Về Sóc Trăng xem đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer

Không biết từ bao giờ, đua ghe Ngo (tiếng Khmer là Prònăng tuuk Ngoo) đã trở thành môn thể thao hấp dẫn không thể thiếu trong Lễ hội Ok Om Bok truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm nay, hoạt động này diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11 (14 và 15/10 âm lịch).

Chung kết nam ở nội dung 1.200m giữa đội ghe Ngo chùa Tum Núp 2 và đội ghe Ngo chùa Nô Rên Răng Sây. Ảnh: Phương Nghi

Chung kết nam ở nội dung 1.200m giữa đội ghe Ngo chùa Tum Núp 2 và đội ghe Ngo chùa Nô Rên Răng Sây. Ảnh: Phương Nghi

Theo ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng: Điểm nhấn của Lễ hội Ok Om Bok là đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng với 46 đội ghe Ngo tham dự (đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, thành phố Cần Thơ), trong đó, có 6 đội ghe Ngo nữ với 2 nội dung thi đấu 1.000m đối với nữ, 1.200m đối với nam, diễn ra trên sông Maspero (phường 4, thành phố Sóc Trăng).

Ghe Ngo có chiều dài từ 25-30m, trên ghe từ 52 đến 60 tay bơi, mũi và đuôi ghe cong vút tạc hình rắn thần Naga, thân ghe chạm hoa văn hình kỷ hà và được sơn màu sắc sặc sỡ. Mỗi chiếc ghe Ngo có những biểu tượng khác nhau thường là khala (con cọp), rồng, sư tử, cá pon-co... và được điêu khắc ở mũi ghe.

Hòa thượng Tăng Nô, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Khleáng (thành phố Sóc Trăng) nói: “Đua ghe Ngo không chỉ là phong tục mà còn thể hiện ý chí đua tranh và khát vọng chiến thắng. Mỗi chiếc ghe Ngo thường đại diện cho một chùa hoặc một phum sóc. Nghi thức truyền thống tiễn đưa thần nước, sau mùa gieo trồng về với biển cả. Ngồi mũi ghe là một vị lão làng cầm chịch, giữa ghe là một vị giữ nhịp bằng cồng hoặc bằng còi. Trong đua ghe Ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ”.

Tuy chưa đến giờ khai cuộc giải đua ghe Ngo tại Lễ hội Ok Om Bok, nhưng ngay từ sáng sớm ngày 26/11, từng tốp người nườm nượp đổ về khu vực khán đài đường đua ghe Ngo bên bờ kè sông Maspero để chứng kiến cuộc so tài giữa các đội ghe trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng. Nhiều tuyến đường đổ ra khán đài đua ghe chật kín người và xe, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Sóc Trăng đã phải “căng” hết mình để điều tiết giao thông.

Đến giờ khai cuộc, khi một hồi còi hiệu lệnh xuất phát vang lên, từng cặp ghe đua phóng nhanh về đích. Tiếng trống, tiếng loa vang vang hòa trong tiếng reo hò vỗ tay cổ vũ náo động cả mặt sông, hàng chục vạn đôi mắt chăm chăm theo dõi từng cặp ghe đua với trăm đôi tay chèo lực lưỡng cuồn cuộn cơ bắp căng vồng cúi rạp người vung chèo đều tăm tắp theo nhịp thổi tu huýt, phiêng la đẩy chiếc ghe Ngo vút mũi phóng nhanh tranh nhau về đích.

Sau 4 vòng tranh tài quyết liệt và hấp dẫn, có mặt trên sông Maspero, chuẩn bị tranh chức vô địch giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023, anh Lâm Vũ - vận động viên của đội ghe Ngo chùa Nô Rên Răng Sây (chùa Ông Kho), thị trấn Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Tính đến nay, tôi đã tham gia đội ghe của chùa được 9 năm. Đua ghe đã ăn sâu vào máu, vì vậy, đến mùa đua, dù đi đâu cũng phải quay về nhà để tập luyện và thi đấu. Bây giờ, anh em vận động viên ai cũng chuẩn bị tinh thần, đoàn kết với nhau để thi đấu thật tốt. Chúng tôi sẽ cùng nhau giữ gìn và phát triển môn thể thao truyền thống của dân tộc ngày càng mạnh”.

Trước ngày hội đua ghe Ngo, các chùa phải chuẩn bị cách đó cả tháng để tuyển chọn các tay bơi là những chàng trai Khmer khỏe mạnh trong các phum sóc để tập dượt sức dẻo dai, bơi đều nhịp mái chèo. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất của các đội ghe chính là sự đồng lòng của cộng đồng cư dân trong phum sóc, từ người huấn luyện đến các vận động viên trong từng nhịp còi và nhịp dằm.

Anh Thạch Dương, Đội trưởng Đội ghe Ngo chùa Tùm Núp 2 (xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, đua ghe Ngo là một trong những sự kiện quan trọng mà đồng bào Khmer chờ đợi nhất trong năm. Nhìn những lượt ghe thi nhau về phía trước trong tiếng reo hò vang dội, bao mệt nhọc bỗng tan biến hết. Tình cảm của các dân tộc anh em từ đó mà thêm gắn kết, bền chặt hơn. Mặc cho cái nắng oi ả, hàng chục nghìn người, già có, trẻ có, đứng dọc hai bên dòng sông Maspero cùng hò “Hây dơ dơ hây dơ môn” thật hào hứng và sôi động.

Sau hai ngày thi đấu quyết liệt, ở nội dung nữ, đội chùa Tum Núp (xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã giành ngôi vô địch, về nhì là đội ghe chùa Ô Chum (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Ở nội dung nam, nhờ sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà và có sự đầu tư kỹ và tập luyện bài bản nên đội ghe chùa Tum Núp 2 (xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã tỏ ra vượt trội và đăng quang chức vô địch, vị trí thứ hai thuộc về đội ghe Ngo chùa Nô Rên Răng Sây (thị trấn Châu Hưng, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).

Đến Sóc Trăng, du khách được tham gia Lễ cúng trăng mừng Lễ hội Ok Om Bok, thưởng thức cốm dẹp và còn được xem đua ghe Ngo truyền thống mang đậm dấu ấn và truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer. Đến đây, du khách mới biết tâm trạng háo hức xem đua ghe Ngo của đồng bào Khmer - thương hiệu du lịch nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ve-soc-trang-xem-dua-ghe-ngo-truyen-thong-cua-dong-bao-khmer-post469687.html