Về một hậu duệ vua Lý Thái Tổ ở Hàn Quốc
Năm xa ấy tôi về lại đền Đô thờ tám vị vua Lý. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, người góp nhiều công sức tu tạo gìn giữ đền Đô cười nói: 'Bữa nay anh gặp may đấy nhé. Ông Lý Xương Căn cùng vợ và hai con đang dâng hương trong đền kia'.
Lý Xương Căn? Hậu duệ thứ 31 của vua Lý Thái Tổ nước Đại Việt, Chủ tịch điều hành Hội giao lưu văn hóa dân tộc Hàn Việt, Chủ tịch Hội kỷ niệm hoàng tử Lý Long Tường đây ư, ngó trẻ quá, bà vợ cũng vậy… Hai đứa con một gái một trai cũng suýt soát trứng gà trứng vịt (sau này tôi biết cháu gái đầu 10 tuổi, cháu trai 8 tuổi). Thoáng nhanh tới lời phát biểu của ông dịp lễ hội đền Đô năm 1996 trên một tờ báo “Tôi là hậu duệ đời thứ 31 của vương tử nhà Lý xin thề sẽ xứng đáng với sự nghiệp của 8 vị tiên vương vĩ đại, xứng đáng với quan hệ gắn bó giữa hai nước, xứng đáng với niềm tin được trao gửi là góp phần xây dựng đền thờ và bia kỷ niệm hoàng tử Lý Long Tường, xây dựng chế độ học bổng, xây dựng trường kỹ thuật mang tên Lý Thái Tổ…”.
Theo hẹn, tôi tìm về chỗ trọ anh chị Lý Xương Căn ở đường Âu Cơ. Hóa ra chỗ trọ thuê của gia đình anh cũng là trụ sở của Công ty TNHH Việt Lý mà anh là giám đốc.
Một quá vãng xa lắc của chính sử như bất chợt ập về. Lý Long Tường là hoàng tử con vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) anh em với vua Lý Cao Tông (1176-1224). Trong tư liệu cũng trong ký ức, vị tổ Lý Long Tường được gọi là Hoàng tử hay Hoàng thúc. Đối chiếu với tư liệu họ Lý ở Hàn Quốc và tư liệu Việt Nam thì Lý Long Tường sinh năm 1173. Lý Long Tường lớn lên khi vương triều Lý đang suy vong và cung đình diễn ra nhiều biến cố dồn dập dẫn đến sự sụp đổ của Triều Lý (1009-1225) và sự thay thế của triều Trần (1226-1400). Trước những sự biến đó, để thoát khỏi tầm truy soát của Trần Thủ Độ, Lý Long Tường cùng một số tôn thất nhà Lý đã tìm cách vượt biển!
Tài liệu sử Hàn Quốc trong bia Thụ hàng môn kỷ tích bi chép việc này như sau: Năm Bính Tuất niên hiệu Bảo Khánh đời Tống (1226) trong nước có loạn. Ông là chú vua khóc ở miếu Nam Bình rồi đem đồ tế khí chạy về phía đông. Ông vượt biển đến sông Phú Lương huyện Ủng Tân nước Cao Ly. Lý Long Tường được vua Cao Ly ưu ái ban cấp đất cho cư trú. Ông cùng con cháu họ Lý nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của Vương quốc Cao Ly và được dân trong vùng quý mến. Nhưng Lý Long Tường không chỉ an phận với cuộc đời “cư trú chính trị”.Văn bia nói trên cũng ghi chép tỷ mỉ chiến công của Lý Long Tường cùng quân vua Cao Ly lập nên một chiến công hiển hách: đánh bại cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vào năm 1253 sau 5 tháng trời giao chiến. Sau chiến công đó, vua Cao Ly rất khen ngợi sai đổi Trấn Sơn, nơi ông ở thành Hoa Sơn và phong cho ông tước Hoa Sơn quân. Lại sai dựng cửa gọi là Thụ Hàng Môn lập biển ghi công trạng để biểu dương công huân...
Vị hoàng tử nhà Lý, Lý Long Tường thời điểm ấy đã là lão tướng 80 tuổi! Chiến công của Lý Long Tường thắng giặc Nguyên Mông diễn ra trước cuộc đại thắng Nguyên Mông của vua Trần và quân dân Đại Việt lần thứ nhất (1258) 5 năm.
Phòng khách nổi bật bản sao bức trướng tặng Tổng Bí thư Đỗ Mười năm nào. Hai chữ “Thần” và “Phật” viết theo lối xương kính lồng khung trang trọng treo đối xứng càng làm tăng vẻ hiển học á Đông. Anh Căn vẻ trịnh trọng mời tôi lên gác. Phía trên nổi bật một bức tranh thêu chùa Một cột màu sắc rất nhã. Anh Lý Xương Căn dừng lại “Đây là quà tặng của Văn phòng Chính phủ. Ở Seoul từ những năm đầu 70, dòng họ Lý đã tổ chức xây một ngôi chùa Một Cột để con cháu tới chiêm bái suy ngẫm về Đức sáng và công lao của tiên tổ. Phòng anh dùng để tiếp khách vừa là chỗ làm việc cũng trang trọng hai tấm ảnh phóng cỡ lớn chụp cảnh Tổng Bí thư Đỗ Mười tới thăm nhà anh ở Seoul tháng 8/1995 và ảnh Chủ tịch nước Lê Đức Anh ngồi với Lý Xương Căn bên một bình hoa.
Nhờ có chị Thái phiên dịch tận tình nên câu chuyện mỗi lúc càng xôm tụ. Ngạc nhiên khi biết đây là lần thứ 34 anh Lý về Việt Nam và như anh nói tất nhiên chưa phải là lần cuối cùng! Chúng tôi đang dở câu chuyện thì có tiếng huỳnh huỵch ngoài cửa. Một bé trai kháu khỉnh má đỏ hồng thấy tôi chào rất lễ phép. Anh Lý hướng về phía con trai: Cháu Lee Chang Yuang đấy, 4 tuổi nghịch lắm. Lý Xương Căn phát theo âm Hán Việt tên của anh là Lee Chang Kun. Để góp vui tôi xin phép gọi âm Hán cho cậu con trai của anh là Lý Xương Quang. Anh Lý nghe vậy có vẻ hồ hởi lắm. Và như vậy Lý Xương Quang theo tộc phả sẽ là hậu duệ đời thứ 32 của Vua Lý Thái Tổ đây. Anh tâm sự: Tôi có hai người em đều có công ăn việc làm bên Seoul. Hồi mẹ tôi còn sống, tôi đã mời cụ sang Việt Nam một lần. Quyết định sang Việt Nam làm ăn thực sự tôi chỉ muốn nối cái chí của các tiền nhân là giúp được điều gì cho mảnh đất tổ tiên.
Tôi hỏi anh Lý về địa danh Hoa Sơn của ông tổ Lý Long Tường. Lý Xương Căn bảo tôi đợi một lát rồi lấy trên giá sách ra một bản đồ Triều Tiên: Đây, nó nằm ở Bắc Triều Tiên cách vĩ tuyến 38 (vĩ tuyến chia cắt hai miền Nam Bắc như vĩ tuyến 17 ở ta trước kia) khoảng 60 kilômet chếch về hướng Đông. Tại đó, các thế hệ chúng tôi được truyền lại rằng Hoa Sơn có một ngọn núi cao. Hoàng tử Lý Long Tường hiển hách chiến công chống Nguyên Mông được vua ban đất lập ấp. Nhưng hàng ngày vẫn đeo gươm lên đỉnh núi hướng về cố quốc Đại Việt than khóc không nguôi nhớ về mảnh đất tổ tiên. Không biết cách nào mà anh Lý có cả một bộ ảnh (đen trắng) chụp ngôi nhà, cảnh trí và khu mộ Lý Long Tường “Những thứ này là ghi lại trước năm 1950 cả”. Năm 1953, cơn binh lửa đã chia đôi nước Triều Tiên yên hàn bằng vĩ tuyến 38. Anh Lý cũng cho hay rất có thể một số chi họ Lý còn phiêu dạt ở đâu đó.
Anh Lý Xương Căn bày tỏ: khát vọng cháy bỏng của tiên tổ xuyên suốt mấy chục đời dòng họ Lý là sao trở về cố quốc thăm lại mảnh đất tiên tổ. Sau nữa trở về Hoa Sơn nơi được coi là chốn phát tích!
Chân thành xiết chặt tay anh, tôi thầm mong ngày về lại Hoa Sơn sẽ chẳng còn vời vợi nữa?