'Về nguồn' để có nhiều năng lượng viết

Sau hai năm dịch Covid-19 hoành hành, hầu như các văn nghệ sĩ không được đi thực tế, ngòi bút vì thế cũng kém phần năng động. Đợt sáng tác này đã đem lại nhiều năng lượng cho các tác giả vì được đến thực tế nhiều nơi, đầu tiên là xã Thạnh Bình- địa phương vừa đạt chuẩn 'nông thôn mới nâng cao

Các thành viên Chi hội Văn học trong đợt sáng tác tháng 8.2022.

Các thành viên Chi hội Văn học trong đợt sáng tác tháng 8.2022.

Trong hai ngày 20 và 21.8.2022 vừa qua, Chi hội Văn học (Hội VHNT Tây Ninh) có đợt sáng tác “về nguồn” ở huyện Tân Biên. Sau hai năm dịch Covid-19 hoành hành, hầu như các văn nghệ sĩ không được đi thực tế, ngòi bút vì thế cũng kém phần năng động. Đợt sáng tác này đã đem lại nhiều năng lượng cho các tác giả vì được đến thực tế nhiều nơi, đầu tiên là xã Thạnh Bình- địa phương vừa đạt chuẩn “nông thôn mới nâng cao”.

Những năm gần đây, Thạnh Bình không chỉ có rẫy cao su, mì, mía mà còn có cả các khu vực trồng cây ăn trái như bưởi, ổi; đặc biệt là vườn sầu riêng quy mô lớn đến hàng trăm héc-ta, chăm sóc tưới cây bằng công nghệ tưới nhỏ giọt (tưới bù áp Israel) tiết kiệm đến 60% lượng nước tưới nhưng hiệu quả thẩm thấu rất cao. Đại diện chính quyền địa phương cho biết, nếu công nghệ tưới nhỏ giọt thử nghiệm thành công ở vườn sầu riêng này thì sẽ giúp cho các nông dân khác mạnh dạn đầu tư và thành công hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Rời Thạnh Bình trong cơn mưa chiều dai dẳng, đoàn trở lại thị trấn Tân Biên dùng bữa cơm chay tại tịnh xá Trúc Lâm. Tịnh xá với hơn 4.000m2 đất do phật tử hiến tặng để xây dựng. Tịnh xá Trúc Lâm hình thành và xây dựng hơn 10 năm nay nhưng chỉ mới hoàn thành những phần cơ bản. Tuy nhiên, hằng ngày bếp ăn của tịnh xá vẫn nấu hàng trăm suất ăn chay cho người nghèo, người cơ nhỡ. Bởi rau cải, bầu bí, dưa, mướp… đã có bà con tiểu thương ở chợ Tân Biên cho tặng, còn gạo thóc, gia vị có nhiều phật tử phương xa đến cúng dường.

Đêm Tân Biên qua nhanh hơn thì phải. Đoàn văn nghệ sĩ được nghỉ đêm tại nhà khách của huyện. Sáng ngày thứ 2 cuộc đợt sáng tác, đoàn văn nghệ sĩ đến xã Tân Lập, viếng nhà bia tưởng niệm 11 thầy cô giáo bị Pol Pot sát hại tháng 9.1977. Danh sách 11 người đã có đến 10 là dân Hòa Thành, những làn khói nhang được thắp lên tưởng niệm như lưu luyến không muốn rời xa. Bình minh hôm ấy nắng rất trong, màu sen trắng đặt trên ban thờ cũng thanh khiết như tấm lòng của những thầy cô trẻ. Mùa trung thu năm đó, nếu họ về lại Hòa Thành đón tết đoàn viên với gia đình thì có lẽ sẽ không bị sát hại. Nhưng vì tình yêu thương học trò của mình, các thầy cô đã ở lại để tổ chức tết trung thu cho các em… để rồi nỗi đau thương còn lưu dấu đến bây giờ.

Trong chuyến về nguồn này, điểm đến quan trọng nhất là “Căn cứ cách mạng Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam”.

Xe dừng ở đường lớn, để rẽ vào “cửa rừng”, nơi có con đường bê tông nhỏ phủ đầy rêu xanh chờ đón bước chân du khách. Hai bên đường, những cây cỏ, cành lá đã được phát quang, rong nhánh rất gọn gàng, khiến cho bước chân du khách dễ dàng đi lại hơn. Được biết, việc phát quang này là công việc hằng tuần của “Tổ quản lý khu di tích chính phủ”. Con đường dài 200m thôi, nhưng đã đưa chúng tôi vào một thế giới khác, nơi ấy đầy tiếng chim ca, gió rừng mát rượi và những hoa cát lồi, hoa gừng gió, nấm linh chi, dây gùi...

Anh Nguyễn Đức Lập- thuyết minh viên thuộc Tổ quản lý di tích chính phủ đón tiếp chúng tôi hết sức nhiệt tình. Sinh năm 1971, quê quán xã Trường Tây, Hòa Thành, anh Lập tốt nghiệp trường “Trung cấp bảo tồn - bảo tàng” từ năm 1994 và về làm việc ở rừng cho đến nay. Gần 30 năm công tác, anh Lập đón không biết bao nhiêu đoàn tham quan với bao cung bậc cảm xúc của người cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa; của tuổi trẻ sinh viên học sinh về nguồn tìm hiểu về cuộc sống cách mạng của cha ông đi trước; của bao thế hệ hôm nay muốn gần gũi với thiên nhiên…

Những giao thông hào bám đầy rêu xanh như tô vẽ thêm cho rừng bức tranh muôn sắc, bếp Hoàng Cầm chúng tôi đã nhìn thấy nhiều lần nhưng vẫn nguyên vẹn cảm xúc vì sự độc đáo của nó. Những ngôi nhà làm việc của các bậc cha chú được tái hiện vẫn lợp lá trung quân, bàn ghế mộc mạc đơn sơ, giếng nước với tay quay xưa cũ… Tất cả toát lên sự giản dị đến vô cùng nhưng lại ẩn chứa một lòng yêu nước thương dân thật vĩ đại.

Những chiếc hoa gừng rừng (gừng gió) mùa này nở đỏ ngập các lối đi khiến cho bức tranh rừng có một điểm nhấn vô cùng sinh động. Lạc loài môt chiếc nấm linh chi màu nâu đỏ đã trở thành hoa hậu của lớp lá mục đang xạc xào dưới chân du khách. Một cơn gió rừng rào rào lướt qua trên tầng tầng cây lá, cho mớ trái say chua ngọt có lớp vỏ màu đen mịn như nhung bỗng buông cành rơi xuống làm bạn với khách đang về nguồn khiến chúng tôi ồ lên thích thú gọi là “trái say bay”.

Trên cung đường trở về, đoàn chúng tôi còn đến nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82. Vì sao gọi là “đồi 82”? Vì ở đó ngọn đồi cao 82m so với mực nước biển. Nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của gần 15 ngàn liệt sĩ, những người con ưu tú của khắp mọi miền đất nước đã về gìn giữ mảnh đất vùng biên viễn Tây Ninh, nhất là trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Nắng và gió trưa hôm ấy chao chát quá, những bó nhang thắp lên mà che bề nào cũng đầy gió cuốn. Phút mặc niệm bỗng dưng dài quá, có lẽ vì sự xúc động dâng trào. Mười hai thành viên chúng tôi chia nhau đi từng khu vực trong nghĩa trang, thắp hương trên các phần mộ. Tôi không khóc mà sao nước mắt cứ chảy không ngừng khi nhìn trên bia mộ, ngày sinh - ngày mất của các liệt sĩ đều đang tuổi đôi mươi!

“Về nguồn” mãi là năng lượng chưa bao giờ cạn cho nghiệp viết. Chuyến thực tế của chúng tôi khép lại khi cơn mưa chiều giăng mắc khắp chân trời.

Đ.P THÙY TRANG

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ve-nguon-de-co-nhieu-nang-luong-viet-a148835.html