Về nơi bến tàu Không số - miền cực Nam của Tổ quốc

Trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ vừa qua, chúng tôi có dịp về thăm Đất Mũi Cà Mau. Một trong những điểm đến nơi miền cực Nam của Tổ quốc này để lại nhiều cảm xúc với các thành viên trong đoàn, đó là Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng, gắn liền với đường Hồ Chí Minh trên biển và những chuyến tàu Không số.

Sau khi Nghị quyết 15 ra đời (ngày 13/1/1959), trung ương đã chỉ đạo mở đường Hồ Chí Minh trên biển và thành lập Đoàn 759 - Đoàn tàu Không số (nay là Đoàn 125 Hải quân) để vận chuyển vũ khí, thuốc men… tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Để tiếp nhận vũ khí bằng đường biển từ những con tàu Không số của Đoàn 759, ngày 19/9/1962, Đoàn 962 (nay là Lữ đoàn 962 Quân khu 9) được thành lập tại xã Tân An, huyện Ngọc Hiển. Đơn vị có địa bàn hoạt động dọc từ Cà Mau đến Bến Tre. Những người con của Cà Mau và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã về Vàm Lũng xây dựng “bến cảng giữa rừng” và chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy nhiều cuộc càn lớn của địch, bảo vệ bến, bảo vệ kho tàng, phân phối vũ khí, đạn dược cho chiến trường Tây Nam Bộ lúc bấy giờ.

Nằm cách TP Cà Mau gần 100km theo hướng quốc lộ 1 về phía Nam, thuộc khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, bến Vàm Lũng đã đi vào lịch sử là bến đầu tiên đón nhận con tàu Không số mang phiên hiệu Phương Đông 1 do Lê Văn Một làm thuyền trưởng và Bông Văn Dĩa (người con của Đất Mũi Cà Mau) làm chính trị viên. Đây cũng là bến cuối cùng trong hệ thống các bến, cảng đón những chuyến tàu Không số từ Bắc vào Nam bằng đường Hồ Chí Minh trên biển để chi viện vũ khí, thuốc men cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ 1962-1970, bến Vàm Lũng đã tiếp đón trên 70 chuyến tàu Không số với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 10/11/2010, bến Vàm Lũng được Bộ VHTT&DL công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển tại bến Vàm Lũng

Tượng đài chiến thắng Đường Hồ Chí Minh trên biển tại bến Vàm Lũng

Biểu tượng con tàu Mũi Cà Mau, nơi cực Nam của Tổ quốc. Du khách mỗi khi đến đây đều dừng lại chụp ảnh lưu niệm

Biểu tượng con tàu Mũi Cà Mau, nơi cực Nam của Tổ quốc. Du khách mỗi khi đến đây đều dừng lại chụp ảnh lưu niệm

Biểu tượng đường Hồ Chí Minh tại cột mốc Km2436 (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên bộ nối liền với đường Hồ Chí Minh trên biển

Biểu tượng đường Hồ Chí Minh tại cột mốc Km2436 (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên bộ nối liền với đường Hồ Chí Minh trên biển

Cột cờ Hà Nội - Biểu tượng Thủ đô trong lòng Đất Mũi

Cột cờ Hà Nội - Biểu tượng Thủ đô trong lòng Đất Mũi

Rừng đước Cà Mau, nơi Đoàn 962 xây dựng “bến cảng giữa rừng” Vàm Lũng, đón những chuyến tàu Không số

Rừng đước Cà Mau, nơi Đoàn 962 xây dựng “bến cảng giữa rừng” Vàm Lũng, đón những chuyến tàu Không số

LẠC HỒNG (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/349/320942/ve-noi-ben-tau-khong-so-mien-cuc-nam-cua-to-quoc.html