Về Quang Bình xem phụ nữ Tày đan nón lá hai mê

Nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người dân, những năm qua, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) đã chú trọng công tác phát triển các làng nghề truyền thống. Một trong những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày ở đây là nghề đan nón lá.

 Phụ nữ Tày đan nón lá ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Phụ nữ Tày đan nón lá ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, dân tộc Tày chiếm 80% số dân trên địa bàn. Trong những năm qua, xã Xuân Giang đã đẩy mạnh công tác khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc và phục vụ cho hoạt động du lịch của địa phương.

Nghề truyền thống đan nón lá hai mê của người dân trên địa bàn xã đang dần trở thành một nghề mang lại thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ. Toàn xã hiện có khoảng 60 hộ thường xuyên tham gia thực hiện làm nón. Cứ vào mùa nông nhàn, các chị em thường tổ chức làm những chiếc nón mang đậm truyền thống của dân tộc mình nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và phát triển du lịch.

Toàn xã Xuân Giang hiện có khoảng 60 hộ thường xuyên tham gia làm nón

Toàn xã Xuân Giang hiện có khoảng 60 hộ thường xuyên tham gia làm nón

Chiếc nón lá 2 mê từ bao đời nay đã là công cụ hữu ích để che mưa che nắng trong công việc đồng áng của người Tày. Những năm gần đây, chiếc nón lá cũng được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích.

Để làm ra được một chiếc nón hai mê, trước tiên là cần sự tỉ mỉ trong việc chọn cây giang để đan thành khuôn nón. Công đoạn đan khuôn nón cũng yêu cầu người thợ phải có kỹ thuật đan thành thục. Lá cọ non được lựa chọn kỹ lưỡng và hong qua lửa mềm rồi mới được đặt vào giữa hai mê nón. Đây là công đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi nhiều công phu và sự cẩn thận, chỉ một chút sơ xẩy là có thể bị rách và lệch so với hai mê nón.

Đối với hai mê nón, chúng được cất lên gác bếp để bồ hóng bám vào vừa không bị mối mọt vừa thành màu đen đặc trưng. Chiếc nón đối với người Tày không chỉ là vật che mưa, che nắng mà còn có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới, hỏi. Nón được trao cho cô gái khi về nhà chồng, là vật kỷ niệm của cha mẹ với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng con.

Nghề đan nón lá hai mê giúp phụ nữ nơi đây tự chủ về kinh tế, duy trì bản sắc dân tộc

Chị Lưu Kiều Oanh (35 tuổi, ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình) cho biết: "Nhờ nghề đan nón được khôi phục mà tôi có thêm chi phí cho các con ăn học. Nhìn thấy những du khách đội chiếc nón mình đan, tôi cũng thấy vui lắm". Ngoài làm đồng áng, công việc đan nón hai mê giúp chị Oanh có thêm 5-7 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Chiều Xuân (60 tuổi ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình) nói: "Khoảng 10 – 15 năm về trước, thanh niên trong xã đều quay mặt với nghề đan nón truyền thống này bởi đan xong cũng không bán được. Những người già như chúng tôi buồn lắm vì nghề truyền thống của ông cha cứ càng ngày càng mất đi. Nhưng mấy năm trở lại đây, giới trẻ đã bắt đầu học đan. Nghề đan nón giúp phụ nữ tại địa phương có thêm thu nhập và làm chủ được cuộc sống của mình".

Nhằm khôi phục và phát triển nghề đan nón hai mê truyền thống, thời gian qua, UBND huyện Quang Bình đã tổ chức các lớp bảo tồn và phát triển nghề đan nón lá phục vụ phát triển du lịch. Các lớp bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống xa xưa của dân tộc mình góp phần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng trong việc bảo tồn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là bước đầu trong việc gắn nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch, hướng tới hình thành những mô hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề.

Thục Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ve-quang-binh-xem-phu-nu-tay-dan-non-la-hai-me-20230921114116493.htm