Về nơi học tổ đất trời Nam
Buổi sáng tháng ba, khi ánh nắng vàng tươi đầu mùa chan hòa mọi nẻo đường, chúng tôi có chuyến hành hương về Khu di tích lăng mộ và đền thờ Sĩ Nhiếp tại làng Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Nằm ngay cạnh Quốc lộ 17, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 30km về phía đông, khu di tích cổ kính, trầm mặc lưu lại cho hậu thế câu chuyện về người đã mở mang việc dạy và học chữ Hán ở Việt Nam.
Qua hàng xoài cổ thụ đang trổ hoa tỏa hương thơm dịu nhẹ, chúng tôi gặp cụ từ Phạm Đình Hiếu đang quét dọn ngay cổng đền. Cổng đền có kiến trúc theo lối ngũ môn hai tầng tám mái, phía trên nổi bật 4 chữ Hán lớn đắp nổi “Nam Giao học tổ”. Thấy đoàn khách đến, cụ cẩn trọng chào rồi mời chúng tôi vào chiêm bái trong đền. Cụ Hiếu 85 tuổi, làm thủ từ ở Khu di tích lăng và đền thờ Sĩ Nhiếp đã 5 năm nên mọi công việc từ chăm nom đến thờ phụng đều trở nên quen thuộc.
Vừa chiêm bái, cụ Hiếu vừa chỉ cho chúng tôi kiến trúc ngôi đền với kết cấu chữ “đinh” gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Trong khu hậu cung, tượng thờ Sĩ Nhiếp bằng chất liệu đồng với dáng mặt uy nghi, oai vệ. Hai bên là các tượng chầu đắp bằng đất được sơn son thếp vàng, mũ áo chỉnh tề tạo dáng phủ phục. Trong thần tích ngôi đền còn kể lại Sĩ Nhiếp (137-226) là thái thú cai trị đất Giao Chỉ vào thời Bắc thuộc. Ngài là một vị quan cai trị nổi tiếng có tài và đức độ. Sử gia Ngô Sĩ Liên cũng từng viết trong Đại Việt sử ký toàn thư về Sĩ Nhiếp: “Độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là Vương. Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người”. Ngài được các triều đại phong kiến sau này ban tặng 33 đạo sắc phong và được suy tôn là một trong những nhân vật mở đường cho Nho giáo ở Việt Nam, tôn vinh là “Nam Giao học tổ”.
Sau khi dâng lễ trong đền Sĩ Nhiếp, chúng tôi theo chân cụ Hiếu thăm khu lăng mộ của ngài. Bằng giọng trầm ấm, cụ Hiếu kể với chúng tôi về khu vực lăng mộ trước đây là cánh rừng cổ thụ rộng 4 mẫu. Tương truyền khi ngài mất, 99 người học trò về viếng thầy, mỗi người mang theo một nắm cơm. Nhưng vì thương nhớ thầy, không ai cầm lòng ăn được đã để lại, sau này hóa thành 99 gò nổi xung quanh khu lăng mộ. Câu chuyện nhuốm màu huyền tích về tình cảm xót thương của những người học trò dành cho người thầy đáng kính. Giờ đây câu chuyện đã hóa thành đất đai, gò đống như minh chứng cho sự trường tồn của tình nghĩa thầy trò.
Lăng Sĩ Nhiếp nằm phía Tây Bắc chếch phía sau đền, hiện nay không còn rộng lớn như trước. Khu vực lăng là một khoảng đất nhỏ xung quanh xây tường hoa có gắn con tiện và một ban thờ ở chính giữa. Dấu ấn nổi bật của khu vực trước lăng là một con cừu đá, tương truyền do các cao tăng của Ấn Độ khi về đây thuyết pháp đã tạc nên. Trước đây vốn có hai con nhưng sau đó, một con chạy ra ruộng phá lúa của dân. Mẫu Man Nương đã làm phép đánh lõm lưng và bắt về chùa Dâu tu tập. Cho đến nay, một con cừu vẫn phủ phục trước lăng Sĩ Nhiếp, con còn lại vẫn ở chùa Dâu.
Đứng giữa vùng đất tôn vinh việc học của nước Nam xưa, lòng du khách cảm thấy an yên, khoáng đạt. Dưới bóng mát của những tán xoài cổ thụ, trong tiếng lá xào xạc vẫn vang lên giọng của cụ thủ từ hay ai đó đang ngâm ngợi công đức của ngài Sĩ Nhiếp: “Dạy dân thông hiểu điều thi lễ/ Xứng là học tổ đất trời Nam/ Lăng mộ nghìn thu cừu trấn phục/ Tam quan cổng đón đất nho sinh”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/ve-noi-hoc-to-dat-troi-nam-613831