Về nhà tháng sáu...

'Về đi con, quê mình đang tháng sáu...'. Một sớm mùa hạ trong veo không một gợn mây, mẹ thủ thỉ, rù rì hẹn, khiến lòng ta bất chợt rưng rưng với bao nỗi niềm bâng khuâng. Tháng sáu quê nhà với biết bao nhiêu ân tình sâu nặng, ở đó có bóng hình mẹ cha, có làng mạc với lũy tre xanh rì rào, có bờ đê quanh co mương nước chảy róc rách mát rượi...

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Về nhà tháng sáu là ta về với ngôi nhà ngói ba gian thân thuộc, nơi chiếc giường được làm bằng gỗ xoan đào đặt cạnh ô cửa sổ thật lớn. Từ phía trong ô cửa lúc nào cũng dễ dàng phóng tầm mắt ra ngoài là khu vườn ngọt ngào hoa trái. Ngôi nhà ngói ba gian là nơi trú ngụ của sáu thành viên trong nhà. Từ thuở nó còn lợp mái lá cho đến khi cha mẹ chắt chiu mua từng viên ngói sửa sang lại khang trang. Chiếc giường bao năm dù cũ kĩ, mối mọt gặm ít nhiều nhưng lại là nơi ta thấy thân thương và êm ái nhất. Ta thảnh thơi nằm, thoải mái gác chân lên song cửa, mặc kệ nắng hạ lấp lóa trên tàng cây xanh, bên ngoài lũ sẻ, lũ khướu ríu ran gọi bạn. Ta như đứa trẻ lên bảy vô tư nằm trong nhà mẹ, chẳng vướng bận lo toan, bình yên bao bọc nhẹ nhàng...

Về nhà tháng sáu, ta về với mùa hạ nắng cháy như nung để thưởng thức bát chè đỗ đen mẹ nấu đúng chuẩn vị quê hương. Từ sáng tinh mơ, mẹ đã ngâm đỗ, cặm cụi nhen lửa bắc bếp ninh đỗ cho đến khi thật nhuyễn nhừ. Lạ thay, nồi chè mẹ nấu chỉ từng ấy nguyên liệu, đỗ, đường và nước nhưng ta lại thấy ngon lạ lùng. Vị ngọt thanh của đường cát hòa quyện với vị bùi bùi của hạt đỗ đen xanh lòng tạo nên một hương vị khó quên, ăn một lần là nhớ mãi. Đó là khoảnh khắc ta thấy tình thương gia đình lan tỏa, cả nhà ngồi bên nhau vừa ăn chè vừa nói cười vui vẻ. Ta nhớ nụ cười giòn tan của thằng Út khi hạt đỗ vô tình dính vào tạo nên một chấm đen nhánh trên hàm răng của anh chị. Nhớ cả cái cách nó ăn một mạch hai bát to đùng, vén cái áo lên lộ chiếc bụng tròn xoe căng rốn. Để rồi mỗi khi đi xa, tháng sáu về, ta lại nôn nao được trở về nhà, chỉ mong được ăn bát chè đỗ đen của mẹ nấu.

Về nhà tháng sáu, ta về với quê nhà mùa hạn. Nỗi nhớ ùa về trong những đêm trăng theo cha mẹ đi tát nước đồng xa. Cây mạ mới cấy còi cọc thiếu nước khiến chúng khẳng khiu đến tội nghiệp. Cha treo chiếc đèn pin trên đầu, tay cầm cuốc lần mò, khơi thông từng đoạn mương để dẫn nước về ruộng. Cha cầm cuốc dẫn nước từ nguồn, mẹ xách gầu rồi thức trắng đêm để tát. Mỗi mùa hạn đi qua, ta càng thương hơn những vất vả mẹ cha, những người nông dân một nắng hai sương đã làm nên hạt gạo trắng tinh. Mùa hạn về, ta học được biết bao nhiêu điều: quý trọng công sức lao động, phải biết chắt chiu, tiết kiệm và biết ơn hạt lúa mà người nông dân đã làm ra.

Về nhà tháng sáu, ta về với ký ức tuổi thơ, nơi cánh diều chấp chới ngoài bờ đê buổi chiều gió lộng. Nhớ lần mải nhìn theo cánh diều mà hụt chân rơi xuống bờ mương, lũ bạn cười tinh nghịch, ta thì đau la oai oái. Nơi câu đồng dao ta học thuộc làu lúc nào cũng ngân nga trên môi. Nhớ đám bạn tóc hoe vàng nắng cháy, chạy nhảy chơi không biết mệt. Nhớ lần tắm sông uống no cả bụng nước. Ta biết rằng, ta đã có một tuổi thơ trọn vẹn, ngọt ngào mà dễ gì trong đời ta có thể tìm kiếm. Nhiều lúc quanh quẩn chỉ có vậy mà nhớ, mà thương.

Về nhà tháng sáu, ta về với nơi mà ta thuộc về, ta mới được chính là ta giữa bao la bầu trời rộng lớn. Ta sẽ khắc ghi quê nhà ở trong trái tim bé bỏng. Ở đó, có những ngày tháng sáu nắng rực vàng, có vất vả, khổ cực, nhưng cũng có nhiều điều yêu thương. Và ta luôn biết rằng, dẫu có vấp ngã, có chông chênh, ta còn có nơi để trở về, quê nhà chẳng bao giờ chối bỏ mà luôn bao dung, vỗ về, ôm ấp yêu thương ta vô điều kiện...

Mai Hoàng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ve-nha-thang-sau-post476829.html