Về những tiếng rao máy
Ngày trước, Phan Thiết không hiếm những lời rao. Những tiếng rao của những người mẹ, người chị, với những gánh chè, gánh đậu hủ, gánh xôi… len lỏi vào các xóm lao động, trên những con đường nhỏ. Ký ức tuổi thơ của tôi nhớ rằng: Những người phụ nữ ấy chỉ rao khi gánh gánh, đi bán trên đường.
Và hầu như, nếu bán tại một chỗ, thì chẳng ai rao. Bởi đã bán tại một gian hàng cố định, người ta chẳng thể rao suốt buổi! Và cũng chẳng có người phụ nữ nào đủ sức rao suốt nhiều tiếng đồng hồ với một gian hàng của mình, tại một địa điểm!
Sử dụng loa rao bán hàng hóa gây tiếng ồn, bức xúc trong cộng đồng dân cư.
Tiếng rao ngày nay đã khác xa ngày trước. Vẫn còn đây đó những người phụ nữ, với thúng bánh quai vạc cùng những lời rao, song thật sự điều ấy rất hiếm. Ngày nay, việc rao bán các mặt hàng cần thiết của gia đình đã có các thiết bị gắn kèm loa cầm tay đảm nhiệm.
Quan sát việc một số loa tay có gắn kèm thiết bị phát những lời rao hàng ở các chợ tự phát, người viết thấy có đôi điều cần trao đổi. Có những chiếc xe đẩy, bán một vài mặt hàng: khăn, vớ, khẩu trang phụ nữ… Các mặt hàng chất đầy xe, người bán mở loa để phát. Lời rao bán chỉ đôi chục tiếng: “Khăn 10 ngàn 3 cái, 4 cái. Vớ, khẩu trang đây mấy chị ơi! Ghé vào mua đi mấy chị ơi!” Vậy mà được máy tua đi tua lại không biết bao nhiêu trăm lần suốt cả buổi chợ, từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa.
Chiếc xe chỉ đậu một chỗ, ở một đoạn đường bán cá tự phát, lại mở loa phát to, suốt nhiều tiếng đồng hồ. Những gia đình ở trên những con đường có những gian hàng mua bán tự phát ấy, vừa phải chịu cảnh ồn ào của người mua, kẻ bán, tiếng xe cộ liên tục bấm còi; lại thêm tiếng loa phát bán một vài mặt hàng, tua đi tua lại lời rao, suốt nhiều tiếng đồng hồ. Ở những đoạn đường ấy, những gia đình có những người già, đau ốm, cần giấc ngủ, có những trẻ nhỏ mẹ mới sinh, không dễ gì ngủ được. Nhiều người ở gần những chiếc xe loa ấy, buộc tai phải nghe chỉ 1,2 câu ấy với âm thanh to, lặp đi lặp lại, rất khổ sở, rất đau đầu, mệt tim. Có những gia đình, các cháu học online (nhà trường quy định, do tình hình còn dịch bệnh) nhà ở sát đường, việc học bị ảnh hưởng rất nhiều, do không nghe rõ lời thầy cô trên máy tính, trên điện thoại, khi những tiếng rao tua máy ấy cứ liên tục vọng vào nhà. Có gia đình trao đổi với người bán sử dụng loa rao tự động, để yêu cầu người bán vặn nhỏ âm thanh. Song tình hình không khá hơn là mấy.
Qua xem Đài Truyền hình tỉnh Bình Thuận tối 23/3/2022, người viết nghe được ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, chỉ đạo thành phố Phan Thiết chỉnh trang, xây dựng thành phố Phan Thiết văn minh, hiện đại… Chúng tôi rất hoan nghênh quan điểm lãnh đạo ấy của Tỉnh ủy. Mong rằng, trong việc chỉnh trang chung của thành phố, những con đường có người bán cá tự phát, đã yên ắng được cả nửa năm qua trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, cũng sẽ được quan tâm chỉnh trang, kết hợp lập lại trật tự, khi việc mua bán hải sản lấn chiếm lòng lề đường tái diễn hơn một tháng gần đây. Cùng với đó, âm thanh của những chiếc loa tua đi tua lại một vài câu rao hàng, cứ đứng một chỗ, vô tư phát, cũng cần được cơ quan chức năng nhắc nhở. Bởi, mỗi ngày những người già cả, người đau ốm, những em nhỏ ở quanh đấy cần được sự yên tĩnh để chữa bệnh, dưỡng bệnh, nghỉ ngơi. Nếu tiếng ồn do loa phát cứ tua đi tua lại mãi, thì có khi người đang khỏe cũng có ngày phải nhập viện vì đau đầu, mệt tim.
Việc mua bán, mưu sinh là nhu cầu của nhiều gia đình, nhiều người. Song, việc mua bán cũng cần phải tôn trọng quy định chung, giữ gìn trật tự nơi xóm làng. Việc làm ăn của người bán làm sao để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống tinh thần của người dân, không để người dân ở những nơi hình thành các chợ tự phát bị ám ảnh bởi những tiếng ồn!
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ve-nhung-tieng-rao-may-96340.html