Vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng (phải) và lãnh đạo Sở Y tế (trái) đi kiểm tra thực địa hoạt động tổng vệ sinh, diệt bọ gậy tại Tuy An, khi sốt xuất huyết bùng phát mạnh. Ảnh: YÊN LAN
Công tác khắc phục hậu quả bão lụt được ngành Y tế tiến hành khẩn trương; các trạm y tế ở vùng trũng thấp đã hoạt động bình thường; khoảng 10.500 giếng nước của người dân được khử khuẩn. Ngành Y tế khuyến cáo người dân ăn chín uống sôi, tổng vệ sinh diệt bọ gậy, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, BSCKI Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, nhấn mạnh đến mối lo dịch bệnh phát sinh sau mưa lụt, nếu người dân không tích cực tham gia tổng vệ sinh, diệt bọ gậy và duy trì hoạt động này thường xuyên.
* Thưa bác sĩ, Sở Y tế đã chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lụt như thế nào để hoạt động khám chữa bệnh nhanh chóng trở lại bình thường, nhất là ở những vùng trũng thấp?
- Sau bão lụt, Sở Y tế tổ chức 2 đoàn đi kiểm tra tại các địa phương bị ngập lụt nặng như: Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu và Tây Hòa. Có 7 trạm y tế bị ngập. Trong đó, Đồng Xuân có trạm y tế xã Xuân Sơn Bắc; Tuy An có 3 trạm y tế ở An Định, An Dân và An Thạch; TX Sông Cầu có 2 trạm y tế ở Xuân Lâm và Xuân Phú. Có trạm y tế ngập đến 2m. Trước đó anh em đã chủ động chuyển thiết bị y tế, thuốc lên cao nên không thiệt hại.
Sau lụt, các trạm y tế bị ngập đã được bộ đội, thanh niên địa phương và lực lượng xung kích của trung tâm y tế hỗ trợ tổng vệ sinh. Nhân viên y tế của trạm cùng nhân viên y tế thôn xử lý vệ sinh môi trường ở cộng đồng. Chưa đầy một ngày sau, hoạt động khám chữa bệnh trở lại bình thường. Nơi nào không bị chia cắt, người dân vẫn đến khám chữa bệnh. Không chỉ khám chữa bệnh, các trạm y tế ở vùng trũng thấp cũng đã thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu theo lịch hoạt động, như chương trình tiêm chủng mở rộng.
* Việc khử khuẩn giếng nước sau lụt được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Nước rút ở nơi nào thì tiến hành khử khuẩn giếng nước tại nơi đó. Nhân viên y tế thôn đến từng gia đình hướng dẫn bà con lấy nước từ giếng lên, lắng, lọc rồi cho Cloramin B vô theo quy định, đồng thời nhắc bà con chỉ uống nước sau khi đã đun sôi. Đến 15 giờ 30 ngày 14/11, theo báo cáo của các trung tâm y tế, có khoảng 10.500 giếng bị ngập, ô nhiễm đã được xử lý. Ngành Y tế đã sử dụng 195kg Cloramin 70% và 200.000 viên Cloramin B. Hóa chất khử khuẩn vẫn còn, đủ để người dân khử khuẩn nếu tiếp tục xảy ra mưa lụt.
* Sau lụt, một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Bác sĩ khuyến cáo gì cho bà con phòng ngừa dịch bệnh?
- Thường thì sau lụt có một số bệnh dễ phát sinh, ví dụ bệnh ngoài da, bệnh về tiêu hóa. Vì vậy, người dân phải ăn chín uống sôi, vệ sinh thân thể. Và cần hết sức lưu ý phòng chống sốt xuất huyết. Bởi vì còn nước đọng, bởi vì chung quanh nhà có những vật phế thải đọng nước mưa, nếu không xử lý hết thì đó là môi trường thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều ổ dịch. Đến tuần 45, biểu đồ theo dõi sốt xuất huyết vẫn chưa đi xuống.
Ngành Y tế tham mưu, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ngành cũng đã chỉ đạo tăng cường điều tra côn trùng, điều tra ca bệnh để xác định xã nào, vùng nào có nguy cơ cao. Và ngành Y tế xử lý hóa chất chủ động với quy mô có thể là toàn thôn, toàn xã, nếu thấy nguy cơ cao.
Để phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần tự giác tổng vệ sinh, diệt bọ gậy thường xuyên. Đặc biệt, sau lụt, nếu chúng ta không tích cực vệ sinh môi trường thì dịch bệnh rất dễ phát sinh.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Thường thì sau lụt có một số bệnh dễ phát sinh, ví dụ bệnh ngoài da, bệnh về tiêu hóa. Vì vậy, người dân phải ăn chín uống sôi, vệ sinh thân thể. Đặc biệt, tích cực vệ sinh môi trường để phòng chống sốt xuất huyết.
BSCKI Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/248931/ve-sinh-moi-truong-phong-ngua-dich-benh.html