Về nghe tâm tư người Anh cả của Quân đội Nhân dân
Gần gũi và chất phác, giản dị và nghĩa tình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã luôn sống như thế với đồng đội trong các trận chinh chiến cùng nhau; đối đãi với bà con như người một nhà, một xóm. Để nay, khi trở về dưới ngôi nhà đơn sơ của người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, những tâm tư của Người vẫn được ghi nhớ mãi.
“Đánh chắc, tiến chắc” vì đồng đội
Trong những ngày Đất nước hướng đến Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024), chúng tôi về với ngôi nhà mái lá đơn sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên dòng sông Kiến Giang nơi làng Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), khi những vựa lúa đang vào mùa gặt vàng ươm như đón mừng kỷ niệm chiến công xưa của người con quê hương. Con đường lát gạch đỏ đưa khách hành hương đến dưới mái nhà lá đơn sơ, giản dị như gian nhà tranh xưa Đại tướng đã từng sinh ra và lớn lên. Nơi đây, ngôi nhà từng bị giặc Pháp âm mưu châm lửa đốt sạch; điều duy nhất còn nguyên vẹn sau những trận chiến là cây khế lớn hơn cả tuổi Đại tướng.
Tâm sự với chúng tôi, ông Võ Đại Hàm (SN 1943), sống hơn 10 năm cùng nhà Đại tướng và gọi Người bằng ông thúc bá, cho biết không ai nhớ rõ cây khế có từ khi nào, chỉ biết từ khi anh Văn sinh ra, cây khế đã ở đó.
Cũng dưới mái nhà lá đơn sơ và bóng cây khế giúp dịu cơn nắng miền Trung đầu hè, ông Võ Đại Hàm kể lại về những câu chuyện xưa trong ký ức với người ông kính mến, cũng là vị tướng tài của dân tộc. Từ năm 1978 đến nay, theo căn dặn của người nhà, ông về quê trông coi, chăm sóc nhà cửa, giữ gìn những kỷ vật của Đại tướng trong ngôi nhà xưa. Nay tuổi đã lớn nhưng những câu chuyện về vị Đại tướng vẫn được ông Hàm kể tường tận. Theo đó, trong những bữa cơm tối cùng gia đình tại số nhà 30 Hoàng Diệu cách đây đã lâu, khi con cháu hỏi về quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Đại tướng đã luôn trầm ngâm và kiên định với từng lời của mình. Bởi với Đại tướng, quân ta chỉ có lực lượng nhất định, đã đánh thì phải thắng, mà không chắc thắng thì không đánh, như lời căn dặn của Bác Hồ. Đại tướng luôn trầm ngâm với nước đi, thế trận làm sao để đảm bảo tổn thất ít nhất.
Trong những tâm tư của Người nói lại với con cháu trong gia đình, Người luôn nhắc về những tổn thất trong các trận chiến. Ông Võ Đại Hàm cho biết, trong nhiều lần tổng kết các chiến dịch, Đại tướng chú ý nhất về tổn thất, “nếu trận nào tổn thất nhiều, thì không thể xem là thắng lớn. Trận thắng giòn giã nhất phải là trận ít thương vong nhất”.
Khoảng những năm 1972 - 1973, khi vào Nam tái ngộ với những người đồng đội, các cựu chiến binh xưa đã từng tham chiến trên trận địa Điện Biên Phủ, có Đại tướng Lê Trọng Tấn, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Vương Thừa Vũ,… các người lính tay bắt mặt mừng trong niềm xúc động.
“Phải chi anh không thay đổi chiến thuật thì nay chúng tôi cũng không còn ở đây cùng tái ngộ, cũng không có cơ hội để tiếp tục chinh chiến chống Mỹ, bảo vệ đất nước”, những người lính xúc động nói cùng nhau.
Thân tình, giản dị với bà con quê hương
Trong những ngày này, ngôi nhà của Đại tướng tại quê hương lại đoàn nối đoàn những người phương xa lẫn người dân địa phương về dâng nén hương, với tấm lòng tự hào và tôn kính. Cũng ở con ngõ nhỏ ấy, xưa kia, mỗi lần Đại tướng về quê là những lần tưởng như “trẩy hội” của bà con xóm giềng.
Ông Võ Đại Hàm kể lại, mỗi lần bác Giáp về, Người sẽ không đậu xe về trước cổng mà phải nhờ người lái xe dừng ở đầu ngõ, với lý do để tiếp đón bà con dân làng cho gần gũi, thân tình. Bà con làng xóm khi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về sẽ xếp hai hàng đông kín ngõ, Bác đi đến đâu lại hỏi thăm từng người, thắm thiết như chưa từng xa quê.
Lại một câu chuyện nhỏ, nhưng để thấy được sự trân quý và tự hào mà người dân quê hương dành cho vị Đại tướng của dân tộc. Chuyện kể lại, mỗi khi hay tin Bác Giáp trở về, những cụ ông, cụ bà lại mang những bộ y phục quý nhất, đẹp nhất, lấy trong rương ra để chưng diện mong ngày gặp bác Giáp. Rồi cũng có cả những người nông dân đang làm đồng không hay chuyện, nhưng nghe dân làng kháo nhau: “Bác Giáp về rồi”, thì tất tả chân còn lấm lem bùn đất, chỉ mang áo quần mộc mạc và có phần sơ sài, nhưng Đại tướng vẫn mừng rỡ chào đón, không nề hà điều chi.
Ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nay dù không phải là mái tranh nguyên bản từ ngày xưa khi Người lớn lên, do năm 1947, giặc Pháp đốt cháy toàn bộ ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng sau khi được phục dựng, vẫn nối giữ trọn vẹn nét giản dị như cốt cách. Mái nhà cọ đơn giản, được kê thêm bộ bàn ghế cùng bộ sạp. Xung quanh gian nhà treo những bức tranh, bức vẽ kỷ niệm những địa điểm lịch sử và tình cảm của một số người dân gửi về. Đặc biệt, cuốn lưu bút to và dày, mang sự tôn kính của các thế hệ từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người dân Việt Nam cũng như các em học sinh luôn ngưỡng vọng người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam...
“Là học sinh trường mang tên Bác, cháu rất xúc động và tự hào khi được khoác lên mình bộ đồng phục trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Lần này về thăm Bác đã ngót nghét 7 năm từ lần thăm trước, nhưng sự tôn kính và tình yêu chân thành dành cho Bác vẫn như thế. Cháu hứa rằng sẽ chăm chỉ học tập để làm rạng danh non sông, để đất nước sánh vai với cường quốc năm châu”, học sinh Nguyễn Thanh Thảo (SN 2007) kính cẩn ghi lại lòng lưu bút gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.