Về Sòng Sơn nghe hát văn
Chầu văn đáng nghe nhất là khi sự tĩnh lặng bao trùm không gian, người nghe như ngấm từng giọt đàn, rõ từng âm phách, ca từ nhấn nhá, nhả ra từ miệng cung văn. Tôi đã nghe và cảm nhận điều đó đầy đủ nhất từ Đền Sòng Sơn trong một đêm cuối năm. Có cảm giác như muốn lắc lư, uốn lượn theo lời hát, nhịp đàn...
Một buổi hát văn ở Đền Sòng. Ảnh: Thúy Hòa
Ở tận cùng phía Bắc của Thanh Hóa theo con đường thiên lý Bắc - Nam là vùng đất gắn liền với tín ngưỡng, vừa ẩn mang giá trị lịch sử, văn hóa, lại thấp thoáng sự huyền bí của dã sử. Nơi ấy có những điều, mà chỉ cần một lần được nghe, được nhìn, đã đắm say, nghiêng ngả. Trong số đó, ấn tượng nhiều nhất với tôi chính là nghi thức diễn xướng chầu văn trong những khóa lễ ở Đền Sòng Sơn.
Thực ra chầu văn bây giờ có mặt ở khắp phía Bắc, chứ không cứ Sòng Sơn, nhất là ki thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lần đầu nghe chầu văn ở Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) đúng chính lễ tháng 3 trong khung cảnh “ngựa xe như nước”, mỗi người chỉ có một chút không gian rất nhỏ để hít thở, nhưng khi tiếp nhận âm sắc lãnh lót, uốn lượn từ miệng cung văn, người như tỉnh lại.
Những giá đồng có sự huyền bí riêng, chỉ tiếp cận dưới góc độ tín ngưỡng mới có thể thỏa mãn sự tò mò. Biểu diễn chầu văn ở Phủ Dầy và nhiều đền, phủ khác thuộc đồng bằng nam sông Hồng, theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, chủ yếu là mang phong cách của chầu văn Nam Định, tức là nghệ thuật nặng tính bản địa.
Hát văn theo lối Nam Định thường thô mộc, giản dị, đặc trưng dân dã. Các cung văn không sử dụng nhiều hệ thống nảy, hạt trong thanh nhạc cổ truyền. Còn hát văn theo phong cách Hà Nội lại sử dụng nhiều kỹ thuật, đề cao sự hoa mỹ, bay bướm, có sự tinh tế. Cách ém hơi gần với làn điệu chèo và mang âm hưởng của ca trù, tạo cảm giác thăng hơn trong các giá hầu của thanh đồng.
Nhiều đền, phủ ở Thanh Hóa như Đền Sòng Sơn, Đền Cô Chín, Đền Ba Bông… thường có sự phục vụ của cung văn đến từ kinh kỳ, mang phong cách Hà Nội, dù rằng hệ thống thờ tự ở đây không khác nhiều Phủ Dầy.
Trình diễn chầu văn tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Ảnh: MC
Đền Sòng Sơn cũng giống Phủ Dầy, đều thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một nhân vật gắn liền với nhiều điều huyền bí, tương truyền đã giáng trần một số lần, trong đó có hai địa danh là Vụ Bản, Nam Định và Phố Cát - Sòng Sơn ở xứ Thanh. Sau này người dân và chính quyền sở tại đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao tế thế của bà. Trong dân gian có câu ca rằng: “Nhất vui là hội Phủ Dầy. Vui thì vui vậy không tày Sòng Sơn”. Xung quanh hệ thống thờ tự của hai phủ, đền này có những nét tương đồng, tương truyền rất linh thiêng, vui vầy không tả nổi, không nơi nào sánh được, chính lễ tiếng chầu văn vang vọng.
Mà cũng chẳng cần đến chính lễ, các bản hội bây giờ tổ chức đi lễ quanh năm, trong đó một phần không thể thiếu khi về với Phủ Dầy hay Đền Sòng Sơn là tổ chức hầu đồng, hát văn.
Trình diễn chầu văn tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Ảnh: MC
Tại Đền Sòng Sơn, các thanh đồng thường hát bài “Cô Chín Sòng Sơn”. Đây là bài chầu văn ca ngợi Thánh cô nổi tiếng nhất trong các Thánh cô. Tương truyền, Cô Chín hay ngự đồng, hầu hết thanh đồng khi hầu Thánh đều có hầu giá Cô Chín.
Còn có truyền thuyết, Cô Chín là tiên nữ hầu mẫu trong đền Sòng, quản cai chín giếng, cô dạo chơi bốn phương, sau về đến đất Thanh Hóa thấy cảnh lạ vô biên, cô hài lòng liền hội họp thần nữ, Nhân dân cầu đảo linh ứng, liền lập đền thờ.
Bài chầu văn ca ngợi Cô Chín có đoạn: Gió thu thoảng ngát hương lan/Trăng soi chín giếng nước vàng long lanh/Thanh Hoa sơn thủy hữu tình/Có cô Chín Giếng anh linh khác thường/Sinh thời hầu cận mẫu vương/Dọn hàng quán mát âm dương núi Sòng…
Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với lời văn trau chuốt, nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Sau khi múa, các thánh thường ngồi nghe cung văn hát, kể sự tích, lai lịch vị thánh đang giáng.
Trong chầu văn, âm nhạc là thành phần không thể thiếu và cung văn chính là người tấu nhạc, cất lời ca phục vụ buổi lễ. Những thanh đồng, cung văn, nhạc công là một phần tất yếu, để qua lời hát, những khách lễ tỏ bày sự tôn kính của mình lên thần linh, qua đó mong nhận được sự soi xét, chở che.
Dù có chút khác nhau do quan niệm và xuất xứ của khách lễ, mà cách hành lễ ở Phủ Dầy và Đền Sòng Sơn có phần khác nhau, nhưng đều có điểm chung là những khóa lễ ở đây nghi thức hầu đồng là phần chủ đạo. Muốn được hầu đồng bản hội phải đăng ký với ban quản lý di tích để xếp lịch, mà nhiều khi cũng rất khó để xếp lịch vì nhu cầu khá lớn, nhất là vào dịp “trả lễ” cuối năm và “hái lộc” đầu xuân.
Mấy năm nay, khi nhu cầu hát văn ở những đền, phủ nhiều hơn, thì những cung văn cũng xuất hiện nhiều hơn. Đây là một nghề tay ngang cho những diễn viên chèo, nghệ nhân ca trù kiếm thêm thu nhập, bởi mỗi ca nhập vai cung văn được trả rất hậu hỉnh, phụ thuộc vào sự chấm điểm của thanh đồng.
Thế nhưng có một điều là những cung văn bản địa thường rất khó để chen chân vào những giá đồng. Vì những bản hội ở phía Bắc vào Đền Sòng Sơn thường đem theo cung văn riêng. Mối quan hệ giữa những thanh đồng và cung văn là mối quan hệ có tính “lương duyên”, chưa chắc hát hay đã được chọn, chưa chắc lấy công rẻ đã được đón. Nó còn phải là điều gì đó, mà chỉ riêng họ mới hiểu hết.
Trình diễn chầu văn tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Ảnh: MC
Gác lại sự phức tạp phía hậu trường những buổi hầu đồng, điều còn lại đó là một loại hình nghệ thuật rất đặc sắc, nói hơi quá, nghe nhiều cũng trở nên nghiện.
Từng nghe nhiều bài chầu văn và giọng hát văn, tôi vẫn cho rằng, chầu văn đáng nghe nhất là khi sự tĩnh lặng bao trùm không gian, người nghe như ngấm từng giọt đàn, rõ từng âm phách, ca từ nhấn nhá, nhả ra từ miệng cung văn. Tôi đã nghe và cảm nhận điều đó đầy đủ nhất từ Đền Sòng Sơn trong một đêm cuối năm. Có cảm giác như muốn lắc lư, uốn lượn theo lời hát, nhịp đàn.
Phải khẳng định, khi nhập tâm, thì chầu văn luôn đem đến cho người nghe cảm giác rất khó tả, như dẫn lối ta đến với điều gì đó rất lạ, tâm hồn nhẹ nhàng hơn.
Khác với sự ồn ào, náo nhiệt trên con đường thiên lý Bắc - Nam chỉ cách Đền Sòng Sơn hơn trăm mét, bước qua cánh cổng đền, là một không gian khác, không chỉ bởi nghi ngút khói hương, mà chính là sự réo rắt của tiếng đàn, giọng lảnh lót, nhấn nhá, nhả ra từ miệng cung văn. Có gì đó thật huyền bí, nhưng cũng thật gần gũi với đời sống, dù rằng sự thay đổi về văn hóa trong cuộc sống hiện đại đang dâng trào một cách mạnh mẽ trong mỗi lòng người, làm cho nhu cầu thưởng thức âm nhạc có sự dịch chuyển.
Đã có một thời hầu đồng bị quan niệm là hình thức mê tín, dị đoan, bị cấm, những người tổ chức thường phải lén lút. Nhưng công cuộc đổi mới đã “cởi trói” cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này, đưa nó đến gần hơn đời sống. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, chầu văn dù thịnh thế, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều người nghe, chính vì sự cầu kỳ vốn có.
Từ lần nghe hát chầu văn ở Phủ Dầy, sau đó là ấn tượng rất mạnh trong đêm hầu đồng ở Đền Sòng Sơn với những điều rất riêng biệt, tôi cứ ước mong loại hình nghệ thuật này một ngày nào đó sẽ “hiên ngang” bước ra sân khấu đương đại, để “so găng” với những loại hình nghệ thuật đang ăn khách, chứ không phải chỉ bó hẹp trên tấm chiếu nhỏ, được điều hành bởi những thanh đồng, phục vụ chủ yếu cho tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu và các Quan Hoàng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/ve-song-son-nghe-hat-van/130498.htm