Về những cuộc họp lịch sử ở làng Dương Húc

Cuối năm 1939, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ ra chủ trương chuyển hình thức hoạt động của các tổ chức cộng sản từ hoạt động công khai, hợp pháp, sang hình thức bí mật. Thực hiện chủ trương chuyển trọng tâm công tác về vùng nông thôn, gấp rút xây dựng hệ thống các cơ sở chính trị bí mật vững chắc ở Đình Bảng (Bắc Ninh), chàng thanh niên Nguyễn Đức Nguyện (tên thật của cố Chủ tịch Lê Quang Đạo) cùng một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ chuẩn bị các cơ sở tin cậy và lo công tác bảo đảm an toàn, nơi ăn chốn ở để đón các đồng chí lãnh đạo của Đảng về hoạt động.

Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo tiếp Đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng đến thăm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại 46 Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào năm 1998. Nguồn: Ảnh tư liệu.

Cố Chủ tịch Lê Quang Đạo tiếp Đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng đến thăm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại 46 Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào năm 1998. Nguồn: Ảnh tư liệu.

Đến tháng 8-1940, Nguyễn Đức Nguyện được kết nạp vào Đảng khi mới 19 tuổi. Từ giữa năm 1941, người thanh niên Nguyễn Đức Nguyện chính thức trở thành nhà hoạt động cách mạng, lấy tên là Lê Quang Đạo, gây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng ở Cẩm Giang, Trang Liệt, Phù Chẩn, Trung Mầu, Phù Khê, Tam Sơn, Phật Tích (của tỉnh Bắc Ninh)... Đầu năm 1941, Lê Quang Đạo thành lập Chi bộ Đảng Phù Chẩn - Dương Húc và trực tiếp làm Bí thư.

Tháng 5-1941, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng. Hội nghị xác định: Nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương. Nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải giành cho được độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Để tập hợp được mọi người Việt Nam yêu nước, tranh thủ các lực lượng cách mạng, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có một quyết sách quan trọng: Thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh).

Tháng 9-1941, Hội nghị cán bộ toàn Xứ ủy Bắc Kỳ họp tại Dương Húc (Đại Đồng, Tiên Du) phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8.

Theo hồi ký của cố Chủ tịch Lê Quang Đạo, làng Dương Húc thuộc xã Đại Đồng, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Trước cách mạng làng Dương Húc là một trong những căn cứ cơ sở cách mạng tin cậy thời kỳ hoạt động bí mật. Các nhà hoạt động cách mạng của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ… đã tham dự các cuộc họp tại đây.

Như Phù Chẩn, Đình Bảng, Phổ Liêu, Cổng Giai, Trung Mầu, trong mấy làng gần nhau, Dương Húc là một trong những làng có cơ sở rất tin cậy của Đảng.

Hồi ký viết: “Tôi cũng được hoạt động ở đấy, thời gian từ năm 1940-1941 cho đến đầu năm 1942. Tôi được biết nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng đã qua lại Dương Húc như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt và một số đồng chí nữa. Ở Dương Húc có nhiều gia đình cách mạng chủ yếu là gia đình cụ Tổng Tám, cụ Chánh Huân cùng con cháu và một số đồng chí khác. Cụ Chánh Huân là người có uy tín trong xã, trong làng nên ta hoạt động khá yên tâm, đồng bào rất đùm bọc. Chính vì vậy các bà con thôn xóm đều giữ bí mật an toàn cho Đảng và cách mạng. Có nhiều cuộc họp và làm việc ở đây tôi đều được biết.

Trong các cuộc họp ở Dương Húc, tôi còn nhớ mãi có cuộc họp tháng 8/1941 do đồng chí Trường Chinh chủ trì, Hội nghị cán bộ toàn Xứ ủy Bắc Kỳ. Tôi thay mặt tỉnh ủy Bắc Ninh dự Hội nghị này. Nội dung chủ yếu là phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp ở Pác Bó (Cao Bằng) do Bác Hồ chủ trì đề ra chính sách mới của Đảng, tập trung giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh và các tổ chức cứu quốc để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Cuộc họp ấy kéo dài khoảng ba ngày.

Đây là lần đầu tiên tôi được nghe phổ biến chính sách mới của Đảng, tập trung giải phóng dân tộc, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Cuộc họp nói chung về nghị quyết của Đảng, nói riêng về nhiệm vụ của Mặt trận, các điều lệ về mặt trận Việt Minh được cấp trên phổ biến để các tỉnh ở Bắc Kỳ có đại diện về họp biết được. Đó là một cuộc họp lịch sử mà tôi không bao giờ quên được. Trong những năm 1940-1941, Nhật vào Đông Dương, dân ta một cổ hai tròng. Sau khi Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, địch khủng bố rất gắt gao. Để có được một chỗ an toàn để họp trong ba ngày rất khó, nơi họp phải là nơi rất tin cậy mới bảo đảm được cuộc họp như vậy. Nhà cụ Tổng Tám và gia đình chánh tổng, lý trưởng đảm nhận phần ăn uống cho cuộc họp. Lúc bấy giờ, các đồng chí xứ ủy rất khó khăn về tài chính và để bảo vệ an toàn, bà con trong thôn xóm đã hoạt động rất tích cực. Cho nên sau này nhớ lại phải thực sự rất biết ơn nhân dân trước đây đã góp phần quan trọng giúp hoạt động bí mật của Đảng, của Mặt trận Việt Minh đưa cuộc cách mạng do Đảng ta lãnh đạo đến thành công.

Điều đáng lưu ý ở đây là Cách mạng Tháng Tám do Đảng lãnh đạo, nhưng cơ sở cách mạng là toàn dân. Không những công nhân, nông dân mà cả tư sản, địa chủ và trí thức yêu nước đều tham gia cách mạng. Rõ ràng, nếu không có gia đình cụ Tổng Đại, cụ Chánh Huân thì khó có thể có cuộc họp của Trung ương và Xứ ủy phổ biến Nghị quyết về thành lập Mặt trận Việt Minh. Cách mạng phải kết hợp cả công nhân, nông dân, trí thức và tất cả mọi công dân yêu nước, trong đó có cả các gia đình tư sản, địa chủ yêu nước tham gia mới đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng đến thành công. Đưa được Cách mạng Tháng Tám thành công là nhờ có đường lối đúng đắn của Đảng, tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, vai trò Mặt trận Việt Minh để thống nhất đoàn kết toàn dân tộc và có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Chúng ta nói nếu không đoàn kết được toàn dân và không có toàn dân nổi dậy thì không có Cách mạng Tháng Tám thành công được.”

Nhà văn NGUYỆT TÚ (phu nhân cố Chủ tịch Lê Quang Đạo)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ve-nhung-cuoc-hop-lich-su-o-lang-duong-huc-10289212.html