Về Quần Tín để nhớ lại một thời văn nghệ kháng chiến
Làng Quần Tín, xã Thọ Cường (Triệu Sơn) hình thành từ trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Từ những năm 1947 đến 1954, nơi đây là trụ sở làm việc của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam cũng như một số nhà quân sự, chính trị nổi tiếng.
Giếng cổ làng Quần Tín nằm trong kế hoạch phục hồi, tu bổ, bảo quản.
Nhà thơ Tố Hữu trong “Nhớ lại một thời” đã viết về giai đoạn văn nghệ sĩ Hà Nội sơ tán về Thanh Hóa ở làng Quần Tín: “Tại đây, họ mở lớp dạy cho những anh chị em trẻ. Nhờ đó có những tài năng mới nhanh chóng trưởng thành như Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung...” Còn GS. Đặng Anh Đào trong hai cuốn hồi ký: “Tầm xuân và những kí ức muộn”, “Hoài niệm và mộng du” đã viết: “Quần Tín, cái nơi khỉ ho cò gáy ấy, hóa ra lại là nơi hội tụ anh tài”; “Ngôi làng Quần Tín là nơi tập trung đông đúc nghệ sĩ hơn bất kỳ một vùng thôn dã nào ở xứ này”; “Thời gian sống ở đó là một trong những thời kỳ vui vẻ nhất đối với tôi. Không phải đi học, bạn bè thì đã có một lô con cái các gia đình văn nghệ sĩ. Ngoài nhà ông Vũ Ngọc Phan, còn có gia đình các bác Việt Thường, Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư, Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh. Tôi được đi học vẽ, thầy là họa sĩ Sĩ Tửu và Nguyễn Văn Tỵ”... Thậm chí, sau này có lần về lại Quần Tín, GS. Đặng Anh Đào vẫn còn nhớ: “Quần Tín, đó là mùi hoa dẻ, một thứ giống như hoa móng rồng”. Và còn rất nhiều trang nhật ký, hồi ký đã được các văn nghệ sĩ từng sống ở Quần Tín viết ra.
Cái tên làng Quần Tín có từ thế kỷ XIV, khi Lê Lợi hành quân qua, nghỉ lại đã được dân làng đón tiếp, chu cấp lương thảo. Ban đêm ông được thành hoàng làng báo mộng rằng: “Sáng sớm nhà ngươi ra giếng làng, thấy làn khói bốc lên từ giếng bay về hướng nào thì tiến quân về hướng ấy, ắt thắng trận”. Thắng trận quay về, Lê Lợi sắc phong, ban thưởng đặt tên cho làng là Quần Tín (nơi hội tụ điều tín nghĩa).
Giai đoạn làng Quần Tín được nhắc nhiều trong các tư liệu lịch sử, sách báo là từ năm 1947 đến 1954. Sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm1946, khu Bốn nói chung và Thanh Hóa nói riêng là vùng tự do, vì thế nhiều cơ quan Trung ương và Hà Nội đã chọn làm nơi sơ tán. Làng Quần Tín là nơi tập hợp những văn nghệ sĩ lớn của cả nước - một trung tâm đào tạo cán bộ văn hóa cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc sau này. Thời điểm đó, nơi đây là trụ sở làm việc của Hội VHNT Việt Nam (sau này là Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) cũng như một số nhà quân sự, chính trị nổi tiếng. Tại ngôi làng này Đại học Văn hóa - trường văn hóa - nghệ thuật đầu tiên được mở, do nhà văn Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Các giảng viên của trường là: Nguyễn Lương Ngọc, Hải Triều, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Tôn Quang Phiệt, GS. Đào Duy Anh. Ngoài ra, còn có các nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn tham gia giảng dạy như: Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Tố Hữu, “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn...
Từ ngôi trường này, nhiều học viên đã thành đạt, trở thành những người nổi tiếng trên các lĩnh vực, như các đồng chí: Phan Diễn - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Mạnh Cầm - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Giáo sư, họa sĩ Vũ Giáng Hương - Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Vũ Tú Nam - Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; Hoàng Trung Thông - Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam; Thanh Hương - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam cùng nhiều nhà văn, nhà thơ khác.
Cũng từ đây, nhiều tác phẩm VHNT nổi tiếng sống mãi với thời gian đã được sáng tác như: “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan; “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông; “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ; “Phá đường” của Tố Hữu... hay các tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng của xưởng Quần Tín như: Cái bát (Tình quân dân) - sơn mài của Nguyễn Sĩ Ngọc; tranh in đá về du kích Cảnh Dương của Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn; Hạnh phúc - phù điêu đắp nổi của Nguyễn Thị Kim...
Đặc biệt, gia đình Hoàng thân Xu-Va-Nu-Vông (Lào) đã được bà con trong làng Quần Tín che chở, bảo vệ an toàn trong thời gian lưu trú từ tháng 2-1950 đến tháng 2-1951.
Với tất cả những giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng ấy, nhiều năm qua mong muốn của các cấp lãnh đạo và bà con Nhân dân xã Thọ Cường là có một Khu văn hóa lưu niệm phục vụ Nhân dân và làm "địa chỉ đỏ” về nguồn cho các thế hệ mai sau. Từ năm 2009, UBND huyện Triệu Sơn đã tiến hành khảo sát và cho lập dự toán thiết kế xây dựng nhà bia. Đến năm 2011, huyện Triệu Sơn tiếp tục làm tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xin xây dựng nhà bia tưởng niệm. Cũng trong thời kỳ này, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã có công văn gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất về chủ trương, đề nghị Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng Khu văn hóa lưu niệm tại làng Quần Tín.
Niềm vui lớn nhất tại thời điểm đó là địa điểm Khu lưu niệm Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (thời kỳ 1947-1954) làng Quần Tín đã được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2013.
Là người con của xã Thọ Cường - bà Nguyễn Thị Thanh, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Thọ Tiến (Triệu Sơn) vẫn còn lưu giữ rất nhiều tài liệu liên quan đến việc đề nghị xây dựng Nhà bia tưởng niệm và ghi danh đội ngũ văn nghệ sĩ kháng chiến thời kỳ 1947-1954. Đặc biệt là 2 bức thư mà nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm và Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm gửi cho cá nhân bà, trong đó đều khẳng định Quần Tín là một địa danh văn hóa có tên tuổi trong kháng chiến chống Pháp và cả về sau này. Quần Tín cần có một nhà bia ghi dấu xứng đáng cho văn hóa cả nước, làm cơ sở “về nguồn” cho các thế hệ mai sau.
Kể từ khi được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh đến nay vừa tròn 10 năm, địa điểm Khu lưu niệm Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (thời kỳ 1947-1954) vẫn chỉ nằm trên giấy với các phương án thiết kế, quy hoạch, tôn tạo. 11 hộ dân trong làng nơi có văn nghệ sĩ ở đã tình nguyện hiến đổi 7.000m2 đất để quy hoạch Di tích Quần Tín (khu vực 1), vị trí xây dựng nhà bia và một số ngôi nhà cổ khác vẫn luôn chờ đợi sự vào cuộc của các cấp, ngành. Đến nay, 22 điểm di tích vệ tinh và các ngôi nhà của ông Tơ Lai, ông Bản Luận, ông Tổng Xá, ông Cát Kỳ, ông Thúy đã không còn nguyên vẹn, hầu hết đã bị tháo dỡ, chỉnh sửa.
Bà Lê Thị Én năm nay đã 86 tuổi, song nhớ rất rõ việc gia đình “cụ chủ tịch Thanh Hóa” - cách mọi người gọi Chủ tịch Đặng Thai Mai - được bố trí ở nhà mình. “Tôi còn được các con gái cụ chủ tịch là Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào... dắt đi chơi, đi học”. Căn nhà gỗ 5 gian của gia đình bà theo thời gian cũng đã xuống cấp, thay đổi gần hết.
Qua nhiều năm “lãng quên”, gần đây - ngày 19-6-2023, Văn phòng Tỉnh ủy đã có Công văn số 3963-CV/VPTU về chủ trương phục hồi, tu bổ, bảo quản và phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954 tại làng Quần Tín, xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn. Cụ thể là phục hồi, tu bổ, bảo quản giếng cổ; xây mới bia lưu niệm sự kiện và nhà bia; xây dựng mới nhà lưu niệm; xây dựng mới các công trình phụ trợ... với tổng mức đầu tư dự án không quá 12 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh không quá 10 tỷ đồng; ngoài ra là vốn ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác không quá 2 tỷ đồng.
Chia sẻ niềm vui này, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thọ Cường Phạm Xuân Kỳ cho biết: Năm 2011, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sau khi về thăm Quần Tín đã viết lá thư gửi lãnh đạo tỉnh có nội dung: Quần Tín là một địa chỉ quan trọng về văn hóa - lịch sử của Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp cần được ghi nhận và tiếp tục phát huy trong thời kỳ tới. Nhiều nhà văn hóa, trí thức và văn nghệ sĩ cũng mong muốn có hình thức ghi nhớ đóng góp của địa phương Quần Tín để phát huy văn hóa dân tộc. Nhiều năm đã qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thọ Cường rất mong Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954 được phục hồi, tu bổ, bảo quản, để nơi đây trở thành địa chỉ “về nguồn” mà mọi người có thể đến và tưởng nhớ về một thời hào hùng của dân tộc ta nói chung và văn nghệ sĩ kháng chiến nói riêng.