Về nơi khởi nguồn, khơi dậy ký ức hào hùng

Kỷ niệm Quốc khánh 2-9, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều Anh hùng lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, bộ đội tại ngũ đã vượt mọi khó khăn, đường xa, đèo dốc, với tinh thần tuổi cao chí khí càng cao, cùng thăm lại Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) - mảnh đất linh thiêng, nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Các tướng lĩnh thực hiện nghi thức dâng hương trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: Mai Hoa

Các tướng lĩnh thực hiện nghi thức dâng hương trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: Mai Hoa

Cùng nhau nhắc nhớ truyền thống anh hùng của quân đội ta

Khó có thể kể hết sự xúc động của các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi cùng về Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.

Tay bắt mặt mừng, tất cả cùng xúc động ôn lại ký ức hào hùng, nhắc nhớ truyền thống anh hùng của quân đội, coi đây là động lực thúc giục mỗi người cùng quyết tâm phấn đấu giành nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vượt qua chặng đường rừng, thăm lại Nhà bia trung tâm, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Tôi thực sự xúc động khi được trở lại nơi đây. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng này, giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) với 34 chiến sĩ. 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cùng toàn dân hoàn thành cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Nhà bia trung tâm có 4 mặt, cao 1,3m, rộng 0,76m, khắc toàn văn Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; thông tin về lễ thành lập, 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trong lễ tuyên thệ (sau này trở thành lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam) và danh sách 34 chiến sĩ.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà trao đổi cùng các sĩ quan tại Nhà bia trung tâm, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: Mai Hoa

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà trao đổi cùng các sĩ quan tại Nhà bia trung tâm, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: Mai Hoa

Trao đổi với các sĩ quan quân đội, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh: “Sáng 22-12-1944 diễn ra lễ thành lập, thì ngay chiều 24-12, đội đã xuất quân tiêu diệt đồn Phai Khắt. Tiếp đó, sáng 26-12, đội tiêu diệt đồn Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu của quân đội ta”.

Nhắc lại sự kiện Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập cách nay 80 năm, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Mục tiêu của Quân đội ta là độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Và chính nguồn gốc đó, mục tiêu đó đã định hình nhân cách người quân nhân cách mạng là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Mỗi quân nhân đều coi 10 lời thề danh dự là hành trang của mình, giúp họ vững ý chí, niềm tin, phấn đấu rèn luyện, trưởng thành. Trong đó, luôn ghi nhớ phải kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân…”.

Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

Có thể cảm nhận rõ truyền thống “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” của quân đội ta ở mảnh đất thiêng lịch sử này. Nhiều hoạt động nghĩa tình, như tặng quà, trao nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách, người có công; trao “Nhà đại đoàn kết” tặng đối tượng hộ nghèo; trao “Nhà đồng đội” tặng quân nhân có hoàn cảnh khó khăn thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng… đã được triển khai dịp này.

Ông Ma Văn Sư, 74 tuổi, người dân tộc Tày, nhà ở xã Tam Kim không giấu nổi sự xúc động: “Tôi có 3 con, 2 cháu, gia đình chỉ làm nông, cuộc sống khó khăn lắm. Được gặp mặt Bộ đội Cụ Hồ dịp này, được nhận quà của Bộ đội Cụ Hồ, tôi càng cảm nhận tình cảm quân dân gần gũi, thân thiết”.

Còn em Nông Quốc Lâm, học sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Tam Kim (Cao Bằng) vui vẻ nói: “Nhà em ở gần đây, nên em thường xuyên cùng các bạn đến thăm, chơi tại khu di tích lịch sử này. Nay, lớp em có em và 4 bạn cùng được nhận quà từ Bộ đội Cụ Hồ, chúng em rất thích. Đọc những dòng lịch sử truyền thống được khắc ghi tại Nhà bia, tại các điểm trong di tích, chúng em rất tự hào được sinh ra và lớn lên tại vùng đất anh hùng này”.

Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn gần gũi với mỗi người dân, trở thành một danh xưng cao quý, đầy tự hào và đầy trách nhiệm. Ngay trong thời bình, những người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ vẫn chấp nhận gian khổ, hy sinh, sẵn sàng giúp nhân dân phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, gìn giữ biên cương, hải đảo, biển trời của Tổ quốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chia sẻ: “Về nơi khởi nguồn, khơi dậy ký ức hào hùng, chính là để giáo dục truyền thống. Từ 34 chiến sĩ ban đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, phát triển, mà căn cốt xây dựng, phát triển quân đội chính là bắt đầu từ lòng yêu nước. Để viết tiếp trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm của thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ hôm nay là phải tự lực tự cường, luôn sẵn sàng đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, chủ động trang bị kiến thức, nâng cao sức chiến đấu, phát huy truyền thống: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Thực vậy, truyền thống cha ông đang được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay viết tiếp với niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng của "Đội quân chiến đấu - Đội quân công tác - Đội quân lao động sản xuất", đặc biệt là tham gia làm nhiệm vụ quốc tế.

Đại úy Vũ Nhật Hương, Trợ lý Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ: “Bản thân tôi đã có 12 tháng đảm nhiệm vị trí Sĩ quan Truyền thông đầu tiên của Việt Nam tại Cộng hòa Trung Phi, có nhiều trải nghiệm về công việc, cuộc sống ở châu Phi. Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tôi hạnh phúc khi bạn bè quốc tế đều trân trọng khi biết tôi là người Việt Nam, khi 2 chữ “Việt Nam” được bạn bè quốc tế và người dân địa phương gọi lên đầy cảm mến. Tôi tự thấy mình phải luôn trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ, rèn bản lĩnh chính trị, phát huy năng lực, làm việc hiệu quả. Tôi yêu màu áo lính, mong được đóng góp vào sự phát triển chung bằng kiến thức được đào tạo, bằng sự tự tin khi làm việc trong môi trường quốc tế”.

Truyền thống Bộ đội Cụ Hồ luôn là sức mạnh, tạo đà trong tiến trình phát triển. Trân trọng và tri ân những người đã cống hiến hy sinh vì Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ hôm nay đã và đang phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nguyện ra sức phấn đấu, luyện rèn, tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ve-noi-khoi-nguon-khoi-day-ky-uc-hao-hung-676558.html