Về Phong Châu

Đường đi giữa nước non xanh

Miên man tiếng suối reo quanh Đền Hùng

Con từ xa lắc miền Trung

Nén hương thơm kịp về cùng nước non

Nghìn năm bậc đá đã mòn

Dẫu thôi tiếng gió vẫn còn thông reo

Lối vườn ngang tắt trước sau

Màu xanh áo lẫn trong màu xanh cây

Người về dưới núi hôm nay

Lối lên xe ngựa gió bay bụi đường

Lá vườn thơm xôi nếp hương

Áo em ướt mấy hạt sương lối mòn

Trông lên một khoảng trời tròn

Dưới kia đất biết có còn vuông không

Chàng Lang Liêu gặt hái xong

Cùng lên đền Thượng, lên cùng với ta

Tiếng gà - một sợi nắng trưa

Bỗng dưng làm một cơn mưa rửa đền

Bốn bề bát ngát bình yên

Lẫn trong thơm thảo của miền trung du

Bốn nghìn năm đến bây giờ

Non sông bay một ngọn cờ vàng sao

Con về vái đất Phong Châu

Vượt non cao, vượt sông sâu ngày về.

LÊ THÀNH NGHỊ

Lời bình:

Các nhà thơ khi viết về Đền Hùng, về vùng đất Phong Châu thường khai thác trầm tích bề dày truyền thuyết lịch sử của vùng đất huyền thoại ghi dấu ấn thời gian. Nhà thơ quân đội Lê Thành Nghị lại chọn cho mình tứ thơ “Về Phong Châu” với nhịp lục bát chậm rãi giàu chiêm nghiệm, dung dị mà sâu sắc, gợi mở bao liên tưởng ân tình. Một chút trầm mặc, một chút bâng khuâng, một chút hoài niệm giữa không gian trang nghiêm của Đền Hùng, của vùng đất Phong Châu.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có câu thơ rất hay trong chương “Đất Nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng”: “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”. Ở đây, nhà thơ Lê Thành Nghị: “Con từ xa lắc miền Trung/ Nén hương thơm kịp về cùng nước non”; về với: “Miên man tiếng suối reo quanh Đền Hùng”. Bắt đầu từ âm thanh tiếng suối như tiếng vọng cội nguồn, nguồn suối trong xanh, trong trẻo chảy từ ngày xưa đến hôm nay. Cái mạch nguồn cảm xúc ấy từ âm thanh tiếng suối và hương thơm khói hương tạo ra một không gian tâm tưởng để nhà thơ áo lính: “Màu xanh áo lẫn trong màu xanh cây” buâng khuâng bước lên: “Nghìn năm bậc đá đã mòn/ Dẫu thôi tiếng gió vẫn còn thông reo”. Đây là tiếng reo trong lòng người, trong âm hưởng, âm vọng của lịch sử. Thơ hay là mở ra được nhiều chiều tâm trạng. Nhà thơ thật tinh tế khi chọn cho mình một góc độ riêng để quan sát, để nghĩ ngợi, để chiêm nghiệm. Góc độ đó như một ống kính tâm hồn thu nhỏ cận cảnh: “Người về dưới núi hôm nay/ Lối lên xe ngựa gió bay bụi đường”. Âm thanh náo nức rạo rực của người về hội Đền Hùng vấn vương với hương thơm của “Lá vườn thơm xôi nếp hương”. Ta lại nhớ đến hình ảnh một nhà thơ đã ví vùng đồi trung du đất Tổ Hùng Vương có những quả đồi như những mâm xôi dâng lên đất trời - một phồn thực sinh sôi của nền văn minh lúa nước. Bất ngờ ta bắt gặp vẻ đẹp của người thôn nữ: “Áo em ướt mấy hạt sương lối mòn” trẻ trung thuần khiết trong trẻo đã làm bừng sáng làm trẻ lại cả một vùng đất Phong Châu có bề dày trầm tích lịch sử.

Chính hương thơm của xôi nếp từ đồng ruộng, vườn tược cho ta nhớ về truyền thuyết bánh chưng, bánh dày, trời tròn đất vuông. Một bâng khuâng tĩnh tại khi: “Trông lên một khoảng trời tròn/ Dưới kia đất biết có còn vuông không” như một câu hỏi tự vấn. Một xao xuyến, một bồi hồi, một Phong Châu vọng về bao hồi âm qua bao biến thiên của thời gian qua bao thăng trầm của lịch sử. Chỉ một câu hỏi thôi mà lay thức lòng người khi đứng trước sự trầm mặc trang nghiêm của Đền Hùng của đất Tổ. Thật sống động biết bao khi nhà thơ hòa nhập với: “Chàng Lang Liêu gặt hái xong/ Cùng lên đền Thượng, lên cùng với ta”. Vẻ đẹp lao động đó gợi cho ta nhớ về tiếng chày giã gạo “thậm thình” của tên một địa danh ở Phong Châu.

Bài thơ “Về Phong Châu” nhà thơ đã dùng thủ pháp bút họa để vẻ nên một Phong Châu như một bức tranh thủy mạc thấm sâu hồn quê kiểng: “Tiếng gà - một sợi nắng trưa/ Bỗng dưng làm một cơn mưa rửa đền”. Đây là một câu thơ tưởng như phi lý nhưng lại rất hợp lý với cảm xúc của nhà thơ. Một cơn mưa trong tâm tưởng mang đến sự thuần khiết hoang sơ rửa đi những bụi bặm đời thường và để mang về “Bốn bề bát ngát bình yên/ Lẫn trong thơm thảo của miền trung du”. Thơm thảo từ hương trầm thoang thoảng, thơm thảo cả vị nếp xôi thơm và thơm thảo cả tình người cả nước non khắp mọi miền Tổ quốc về với vùng đất Tổ Hùng Vương.

Khổ thơ cuối có một hình ảnh thoảng qua mà rất hay: “Bốn nghìn năm đến bây giờ/ Non sông bay một ngọn cờ vàng sao” gợi cho ta ngày thống nhất đất nước 30/4 non sông liền một dải, chung một ngọn cờ sao đúng với thời điểm nhà thơ viết bài thơ này sau năm 1975 khi: “Con về vái đất Phong Châu/ Vượt non cao, vượt sông sâu ngày về”. Nhà thơ áo lính đã đi qua một chặng đường lịch sử qua bao chiến trường để sau ngày đất nước thống nhất về thăm lại vùng đất Phong Châu với bao chiêm nghiệm với bao niềm thiêng liêng tôn kính.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/ve-phong-chau-a8b32a8/