại đây còn lưu giữ hơn 200 pho tượng, trong đó có 50 pho tượng tròn có niên đại hàng trăm năm. Ẩm thực của Hạ Mỗ cũng được biết đến với món cháo se nổi tiếng gắn với sự tích về Thành hoàng làng Lý Bát Lang.
Nằm ngay sát khu vực nội đô, lại có hệ thống di sản liên hoàn, không gian xanh mát, những dịp nghỉ lễ dài ngày, điểm du lịch Hạ Mỗ đón hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, chiêm bái và hồi tưởng lại những bài học của người xưa.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ve-mien-di-san-ha-mo-post873288.html