Về Phúc Triền thăm đền thờ hai vị Tiến sĩ

Là một trong những làng thuộc đất học Cổ Bôn xưa (nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn), Phúc Triền nổi danh với nhiều người đỗ đạt, làm quan. Về Phúc Triền, ghé thăm Di tích đền thờ bia ký hai vị Tiến sĩ họ Lê Khả, hậu thế thêm phần kính ngưỡng về sự học của người xưa.

Di tích lịch sử văn hóa đền thờ bia ký hai vị Tiến sĩ họ Lê Khả ở làng Phúc Triền được trùng tu năm 2018.

Di tích lịch sử văn hóa đền thờ bia ký hai vị Tiến sĩ họ Lê Khả ở làng Phúc Triền được trùng tu năm 2018.

Cổ Bôn xưa còn được biết đến với tên gọi Tứ Bôn, Kẻ Bôn, Bồ Lô Trang là vùng đất cổ nổi tiếng văn vật. Xa xưa, cư dân Cổ Bôn đã tự hào với cảnh sắc làng quê tươi đẹp: “Có đâu bằng phong cảnh Cổ Bôn ta/ Trải bốn mùa đàn độc xướng ca/ Kể trong trấn Thanh Hoa là đệ nhất”. Không chỉ vậy, người Cổ Bôn còn nổi tiếng bởi sự chịu thương, chịu khó, chẳng ngại vất vả sớm hôm để thực hiện khát vọng thi cử đỗ đạt. Đến nay, trong dân gian vùng đất cổ còn lưu truyền những câu ca ngợi sự tảo tần của người phụ nữ: “Em là con gái Kẻ Bôn/ Đi bán trầu miếng nuôi chồng đi thi/ Ba năm chàng đỗ kinh kỳ/ Chàng đi ngựa tía, thiếp đi võng đào”.

Trong lịch sử khoa cử thời phong kiến, Cổ Bôn là một trong những vùng đất có số lượng người đỗ đạt nhiều ở xứ Thanh. Có thể kể đến: Hoàng giáp Lưu Ngạn Quang; Nguyễn Văn Nghi đỗ Đệ Nhất giáp chế khoa, làm đến chức Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sỹ, từng là thầy dạy hai vị vua Lê; Hoàng giáp Nguyễn Văn Lễ; Tiến sĩ Cao Cử; Thám hoa Thiều Sỹ Lâm... “Kể từ khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên đến năm 1919 ở Đông Thanh có tới 8 người đỗ Đại khoa” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Đông Thanh). Và trong số đó, còn có hai vị Tiến sĩ của dòng họ Lê Khả là Lê Khả Trù và Lê Khả Trinh - người làng Phúc Triền.

Lê Khả Trù đỗ Tiến sĩ năm 1628 dưới triều vua Lê Thần tông. Từ nhỏ, Lê Khả Trù đã nổi tiếng hay chữ. Chính ông với văn tài của mình đã soạn văn bia “Nguyễn Tướng công” ca ngợi tài đức, công lao của Đăng Quận công Nguyễn Khải (cũng là người Cổ Bôn, là con trai của Nguyễn Văn Nghi). Hiện văn bia còn được lưu giữ tại Di tích cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Văn Nghi. Không chỉ có văn tài, Tiến sĩ Lê Khả Trù còn là vị quan thanh liêm, chính trực, ông làm đến chức Hộ khoa Đô cấp sự trung, được vua Lê - chúa Trịnh tin dùng.

Nối dòng khoa bảng của Tiến sĩ Lê Khả Trù, cháu ông là Lê Khả Trinh (có tài liệu viết Lê Khả Trinh là cháu nội Lê Khả Trù, lại có tài liệu cho rằng Lê Khả Trinh gọi Lê Khả Trù là chú ruột?!) đã thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ. Cũng như tiền nhân, Lê Khả Trinh cũng nổi tiếng hay chữ, thông minh xuất chúng. Bởi vậy, năm 24 tuổi đã thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân trong khoa thi năm Bính Thìn (1676). Làm quan đến chức Hiến sát sứ (sách Các nhà khoa bảng Việt Nam).

Còn theo một số tài liệu lưu giữ tại dòng họ Lê Khả: Lê Khả Trinh chỉ thi Đình có một lần là đỗ ngay. Trong đề thi năm đó nội dung nói về các loại kinh của Nho gia và đường lối trị nước qua các triều đại... Ngoài học vấn uyên thâm thì Lê Khả Trinh còn là người có tài ứng đối với các phép trị nước an dân.

Sách Lịch sử Đảng bộ xã Đông Thanh cũng dành sự trân trọng cho hai vị Tiến sĩ dòng họ Lê Khả: “Dòng họ này không chỉ giỏi về thơ văn, có tài trị nước, an dân, được triều đình trọng dụng, Nhân dân kính nể”.

Với sự kính trọng đó, sau khi hai vị Tiến sĩ họ Lê Khả qua đời, con cháu dòng họ và người dân Phúc Triền đã lập dựng đền thờ phụng, tưởng nhớ.

Nếu như tài năng của hai vị Tiến sĩ dòng họ Lê Khả tỏa sáng rực rỡ thì ngôi đền thờ hai ông trong không gian làng quê Phúc Triền lại khiêm nhường - như chính cuộc đời làm quan thanh liêm, chính trực.

Dẫn chúng tôi ghé thăm di tích, ông Thiều Sỹ Đức, Trưởng thôn Phúc Triền hồ hởi chia sẻ: “Ở Phúc Triền chúng tôi từ xưa đến nay, sự học luôn được coi trọng, đề cao. Những người đỗ đạt, lại đức độ như các cụ Lê Khả Trù, Lê Khả Trinh thời nào cũng được kính trọng, nhắc nhớ để cho cháu con noi theo”.

Tại đền thờ bia ký hai vị Tiến sĩ họ Lê Khả hiện còn lưu giữ hai sắc phong và nhiều hiện vật cổ xưa.

Tại đền thờ bia ký hai vị Tiến sĩ họ Lê Khả hiện còn lưu giữ hai sắc phong và nhiều hiện vật cổ xưa.

Thắp nén tâm hương thành kính lên ban thờ tiền nhân, bà Nguyễn Thị Ngọc, con dâu dòng họ Lê Khả hiện đang trông coi Di tích lịch sử văn hóa đền thờ bia ký hai vị Tiến sĩ họ Lê Khả, cho biết: “Tôi nghe các vị cao niên trong dòng họ kể lại, đền thờ đã có lịch sử lập dựng cũng mấy trăm năm rồi. Thế hệ cháu con cứ đời nối đời trông coi, gìn giữ và chăm lo hương khói cho các cụ”.

Đền thờ hai vị Tiến sĩ họ Lê Khả được lập dựng với kiến trúc truyền thống của người Việt, được chống đỡ bởi hệ thống cột gỗ (cột cái, cột quân) chắc chắn. Được “tô điểm” bởi những bức chạm hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Trải qua biến thiên thời gian, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2018, di tích được trùng tu với kinh phí hơn 700 triệu đồng.

Tại di tích hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ xưa, có “tuổi đời” hàng trăm năm, như: Câu đối; bốn con nghê gỗ chạm trổ tinh xảo; kiếm gỗ thờ; long ngai, giao ỷ; hai sắc phong... Và đặc biệt còn có ba văn bia dựng thời Nguyễn với nội dung ngợi ca công đức của các vị tiên hiền dòng họ Lê Khả. Từ các hiện vật còn lưu giữ và nội dung các văn bia tại đền thờ hai vị Tiến sĩ dòng họ Lê Khả, các nhà nghiên cứu nhìn nhận đây là tư liệu quý - căn cứ để hậu thế hiểu hơn về một vùng đất nổi tiếng văn vật của xứ Thanh nói chung và truyền thống khoa bảng của dòng họ nói riêng, từ đó góp phần khẳng định sự vẻ vang của đất học Cổ Bôn. Qua những tư liệu, cũng “hé lộ” thêm cách thức, thể thức tôn vinh người tài đức của Nhân dân ta (theo Lý lịch di tích đền thờ hai vị Tiến sĩ họ Lê Khả thôn Phúc Triền).

Là lần thứ hai về đất Cổ Bôn ghé làng Phúc Triền, tôi như có dịp hiểu hơn về “mạch nguồn” chảy mãi ở nơi đây. Đó không chỉ là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của những con người tài hoa. Mà còn được “tiếp nối” bởi niềm tự hào, sự ý thức trách nhiệm của những thế hệ...

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam; Lịch sử Đảng bộ xã Đông Thanh và một số tài liệu lưu giữ tại dòng họ).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ve-phuc-trien-tham-den-tho-hai-vi-tien-si-31845.htm