Về miền Tây xem kéo côn bắt cá mùa nước nổi
Mùa nước nổi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc khoảng tháng 10 âm lịch. Khoảng thời gian này, nước từ thượng nguồn tràn về, trắng xóa các cánh đồng; mang theo phù sa và sản vật đồng bằng, nhất là tôm cá. Đây là thời điểm mà bà con miền tây mưu sinh trên các cánh đồng nước để cải thiện thu nhập.
Về Hậu Giang mùa này, nước vẫn còn tràn đồng, dù đã cuối mùa nước nổi. Người ta vẫn còn kéo côn. Công việc mưu sinh của bà con suốt nhiều tháng của mùa nước nổi…
Côn - được làm từ những cọng sắt nhỏ, cố định lên thanh ngang đặt trước mũi ghe, thường làm bằng tre. Giàn côn thả xuống, người ta đẩy ghe đi. Những cọng sắt lướt sâu trong nước, hễ đụng trúng cá sẽ có vùng bóng nước nổi lên. Người đẩy ghe phải quan sát kỹ, nhanh tay dùng nơm để bắt cá…Ít nhiều phụ thuộc vào kinh nghiệm của họ…
Bắt cá bằng hình thức kéo côn chỉ bắt được cá lớn, không phải kiểu tận diệt như chích điện, nên được bà con duy trì. Hậu Giang cũng là địa phương lần đầu tổ chức một hội thi hẳn hoi, khuyến khích bà con duy trì hình thức đánh bắt an toàn này. Người nông dân thì có thêm thu nhập trang trải cuộc sống…
Sau mùa nước, những cánh đồng sẽ xanh màu lúa…Người nông dân lại bận rộn việc ruộng đồng, số ít thì làm việc thời vụ…Chờ mùa nước sau…lại tiếp tục ngược xuôi giữa những cánh đồng trắng nước…
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ve-mien-tay-xem-keo-con-bat-ca-mua-nuoc-noi-200889.htm