Về Quảng Nam đi cào ốc gạo
Một người đi cào ốc gạo kiếm được khoảng 500.000 đồng/ngày, có khi cả triệu đồng.
Những ngày này, dọc biển ở huyện Núi Thành, TP Tam Kỳ và TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) có khá nhiều người đi cào ốc gạo (hay còn gọi ốc ruốc, ốc lể) để về bán.
Ốc gạo chỉ to bằng khuy áo, dùng gai để lể. Loại ốc này thường xuất hiện nhiều từ tháng 12 âm lịch đến tháng 4 năm sau bởi đây là thời gian ốc lớn, dạt vào bờ và thịt béo, thơm...
Đây cũng là thời gian một số người dân ven biển Quảng Nam lại rộn ràng cào ốc. Họ dậy từ 3 giờ sáng (kết thúc lúc 7 giờ), đi từng tốp 3 - 10 người, dụng cụ là cây cào lưới dài 2 m, thùng, rổ rá... rồi ra đoạn cách bờ biển khoảng 30 m để cào ốc.
Theo người dân, ốc gạo cào lên được thương lái đến mua trực tiếp tại biển hoặc người dân đem về chế biến rồi bán lẻ từng lon (lon gạo). Một người trung bình kiếm khoảng 500.000 đồng/ngày, có khi cả triệu đồng nếu ốc nhiều.
"Hôm nào trời lặng thì cào ốc không khó gì, còn hôm biển động thì đánh vật với con sóng hơi vất vả" - chị Trần Thị Nga (ngụ xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho hay.
Theo thương lái, ốc to sẽ được bán cho một số người dân chế biến lại bán lẻ, còn ốc nhỏ cung cấp cho người nuôi tôm hùm ở tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.
Với người dân Quảng Nam, đây là món "đặc sản" được nhiều người ưa chuộng, có thể tụm 5, tụm 7 ngồi hàng giờ bên nhau lể từng con ốc để thưởng thức.
Một số người nấu ốc lâu năm cho biết để ốc ngon thì khâu chọn ốc và chế biến rất quan trọng. Ốc cào về được ngâm và rửa trong nước tầm 5 giờ cho ốc nhả sạch cát rồi được nấu trong nước sôi khoảng 5 phút. Sau đó cho gia vị là gừng, sả, muối, hành phi thơm, mắm... là xong. Vị ốc đậm bùi, béo, cay nồng trong miệng, càng ăn thì càng bị cuốn hút, mê mẩn.
Người dân cào ốc cho hay mấy năm nay người đi cào ốc đã dần ít hơn, ốc trên biển cũng không còn nhiều như trước dù đây là nghề kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ve-quang-nam-di-cao-oc-gao-196240213095755217.htm