Về miền quê của 'cây cam và con cá'

Nhiều năm qua, ngoài dựa vào lợi thế có tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa bàn để phát triển thương mại - dịch vụ thì xã Hải Phú, huyện Hải Lăng còn đẩy mạnh thâm canh 2 loại cây trồng - con nuôi chủ lực đã làm nên thương hiệu cho miền đất này, đó là cây cam và con cá. Hai loại cây trồng, con nuôi truyền thống trên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần thay đổi diện mạo cho miền quê bán sơn địa này.

 Ông Trần Ngọc Nhơn thu hoạch cam -Ảnh: ĐV

Ông Trần Ngọc Nhơn thu hoạch cam -Ảnh: ĐV

Cam K4 đạt giá trị thu nhập 300 triệu đồng/ha

Hơn mười năm trước, hẳn nghe đến địa danh K4 không nhiều người biết. Nhưng chính khi cây cam đã bén rễ và cho quả ngọt lành trên vùng đất sỏi cơm này thì thuận theo “hữu xạ tự nhiên hương”, tự thân quả cam K4 đã dần mở rộng tầm “phủ sóng” và đến được với khách tiêu dùng gần xa. Cam K4 giờ đây đã có thương hiệu trên thị trường, ít nhất là trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh, thành lân cận như Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng...

Tôi trở lại miền đồi K4 đúng vào chính vụ thu hoạch cam. Khác xa khoảng 5 năm trước, thay cho con đường lạo xạo đá sỏi gập ghềnh xen lẫn cỏ tranh, sim, mua giờ đây đã là hình hài con đường bê tông rộng rãi. Men theo con đường phẳng phiu, uốn lượn mềm mại qua những khoảnh rừng thông xen với bạt ngàn xanh thẩm rừng trồng khoảng gần 10 km từ Quốc lộ 1, tôi cùng một cán bộ xã Hải Phú ghé thăm trang trại cam của ông Trần Kim Phúng. Lúc chúng tôi ghé, ông Phúng vẫn còn lúi húi hái cam ngoài vườn để giao cho khách. Toàn bộ khu vườn cam rộng 2,5 ha của gia đình ông Phúng được trồng 2 loại cam chủ lực là V2 và Vân Du. Đây là những loại cam có nguồn gốc từ Nghệ An cho quả tròn mọng nước, quả to, ngọt thanh và đặc biệt phù hợp với vùng đồi K4. Tranh thủ phút ngơi tay, ông Phúng cắt cam mời chúng tôi. Ông kể đến nay mình đã gắn bó với miền đất K4 tròn 15 năm. “Hồi mới lên phải cơm đùm gạo bới bám trụ lại đây. Khổ cực thì vô kể như phải đối mặt với bom đạn sót lại sau chiến tranh, rắn rít, thú hoang… để trồng sắn, sau đó chuyển sang trồng cam. Cũng mấy đận thất bại mới được như bây chừ, nghĩ lại quãng thời gian khổ cực để có thành quả như bây giờ mà thấy tự hào lắm”, khoát tay quanh khu vườn cam rộng lớn trĩu quả, ông Phúng nói. Hiện nay, ông Phúng trồng cam phân thành 2 khu vườn với 2 loại cam là V2 và Vân Du để luân phiên thu hoạch vào hai thời điểm. Một vườn hiện đang thu hoạch, vườn kế bên đến khoảng gần Tết sẽ tiếp tục thu hoạch và sẽ có giá bán cao hơn. Ông chịu khó đầu tư công chăm sóc, học hỏi và thực hiện nhiều biện pháp thâm canh, bón phân khá đặc biệt như: Dùng phân làm từ cá rô phi, cá biển; tăng cường bón phân xanh… nên vườn cây xanh tốt, cho tỉ lệ đậu quả cao, quả to đều (bình quân từ 3-4 quả/kg), ít sâu bệnh và chất lượng cao. Về phòng trừ sâu bệnh, ông cũng chỉ dùng chế phẩm sinh học làm từ ớt-gừng-tỏi nên cho ra nguồn cam sạch, an toàn. “Năm nay dù thời tiết khá khắc nghiệt nhưng năng suất, sản lượng cam vùng đồi K4 vẫn khả quan. Sản lượng cam vụ này vườn của tôi đạt khoảng 40 tấn, giá bán tại vườn hiện nay là 25.000 đồng/kg, hầu như thu hái bao nhiêu đều được tiêu thụ bấy nhiêu. Vụ này, vườn tôi có tổng thu khoảng 800 triệu đồng, trừ đi các chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng”, ông Phúng cho biết.

 Khu nuôi cá nước ngọt của người dân ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng -Ảnh: Đ.V

Khu nuôi cá nước ngọt của người dân ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng -Ảnh: Đ.V

Cách đó không xa là vườn cam của gia đình ông Trần Ngọc Nhơn, một trong những người tiên phong trồng cam thành công ở vùng đồi K4. Những năm 2000, khi vùng đất K4 hầu như chỉ là rừng hoang thì ông Nhơn đã có mặt để khai phá lập nghiệp, quyết chí làm giàu. Những năm đầu ông trồng sắn, trồng tràm để “lấy ngắn nuôi dài”. Ông Nhơn tâm sự, ông đã rất mê mẩn những vườn cam trĩu quả khi tình cờ xem được trên truyền hình chiếu về những vùng chuyên canh cam ở Nghệ An. “Bởi vậy tôi quyết tâm ghê lắm, năm lần bảy lượt ra Nghệ An để học hỏi, mang mẫu đất đi tham khảo xem phù hợp không để trồng cam, rồi mua giống cam về trồng thử nghiệm. Phải mất tầm 4-5 năm thì tôi mới vỡ òa sung sướng vì cây cam trồng ở vùng đất K4 này sinh trưởng tốt và đặc biệt cho quả to đẹp, ngọt thanh, thậm chí còn trội hơn ở vùng đất Nghệ An. Thế là tôi mở rộng diện tích trồng và gắn bó với cây cam đến tận bây giờ”, chỉ vào lứa cây cam già cỗi đã trồng cách nay hơn 20 năm chuẩn bị thay lứa trồng khác, ông Nhơn chia sẻ. Nhiều năm qua, ông Nhơn cùng với nhiều hộ trồng cam ở vùng đồi K4 đã có nguồn thu nhập cao, ổn định từ loại cây trồng chủ lực này. “Gia đình tôi trồng 3 ha cam, hiện 1 ha cây đã già chuẩn bị phá bỏ để trồng lại, 2 ha khác trồng mới đã bước sang năm thứ 3 đang ra quả bói, dự kiến 2 năm nữa sẽ thu hoạch rộ. Hiện nay ngoài trồng cam, tôi còn trồng thêm 300 cây bưởi gồm các loại giống như: Bưởi Ruby Thái Lan, bưởi vàng Trung Quốc, bưởi Da xanh…Vụ này gia đình tôi thu được khoảng 25 tấn cam quả, sau khi trừ chi phí ước thu được khoảng 400 triệu đồng. Cũng nhờ cây cam mà cuộc sống gia đình tôi cũng như hàng chục hộ dân bám vùng K4 trồng cam nay đã khấm khá, sung túc lên, làm được nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học đàng hoàng…”.

“Thủ phủ” của cá thịt, cá giống

Hiệu quả kinh tế từ cây cam ở phía những sườn đồi bát úp phía Tây của xã Hải Phú đã rõ. Không kém cạnh với cây cam, con cá - con nuôi truyền thống hàng chục năm qua ở vùng đồng bằng các thôn như Long Hưng, Phú Hưng phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, giúp hàng trăm hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong tâm trí của ông Trần Búa, một trong những người có thâm niên nuôi cá nước ngọt ở xã Hải Phú thì nghề nuôi cá là nghề đã gắn bó với hàng trăm hộ dân của hai thôn Long Hưng, Phú Hưng gần 40 năm qua. Người dân ở đây chủ yếu nuôi các giống cá truyền thống như: Chép, mè, trắm cỏ. Ông Búa cho biết, ông nguyên là thành viên của HTX Long Hưng - một trong 2 HTX (HTX còn lại là HTX Thủy Dương) mạnh nhất và là những lá cờ đầu của tỉnh Bình Trị Thiên về hiệu quả trong sản xuất. Khoảng năm 1980, ông được cử đi học sơ cấp nghề nuôi cá tại Trường Dạy nghề nuôi cá nước ngọt Bình Trị Thiên ở Quảng Bình để về đẩy mạnh nghề nuôi cá cho HTX. “Hồi đó HTX Long Hưng mạnh về nuôi cá thịt. Tuy nhiên những người đứng đầu HTX băn khoăn bởi năm nào cũng bỏ ra rất nhiều kinh phí để mua cá giống ở xa, tỉ lệ hao hụt nhiều, nhiều khi không yên tâm nên quyết tâm phải sản xuất cá giống tại chỗ. Sau một thời gian thử nghiệm thì đến năm 1985, HTX Long Hưng đã sản xuất thành công cá giống. Cũng từ đó, song hành với nghề nuôi cá thịt thì HTX Long Hưng cũng là địa chỉ tin cậy về sản xuất và cung ứng cá giống trong khu vực”, ông Búa nói. Gia đình ông Búa hiện nay nuôi 4 hồ cá với tổng diện tích 0,7 ha, đồng thời tham gia sản xuất cá giống để vừa nuôi, vừa bán cho khách hàng. Với kinh nghiệm lâu năm cùng kỹ thuật nuôi cá vững vàng, ông Búa sống được với nghề và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm nuôi, phòng chữa bệnh cá nuôi cho nhiều hộ nuôi mới tại địa phương. “Nay có tuổi rồi nên tôi cũng chỉ nuôi cầm chừng, mỗi năm sau khi trừ chi phí vợ chồng tôi bỏ túi được 100-120 triệu đồng”, ông Búa vui vẻ nói. Theo anh Nguyễn Trường Chung, cán bộ khuyến nông xã Hải Phú, hiện toàn xã có khoảng hơn 100 hộ dân tham gia nuôi cá nước ngọt và sản xuất giống cá. Diện tích nuôi toàn xã hiện đạt khoảng 70 ha mặt nước, trong đó có 40 ha nuôi cá thâm canh. “Hằng năm sản lượng cá thịt đạt 180 tấn, cá giống sản xuất được 100 vạn con, cá bột khoảng 40 triệu con. Giá trị thu về từ thủy sản đạt 8,79 tỉ đồng. Nghề nuôi cá nước ngọt đảm bảo nguồn thu nhập và cuộc sống ổn định cho các hộ nuôi”, anh Chung cho biết.

 Khu ươm cá giống của gia đình ông Trần Búa ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng -Ảnh: Đ.V

Khu ươm cá giống của gia đình ông Trần Búa ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng -Ảnh: Đ.V

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hải Phú Nguyễn Nhạc cho biết, cây cam và cá nuôi là hai loại cây trồng, con nuôi chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao của địa phương. Hiện nay toàn xã phát triển được khoảng 80 ha cam, trong đó có 45 ha cam tập trung ở vùng đồi K4. Hiện số diện tích cam đã cho thu hoạch ổn định là khoảng 35 ha với năng suất đạt từ 27- 30 tấn/ha. Giá trị thu nhập từ cam hiện nay ước đạt 300 triệu đồng/ha. “Hiện nay hệ thống đường giao thông, điện lưới vào vùng đồi K4 đã hoàn thiện, rất thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển. Những năm qua địa phương đã đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có múi, trong đó chú trọng đến cây cam, bởi đây là cây trồng cho giá trị kinh tế rất cao. Hiện chúng tôi đang xúc tiến nhanh việc giao đất, cho thuê đất vùng Khe Khế, phấn đấu trồng mới từ 25-30 ha cam ở vùng đồi Khe Khế, qua đó tăng diện tích cây ăn quả lên 90 ha, trong đó cây cam tập trung chiếm từ 60-70 ha”, ông Nhạc cho hay. Về nuôi cá thương phẩm, theo ông Nhạc, thời gian tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ nuôi chuyển sang nuôi các loại con nuôi mới có giá trị cao hơn, đồng thời thành lập các tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị chuỗi sản xuất.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=152209