Về tập thơ đầu tiên khi tái lập tỉnh Phú Yên

Cách đây 35 năm, với ước mong đáp ứng kịp thời đời sống tinh thần giới văn hóa văn nghệ và công chúng của một tỉnh vừa được tái lập, tập thơ Cảm nhận ra đời, bước đầu giới thiệu sáng tác của 25 tác giả là người Phú Yên và một số nhà thơ đã từng đến đây công tác.

Thơ của những người đang sống và làm việc ở Phú Yên

Bìa tập thơ “Cảm nhận”. Ảnh: NGUYỄN TƯỜNG VĂN

Bìa tập thơ “Cảm nhận”. Ảnh: NGUYỄN TƯỜNG VĂN

Tập thơ Cảm nhận được Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên cấp phép xuất bản ngay khi tỉnh vừa tái lập (tháng 7/1989) do Giám đốc sở Bùi Tân chịu trách nhiệm. Ban biên tập gồm: Đào Khải, Ka Sô Liễng, Nguyễn Phụng Kỳ và họa sĩ Phạm Ngọc Trân - Giám đốc Nhà văn hóa Diên Hồng trình bày ấn loát mỹ thuật sách. Tuy cũng đủ bộ phận cho việc ra đời một tác phẩm nhưng tiến hành tập sách đầu tiên này chủ công là nhà thơ Đào Khải, Phòng Quản lý xuất bản của sở trực tiếp thực hiện.

Như lời giới thiệu ngắn gọn của ban biên tập, đây là “thơ của những con người đang sống và làm việc nơi non nước Phú Yên, cho thấy những sắc thái khác nhau của những cảm nhận thơ giữa lòng miền đất này”. Mở đầu tuyển tập là cây bút Đoàn Anh (tức Phạm Văn Tu), quê phường 3, TP Tuy Hòa. Tác giả này sáng tác thơ ngay thuở ông gia nhập bộ đội đánh Pháp. Qua bao gian truân, ngày Phú Yên được trở về bản quán, lòng ông rộn niềm vui: Ôi, có cuộc đoàn viên nào so sánh được/ Tưởng bao giờ mà hóa bây giờ/ Tuy Hòa đó hôm nay gặp lại/ Qua bao năm gian khổ trường chinh/ Nhưng vẫn một Tuy Hòa thiết tha chung thủy/ Vàng rực lúa vàng xanh mãi biển xanh (Gặp lại).

Cùng tâm trạng, nhà thơ Văn Công lên đường tham gia kháng chiến từ thời Nam tiến và xin nhận Phú Yên là quê hương thứ hai của mình, nên khi được trở lại nơi này, hồn thơ Văn Công thăng hoa chưa từng có: Tôi trở về đây dưới nắng hồng/ Đà Rằng biêng biếc nước xanh trong/ Chóp Chài vời vợi mênh mông gió/ Nhạn Tháp vòi thơ ánh điện lồng (Về lại Tuy Hòa).

Còn nơi miền quê thôn dã, cảnh quan thanh bình êm ấm đón những người con đi qua chiến tranh trở về, trong bài Bà mẹ Hòa Quang, tác giả Nguyễn Hữu Hạnh đã khắc họa: Trên đường làng còn dấu chân trâu/ Anh bộ đội trở về ngôi nhà cũ/ Nơi cây lá đã một thời thức ngủ/ Nơi căn nhà nâng bước chân anh.

Với niềm hân hoan người con đất Phú từng trải trận mạc, buổi thanh bình náo nức dựng xây quê hương, Về với quê hương, nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ xúc động với hiện thực: Tạm biệt Nha Trang tôi về lại Phú Yên/ Quê hương còn nhiều gian khổ/ Tháng bảy gió nam cồ lũy tre quanh làng tơi tả/ Tháng mười bấc thổi hàng dừa ven biển xác xơ/ Biển Tuy Hòa chưa có hoa thơm/ Đồi cát trập trùng xe đang san ủi/ Lòng đất lòng người nửa mừng nửa tủi/ Bao năm trường khao khát chờ mong.

Khát vọng để Phú Yên vươn lên

Cùng với niềm vui xây dựng của buổi đầu tỉnh nhà tái lập, tác giả Bằng Tín đã cho thấy điểm sáng trong bài Những xã viên đầu bạc: Lòng già như trẻ lại mê say/ Các cụ họp bàn việc làng, việc nước/ Trồng rặng bạch đàn trên con đường xóm trước/ Cất thêm ngôi trường mẫu giáo đầu thôn…/ Gió vẫn cần cù thổi dọc triền sông/ Đội sản xuất của những xã viên đầu bạc!

Ăn quả nhớ người trồng cây, nhà thơ Liên Nam trong bài Phú Yên ơi, ông đã thốt: Sẽ là cái gì nếu chẳng có Nhân dân/ Nếu chẳng có máu xương người đã khuất/ Phú Yên ơi cái tên người trong chiến tranh sáng rực…, để hòa bình mang lại hạnh phúc cho bao người như tác giả Lê Khánh Nam đã rung cảm: Về vườn cũ tìm nhau/ Gọi lời hồng đắm đuối/ Anh hái trái tình đầu/ Cắn đến hơi thở cuối! (Hương xưa).

Thiên nhiên nơi quê hương Phú Yên vô cùng hào phóng, vì vậy biển đã níu chân tác giả Phan Xuân Luật đến đây khi vừa tái lập tỉnh: Hòa bao giọt lệ long lanh/ Tình yêu thành sắc biển xanh bây giờ/ Biển như lòng mẹ vô bờ/ Ru tình yêu trẻ bốn mùa đắm say/ Ngàn năm sau ở chỗ này/ Vẫn lời biển kể chuyện nay chúng mình (Thơ về biển).

Quê hương hoa vàng cỏ xanh không chỉ biển đảo, đồng bằng tươi đẹp mà núi rừng, sông suối cũng vô cùng hấp dẫn. Cách đây 35 năm, tác giả Đỗ Chu Thăng bị vực Phun, Hòa Mỹ (huyện Tây Hòa) quê ông hớp hồn bởi vẻ đẹp thần tiên: Thác đổ/ Trước mắt ta như mây trời rụng xuống/ Sương mờ mờ bay/ Khói là là bay/ Và réo gọi ầm ầm như đất - trời đụng độ/ Vực thì cứ sâu/ Nước đang bạc bỗng hóa màu xanh thẳm… rồi: Ta ngước lên trời đẹp vô cùng/ Suối rớt xuống giữa hai bờ vai núi! Bất giác tác giả liên tưởng tới Cao Bá Quát thuở xưa: Kho trời chung, vô tận của mình riêng. Và hình như nhà thơ khao khát làm du lịch từ độ ấy: Núi rừng ơi! Quê hương ơi!/ Không cách gì ngăn ta trở lại/ Xin một lời nhắn tận phương xa (Về vực Phun).

Buổi đầu tái lập tỉnh, Phú Yên mê hoặc lắm tao nhân mặc khách. Nhạc sĩ Ngọc Quang không thể không làm thơ: Anh không thể diễn đạt lòng mình bằng ngôn ngữ/ Đành mượn âm thanh để bày tỏ tấm lòng… Anh góp nhặt âm thanh để tạo nên giai điệu/ Anh phổ lời ca bằng khát vọng tâm hồn (Chắt lọc).

Còn nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh của tập thơ, song tựu trung đều bày tỏ những gam màu tình cảm tốt đẹp khác nhau về Phú Yên cách nay hơn 1/3 thế kỷ. Thi phẩm Cảm nhận đã chào đời sau những cực nhọc thai nghén, sinh nở giữa những ngày tháng 7/1989. Nhìn lại tập sách đầu tiên khi vừa tái lập tỉnh qua 35 năm, người còn kẻ mất, song khát vọng trong thơ để Phú Yên vươn lên đẹp giàu, nhân ái, hạnh phúc là trường tồn bền vững.

NGUYỄN TƯỜNG VĂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/320657/ve-tap-tho-dau-tien-khi-tai-lap-tinh-phu-yen.html