Vệ sinh đồng ruộng để sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 hiệu quả
Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu (HT) 2020, ngành Nông nghiệp cùng địa phương đã khuyến cáo nông dân chủ động vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị vụ Đông Xuân (ĐX) 2020-2021 để sản xuất hiệu quả.
Chuẩn bị vụ Đông Xuân 2020-2021
Vụ lúa HT 2020, toàn tỉnh gieo sạ 220.013ha, đạt 100,1% kế hoạch, trong đó đã thu hoạch 128.391ha, năng suất khô ước đạt 50,3 tạ/ha, sản lượng 645.541 tấn, diện tích còn lại khoảng 91.622ha, lúa đang ở giai đoạn trổ - chín. Tại một số huyện, nông dân đã tranh thủ gieo sạ lúa Thu Đông 2020 sớm ngay sau khi thu hoạch lúa HT mà không vệ sinh đồng ruộng nên rất dễ tạo điều kiện cho lúa chét phát triển, làm cầu nối lây lan sâu, bệnh cho vụ ĐX 2020-2021, trong đó các đối tượng khó quản lý nhất là sâu năn, chuột, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá,...
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc sản xuất vụ ĐX góp phần làm tăng giá trị sản xuất/hécta canh tác, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Do đó, các địa phương phải thống nhất quan điểm chỉ đạo, tập trung đẩy mạnh công tác chỉ đạo sản xuất vụ ĐX trên địa bàn, hoàn thành mục tiêu về diện tích và cơ cấu các loại cây trồng đã đề ra. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tập trung tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chủ động vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị vụ ĐX hiệu quả. Ông Trần Văn Kia, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, cho biết: “ĐX là vụ lúa chính trong năm nên công đoạn làm đất phải đầu tư thật kỹ. Sau khi thu hoạch lúa HT, tôi đã vệ sinh đồng ruộng, gia cố bờ bao để quản lý nước. Rơm rạ trên ruộng có thể loại bỏ ra khỏi ruộng hoặc cày vùi và phun nấm Trichoderma giúp phân hủy nhanh rơm rạ để giảm ngộ độc hữu cơ. Sau khi thu hoạch lúa xong, gốc rạ được trục để chôn vùi xuống đất sâu và cho ngập nước tối thiểu 3 tuần trước khi gieo sạ; xới đất tơi xốp và san phẳng mặt ruộng. Chúng ta cần làm kỹ như vậy để tránh sâu, rầy di trú ảnh hưởng những vụ sau”.
Tại thị xã Kiến Tường, vụ HT 2020 gieo sạ trên 14.400ha. Lúa đang trong giai đoạn thu hoạch. Hiện ngành Nông nghiệp và các xã, phường trên địa bàn thị xã tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh đối với số diện tích lúa chưa thu hoạch; khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng để có biện pháp phòng trị sâu, bệnh kịp thời và sớm phát hiện lúa bị đổ ngã do mưa giông để nhanh chóng bơm thoát nước nhằm tránh những thiệt hại trong sản xuất. Để sản xuất vụ HT hiệu quả và chuẩn bị vụ ĐX 2020-2021, Bí thư Thị ủy Kiến Tường - Nguyễn Minh Lâm đề nghị các xã, phường tập trung hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch; triển khai công tác sản xuất vụ mùa trên địa bàn kịp thời gian và thời vụ; tăng cường công tác thông tin về hiệu quả, tác dụng của sản xuất vụ ĐX; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng các khu đê bao, đường nội đồng để bảo đảm tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa và sản xuất nông nghiệp của nông dân. Ông cũng yêu cầu các ngành chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra các công trình hạ tầng nông thôn phục vụ dân sinh, hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất.
Hạn chế phát tán sâu, bệnh
Để ngăn chặn và hạn chế sự phát tán của sâu, bệnh cho vụ ĐX 2020-2021; đồng thời làm tăng độ phì của đất, giảm ngộ độc hữu cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa, Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, vận động người dân tiến hành cày, xới, vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa HT, Thu Đông 2020, lưu ý cày vùi rơm rạ kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học giúp rơm rạ được phân hủy nhanh, không để lúa chét trên đồng trong thời gian nghỉ vụ đón lũ, tăng độ phì của đất; phát quang bụi cây, làm sạch cỏ bờ mương, bờ ruộng, tiêu hủy lúa chét còn sót,... để cắt dứt mầm sâu, bệnh lây lan sang vụ ĐX 2020-2021; tổ chức phát động các đợt diệt chuột, ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công, sinh học, hóa học,… không làm ô nhiễm môi trường; gieo sạ theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo của ngành chức năng để hạn chế sâu, bệnh.
Các nhà khoa học về kỹ thuật canh tác của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo nông dân trong sản xuất phải bón phân cân đối, hợp lý, tránh bón thừa phân đạm. Cần bón phân theo nguyên tắc “5 đúng”, kết hợp khoa học với kinh nghiệm và kiểm tra thực tế trên đồng ruộng để gia giảm hợp lý trong từng điều kiện cụ thể, chống thất thoát phân bón, tăng hiệu quả phân bón. Về biện pháp quản lý dịch hại, nông dân phải phối hợp đồng bộ các khâu kỹ thuật như chọn giống, kỹ thuật canh tác, biện pháp sinh học và biện pháp hóa học vào chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp trên ruộng lúa. Bên cạnh đó, nông dân cần thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện dịch hại kịp thời để phòng trị tương ứng với các thời kỳ sinh trưởng./.