Về quê

Đều ở tuổi ngoại thất tuần, vợ chồng ông Lâm có 'chiến tranh lạnh'. Vốn là người chiều chồng, thương con, suốt gần 5 chục năm sống chung, rất ít khi bà Hợi làm trái ý chồng. Ông Lâm vẫn hay hỉ hả nói với bạn bè, con cháu: Tôi có chút thành công trong sự nghiệp, chính là nhờ bà ấy.

Vậy mà bà thay đổi, có vẻ trầm lặng, không kể với ông những câu chuyện gom được ở lớp yoga hay lúc đi chợ. Cơm vẫn lành, canh vẫn ngọt, bữa chiều ông vẫn có món nhắm để uống ly rượu thuốc nhưng xem ra bà có vẻ không vui. Nguyên nhân thì ông Lâm biết, nhưng lần này ông cũng không muốn nhượng bộ như ông vẫn làm khi hai vợ chồng có ý kiến khác nhau.

 Minh họa: Hiền Nhân.

Minh họa: Hiền Nhân.

Chuyện là ông Lâm ngỏ ý muốn hai vợ chồng về quê sống. Sẵn miếng đất ông bà để lại vẫn giao cho người em họ trông nom ông sẽ xây một ngôi nhà nhỏ, làm một mảnh vườn, trồng ít rau, hoa, thả mấy con gà. Thoạt nghe, bà Hợi chỉ cười, nghĩ đó là một ý tưởng bốc đồng của ông chồng hơi có tính nghệ sĩ, sẽ qua đi nhanh chóng. Nhưng không, lần này đó là một ý nghĩ nghiêm túc. Vậy nên bà đã phải có cuộc nói chuyện nghiêm túc cùng ông:

- Ông nghĩ sao thế. Bao năm mình ở thành phố, giờ về quê sao được. Mà con cái, bạn bè… ở đây cả.

- Thì mình có ở hẳn một chỗ đâu. Tôi muốn có chỗ đi về. Mà ở quê, tôi sẽ bớt tụ tập bè bạn, dành thời gian viết nốt cuốn sách…

Ý định ấy của ông Lâm hình thành sau lần về quê ở ít hôm. Cũng đã lâu lắm, ông Lâm không ngủ lại quê. Suốt bao năm, mỗi khi ở quê có giỗ Tết, hiếu hỉ, ông chỉ tranh thủ về dự rồi lại sấp ngửa trở lại Hà Nội theo dòng cuốn công việc bận rộn của người đứng đầu một tờ nhật báo. Về hưu, có thời gian dư dả hơn, cũng là lúc con đường về quê như ngắn lại. Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đã thông, quãng đường gần bảy chục cây số tới cái thị trấn Kép quê ông chỉ hơn một giờ xe chạy. Cũng bởi vậy nên ông Lâm năng về quê hơn, nhiều khi chẳng có việc gì, ông cũng chạy xe về, chỉ là thắp nén nhang trên ban thờ các cụ nơi nhà thờ họ, ăn với mấy chú em bữa cơm, nhưng cũng không ngủ lại. Và rồi từ cái đận về quê ấy, ông nảy ra ý định làm một căn nhà nho nhỏ làm chỗ thường xuyên đi về.

* * *

Được sinh ra ở Hà Nội, nhưng cậu bé Lâm có tuổi thơ khá gắn bó với quê nhà, nơi khi đó còn có bà nội và các cô chú sinh sống. Mỗi năm ít nhất hai lần, vào những ngày hè và dịp Tết, mấy anh chị em thường được bố mẹ cho về Kép, một thị trấn vùng trung du của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Chẳng mấy chốc, trên vạt đồi trông ra tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn mọc lên ngôi nhà nhỏ xinh xinh. Từ đây, mỗi buổi sáng ông có thể nghe tiếng còi tàu, ngắm những chuyến tàu ngược xuôi, những âm thanh hình ảnh khiến ông nhớ về những kỷ niệm một tuổi thơ êm đềm. Và không chỉ có kỷ niệm, với những gì thấy được, cảm được ở vùng đất này ông Lâm hy vọng những trang viết của mình sẽ khiến nhiều người con xa xứ hướng về quê hương đang đổi mới từng ngày…

Đi tàu về quê không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng vậy, cậu bé Lâm luôn dán mắt qua khung cửa sổ, mê mải ngắm phong cảnh trôi qua hai bên đường. Từ lúc tàu qua cầu Long Biên với những nhịp dầm thép mang hình tượng một con rồng uốn khúc trên sông Hồng mênh mang đỏ sậm phù sa, qua sông Đuống xanh trong yên bình, phong cảnh cứ trôi qua như những bức tranh. Đến lúc đoàn tàu sầm sập, ào ào, lắc lư… lăn bánh vào cây cầu sắt bắc ngang dòng sông Thương là biết đã tới Bắc Giang.

Thường những lúc ấy cha Lâm hay chỉ cho mấy anh chị em nhìn thật kỹ sông Thương nước chảy đôi dòng. Thời gian tàu chạy qua cầu chỉ mấy phút nhưng những cặp mắt trẻ thơ cũng kịp nhận ra đúng là con sông Thương đoạn chảy qua thị xã Bắc Giang chia thành hai dòng rõ rệt. Phía bờ Nam, hướng từ Hà Nội lên thì vàng mịn phù sa, bên phần bờ còn lại xanh trong vời vợi.

Quê ở Kép, khi ấy thuộc tỉnh Hà Bắc. Mỗi khi được hỏi quê hương, dù trong một lần phỏng vấn để xin việc hay trả lời câu hỏi tếu táo của cánh lính trên con đường Trường Sơn kiểu “đồng hương ơi, quê đâu đấy?” Lâm đều xưng mình quê Bắc Giang mà chẳng hề bật ra cái địa danh Hà Bắc. Cũng như gốc gác dòng họ ở Thường Tín, Hà Tây cũ. Cụ Tổ chi họ lên Bắc Giang lập nghiệp rồi con cháu lấy vùng đất này làm quê. Giờ ai hỏi quê gốc ở đâu, ông Lâm vẫn thích nói quê xứ Đoài hơn quê Hà Nội.

Không bao giờ ông Lâm quên những ngày hè thuở ấu thơ ấy. Mấy anh em cùng lứa 9-10 tuổi tha hồ trèo ổi, lên đồi hái sim, thơ thẩn bên cầu ao câu cá, lấy chiếc cần câu bôi nhựa mít dính con chuồn chuồn ngô đang ngủ gật trên cây cọc ven bờ ao. Sau một ngày nghịch ngợm, đất cát, lũ trẻ được người lớn đưa ra cái giếng có thành xây bằng gạch, sâu hút, nước trong vắt, mát rượi. Vui nhất là những bữa cơm chiều. Những chiếc chiếu được trải ra chiếc sân gạch quét sạch sẽ. Lũ trẻ chí chóe tranh nhau ngồi gần bà nội mà mắt vẫn canh chừng nhìn ra phía đường tàu để xem một “tiết mục” hấp dẫn: Người công nhân nhà ga leo lên treo chiếc đèn tín hiệu lên cột cao ven đường tàu. Và bao giờ cũng vậy, cả lũ lại đồng thanh: Chúng cháu mời ông treo đèn ăn cơm ạ!

Cũng có thời gian cậu bé Lâm cùng đám anh em ở Hà Nội được về quê lâu lâu. Ngày 5/8/1964, Mĩ dùng không quân đánh phá vào Vinh, Lạch Trường, Hồng Gai, Cảng Gianh… Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ chính thức bắt đầu. Khả năng không quân Mỹ đánh Hà Nội đã rõ. Người dân Hà Nội được lệnh đi sơ tán. Có một chuyện khá vui, chứng tỏ sự ngây thơ về thời cuộc của cha mẹ ông Lâm. Khi tìm địa điểm cho lũ nhóc đi sơ tán, các vị phụ huynh nghĩ ngay đến quê Kép, nơi có họ hàng thân thích đang sinh sống. Thế là cả lũ được đi tàu hỏa về quê, sống với chú thím. Ngặt một nỗi lúc đó Kép đang là một trong những mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ, bởi có sân bay quân sự và nhà ga đầu mối của tuyến đường sắt liên vận quốc tế qua Lạng Sơn về Hà Nội, rồi đi cả Thái Nguyên, Quảng Ninh.

Những năm đó, Kép trở thành một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, nhất là trong chiến tranh phá hoại lần thứ 2, năm 1972. Giờ ở trung tâm thị trấn vẫn còn tượng đài Chiến thắng B52 và thị trấn Kép là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cậu bé Lâm không thể quên cảm giác lần đầu tiên được nhìn thấy những chiếc MiG-17 bay theo đội hình 3 chiếc một trên bầu trời. Vậy là sau ít hôm về quê, ngày ngày bà thím nắm cho mấy nắm cơm để vào làng Sậm sơ tán thứ cấp, Lâm cùng mấy anh em họ lại được bốc về Hà Nội để mỗi đứa đi sơ tán theo cơ quan của bố mẹ về các vùng quê của Bắc Ninh, Hải Dương…

* * *

Dường như tuổi càng cao, người ta càng nghĩ nhiều, nhớ nhiều tới quê hương bản quán. Gần đây, ông Lâm hay nằm mơ về quê nhà, thấy mình như đang ở thị trấn miền trung du nhỏ xinh, nằm ven con đường thiên lý dẫn đến miền biên cương xứ Lạng. Trong cơn mơ, những kỷ niệm cũ cứ ẩn hiện, khi như đang diễn ra, lúc lại lùi đi xa lắc…

Lạ một điều là trong những giấc mơ ấy rất nhiều khi có hình ảnh của sân ga nhỏ cùng những chuyến tàu đi về. Lúc thì là cảnh cậu bé Lâm cùng cha mẹ tay xách nách mang về quê nghỉ hè, khi là chàng sinh viên văn khoa cùng bạn nhảy tàu trốn vé. Và bao giờ cũng vậy, ông Lâm thức dậy trong nỗi nhớ quê và không thể ngủ lại. Điều mà ông hay nhớ đó là hình ảnh sân ga mỗi lúc tàu đến, với tấp nập người lên xuống cùng những tiếng rao hàng nước, hàng quà. Gần đây, nỗi nhớ ấy càng đậm hơn khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, Kép sẽ trở thành một trong những nhà ga đầu mối trung chuyển hàng hóa liên vận quốc tế, nơi lập tàu và đón tàu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế đến và đi từ các nước châu Âu, Trung Quốc, Nga…

Vậy là ông về quê với ý định sẽ ở lại ít hôm. Khỏi phải nói các chú em ở quê vui thế nào. Ông Lâm cũng vui không kém. Đang tuần trăng, mấy anh em kê bàn ra sân, dưới bóng cây bưởi già uống rượu. Bữa ấy ông Lâm phá lệ, không từ chối những chén rượu mời của mấy chú em.

Đêm ấy ông Lâm ngủ một mạch, không mộng mị. Buổi sáng, ông lấy chiếc xe đạp thể thao của chú em, dạo một vòng. Đi mới thấy, thị trấn quê mình đã đổi khác. Không chỉ đường sá, nhà cửa, ngay cả nếp sống của người dân cũng thay đổi. Người đạp xe, người tập dưỡng sinh, yoga, khiêu vũ thể thao… Trên các con đường nhựa phẳng lì nối từ thị trấn đi Hương Sơn, sang Yên Thế từng tốp người đạp xe, đi bộ, nhiều người cũng trạc tuổi ông. Đã lâu ông Lâm mới có cảm giác thư thái, sảng khoái như thế. Vừa thong thả đạp xe, ông hít căng lồng ngực bầu không khí tươi mát, thấm đẫm hương lúa đang trổ đòng. Theo con đường trải bê tông nhựa phẳng lì, ông tìm đường lên ga Kép. Sân ga buổi sáng khá vắng vẻ. Mấy anh nhân viên nhà ga ngồi bên chiếc bàn đá kê dưới bóng cây bàng già uống trà. Ông dựng xe, sà vào tự giới thiệu là người quê Phố Kép. Thấy ông băn khoăn về cảnh đìu hiu của nhà ga, một anh mặc đồng phục đường sắt, đưa tận tay ông tách trà nóng hổi, bỗ bã:

- Bố yên tâm, ít hôm nữa là đông vui. Ga Kép này sẽ là ga đầu mối trung chuyển hàng hóa quốc tế bố ạ. Chỉ sợ ít nữa bố về đây lại kêu đông đúc quá…

- Cũng mong là thế…

- Nhất định là vậy, mà bố về đây dưỡng già đi. Thị trấn có quy hoạch rồi, nay mai kém gì Bắc Giang, Hà Nội…

Những tưởng đó chỉ là lời nói chơi, hóa ra cái ý tưởng ấy cứ bám chặt vào tâm trí ông Lâm suốt mấy hôm ở quê. Lại thêm mấy chú em cùng lũ cháu hùn vào. Vậy là ông ngỏ ý với bà.

* * *

Lời qua tiếng lại, đến lúc ông Lâm nói đến câu, giờ tôi còn sức khỏe nhưng mà ai biết thế nào. Tôi muốn làm xong những việc mình dự định… thì bà biết là ý ông đã quyết. Sau một vài lần cùng ông về quê, bà đâm thấy thích cái ý tưởng của ông lúc nào không hay. Vốn là kiến trúc sư, bà xăng xái vẽ kiểu, rồi đích thân gọi thợ, trông nom việc xây dựng, và say với công trình nho nhỏ này hơn cả ông. Chẳng mấy chốc, trên vạt đồi trông ra tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn mọc lên ngôi nhà nhỏ xinh xinh. Khi vẽ kiểu, bà khéo léo dành lại cây mít cổ, mấy cây ổi còng cùng cây bưởi có tuổi ngót nửa thế kỷ khiến ngôi nhà vẫn được che bởi những tán lá xanh mát. Bàn viết của ông được đặt ngay bên cửa sổ, nhìn về hướng Đông. Từ đây, mỗi buổi sáng ông có thể nghe tiếng còi tàu, ngắm những chuyến tàu ngược xuôi, những âm thanh hình ảnh khiến ông nhớ về những kỷ niệm một tuổi thơ êm đềm. Và không chỉ có kỷ niệm, với những gì thấy được, cảm được ở vùng đất này ông Lâm hy vọng những trang viết của mình sẽ khiến nhiều người con xa xứ hướng về quê hương đang đổi mới từng ngày…

Trong tiệc mừng tân gia, ông Lâm nâng ly rượu với niềm xúc động: Vậy là vợ chồng tôi đã về quê. Cảm ơn tất cả mọi người đã đến chia vui. Và đặc biệt, cảm ơn bà, vị thần hộ mệnh của tôi…

Sẵn đà phấn hứng trong men rượu, ông vòng tay ôm qua vai bà, lúc ấy đang nở một nụ cười bẽn lẽn đúng kiểu nàng dâu trước họ hàng nhà chồng…

Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ve-que-152103.bbg