Về ngôi làng cổ 1.000 năm tuổi ở Nam Định

Cách thành phố Nam Định chừng 20km, làng cổ Dịch Diệp (hay còn gọi là Dịch Diệp Trang) mang vẻ đẹp cổ kính của một làng quê Việt Nam.

Cây bồ đề hơn 900 năm tuổi ở làng Dịch Diệp.

Cây bồ đề hơn 900 năm tuổi ở làng Dịch Diệp.

Chiếc cổng làng bên cây cầu đá cuốn cong bắc qua dòng sông thơ mộng dẫn vào những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, mang lại cảm giác an bình cho du khách.

Lạc bước trong không gian làng cổ Bắc bộ

Làng Dịch Diệp (thuộc xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là ngôi làng cổ, được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ 11 dưới thời Vua Lý Thái Tổ, với tên gọi là Dịch Diệp Trang.

Đây là vùng đất hạ lưu sông Hồng thuộc huyện Tây Chân của Trấn Sơn Nam, sau là Phủ Thiên Trường. Trải qua hàng trăm năm, mảnh đất này vẫn được giữ nguyên tên và trở thành một làng của xã Trực Chính (huyện Trực Ninh) bây giờ.

Ngày nay, đến Dịch Diệp Trang, từ đường trục chính dẫn vào làng đã thấy được không gian của làng quê Bắc bộ truyền thống với: Đền, chùa, cây đa, cây đề, giếng nước... Rồi men theo đường làng, khách sẽ được thả hồn giữa một làng quê thuần Việt với những gian nhà cổ ẩn hiện dưới các tán cây cổ thụ rợp bóng.

Thời gian đã phủ bóng rêu phong lên từng ngôi nhà cổ, còn đọng mãi qua từng đường nét kiến trúc tinh tế của mỗi ngôi nhà. Điểm đặc biệt ở làng Dịch Diệp là những chiếc cổng nhà cổ còn in hằn dấu ấn thời gian. Cổng thường xây cuốn mái vòm parabol, sâu từ 1 - 2m, có cổng sâu đến vài ba mét, mái cổng mềm mại, uốn lượn. Tùy theo địa thế, vị trí và điều kiện của mỗi nhà, chiếc cổng vòm có quy mô, bề thế khác nhau, nhưng đều hài hòa, thuận tiện cho việc đi lại.

Làng Dịch Diệp có hình dáng như một con tàu mà mũi tàu chính là cổng Nam, còn đuôi là cổng Tây. Cổng làng hướng Nam nối liền với cây cầu cuốn bắc qua sông vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Cổng làng và cây cầu tuy có lối xây dựng đơn giản nhưng lại kết hợp ăn ý, hài hòa trong không gian một vùng quê Bắc bộ.

Theo người dân nơi đây, làng Dịch Diệp vẫn còn lưu giữ và bảo tồn được 6 cổng nhà cổ; 1 cổng làng cổ; 1 cây cầu cuốn bắc qua sông; 2 nhà gỗ (1 nhà hơn 100 năm, 1 nhà hơn 200 năm lợp ngói mũi nam); 3 giếng nước ở cuối làng...

"Ngày nay, theo dòng chảy phát triển của thời đại nhưng Dịch Diệp Trang vẫn giữ nguyên hồn Việt, đậm chất làng quê Bắc bộ. Những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương vẫn được lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Thật sự, ít có nơi đâu còn lưu giữ được hồn quê Bắc bộ như làng Dịch Diệp quê tôi" - ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp, chia sẻ.

Làng Dịch Diệp (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

Làng Dịch Diệp (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).

Ngôi làng cổ có báu vật hơn 900 năm tuổi

Không chỉ là ngôi làng cổ nổi tiếng ở Nam Định, làng Dịch Diệp còn được biết đến là ngôi làng lưu giữ cây bồ đề cổ thụ hơn 900 năm tuổi - được xem như "báu vật" của người dân nơi đây.

Thân cây bồ đề to khoảng 5 người lớn cầm tay nhau mới ôm trọn được và cây cao hơn 20m, xung quanh thân có những chiếc rễ to khoảng 40cm mọc ra bám chặt xuống đất. Dáng của cây bồ đề tạo ấn tượng như bàn tay 5 ngón xòe rộng; mỗi nhành cây mỗi vẻ; từng nhánh cây, kẽ lá liên kết liền nhau như để hứng hết phong ba bão táp, ra sức che chở, bảo vệ cho dân làng.

"Đại lão bồ đề gắn liền với bao thế hệ người dân trong làng, lớn lên và phát triển theo năm tháng thế nhưng cây vẫn đứng hiên ngang, mạnh mẽ theo thời gian; vẫn xanh tươi, cành lá sum suê, nhiều tán trồng lên nhau, phát triển rộng lớn. Những ngày hè oi bức, người dân thường ra ngồi dưới gốc cây hóng mát, kể lại chuyện ngày xưa cho nhau nghe" - ông Hội kể.

Với những giá trị gắn liền với lịch sử, tháng 4.2021, cây bồ đề hơn 900 tuổi ở làng Dịch Diệp đã chính thức được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao quyết định công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Theo dulich.laodong.vn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/dat-nuoc-con-nguoi/202407/ve-ngoi-lang-co-1000-nam-tuoi-o-nam-dinh-814735d/