Về thăm cô lớp mình

Còn nhớ năm nào, khi tiễn chúng tôi ra trường, đám học trò sụt sùi nước mắt bên cô chủ nhiệm: Cô ơi, hàng năm cho bọn em một ngày để trở về. Từ đó ngày 20-11 những năm đầu đã trở thành ngày hội ngộ của cô trò, dẫu không năm nào đủ đầy hết trò cũ.

Chúng em yêu cô. (ảnh minh họa)

Chúng em yêu cô. (ảnh minh họa)

Vì mới ra trường, còn là sinh viên nên chúng tôi chuẩn bị quà rất đơn sơ, chỉ là một quyển sổ hoặc chậu hoa, xịn lắm là bộ ấm chén. Vậy mà lúc đến thăm, cô sợ chúng tôi đói nên nấu cơm, bắt tất cả phải ở lại ăn. Đám thằng An "mập", con Phượng "hí" thay nhau trèo cây me ở cổng để hái me chín cho tụi con gái ăn và để cô nấu canh chua…. Năm nào cũng vậy, cô hỏi chúng tôi rất nhiều, từ hồi tốt nghiệp việc học hành ra sao, gia đình thế nào? Cô hỏi từng bạn trong lớp giờ đi học hay làm ở đâu?... Nhìn chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, nói nói cười cười, ăn miếng trả miếng nhau như hồi còn ngồi chung trong lớp, cô hạnh phúc nhắc tên và tả lại tính cách từng bạn trong lớp, khiến ký ức về tuổi học trò với bao kỷ niệm vô tư, hồn nhiên cứ thế ùa về trong tôi. Cô hồi đó là giáo viên dạy môn Anh và cũng là giáo viên chủ nhiệm 3 năm cấp ba của tôi. Cô rất hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, trầm lắng nên mỗi lần cô lên lớp là ai cũng hào hứng nghe cô giảng. Cô không bao giờ phạt học sinh, chỉ nhắc nhở, khuyên răn mỗi lần chúng tôi bày trò nghịch ngợm. Sau này, khi chúng tôi chuẩn bị thi đại học, cô đã dành riêng thời gian rảnh rỗi để phụ đạo cho những bạn trong lớp theo khối D mà không thu tiền. Cô đã động viên, chăm sóc chúng tôi như những đứa con của mình. Đám học trò xưa bao năm về với cô, dẫu biết rằng không chỉ vì thăm cô mà còn là dịp để được gặp nhau, được biết tin về nhau, được bỏ hết mọi gánh nặng cuộc sống, tìm một chút thanh thản, trong veo cho tâm hồn như ngày nào, để được nghịch ngợm, hồn nhiên, quậy phá đủ trò thật vô tư.

Những lần họp lớp dịp 20-11 mấy năm đầu tiên của lớp tôi khá đông. Nhưng dần dần, do nhiều nguyên nhân các bạn về thăm cô thưa thớt dần. Đến giờ, chỉ còn mấy gương mặt quen thuộc, hầu hết đó là những bạn hồi còn đi học đều sôi nổi, nhiệt tình và chơi thân với nhau. Riêng tôi, mấy năm gần đây, do công tác xa quê, tôi không thể về thăm cô. Năm nay, tôi trở lại thăm cô giáo. Đường vào nhà cô đã khác xưa nhiều, hai bên hàng rào không còn dãy hoa cúc dại, cây me trước cổng cũng đã bị chặt. Giờ hai bên đường đã xây tường, chiếc cổng tre đã được thay bằng cửa sắt. Duy chỉ có ngôi nhà ngói vẫn vậy, rong rêu phủ lên mái làm cho ngôi nhà trở nên cũ kỹ, cổ kính hơn. Cũng đã 5 năm rồi, tôi mới về quê nhà thăm cô dẫu vẫn thường xuyên gọi điện, liên lạc cùng cô. Mọi thứ có vẻ thay đổi nhiều, mái tóc cô cũng đã điểm những sợi bạc, mắt cô không còn sáng tỏ, khuôn mặt cô đã có nhiều nếp nhăn...

Cô giáo như mẹ hiền. (ảnh minh họa)

Cô giáo như mẹ hiền. (ảnh minh họa)

Rót ly nước trà nóng, cô vẫn nhìn tôi với ánh mắt trìu mến: "Các em giờ đã trưởng thành và thành đạt hết rồi, cô mừng lắm!". Tôi nói vui: "Em tưởng cô thoát được những đứa học trò nghịch ngợm như lớp mình thì cô mừng chứ!". Nghe tôi đùa mà ánh mắt cô nhìn xa xăm. Cô thầm thì như tâm sự: "Em có biết cô rất tự hào hai từ gọi "lớp mình" ngày xưa không? Những ngày ấy nếu không có đám học trò dễ thương các em, có lẽ cô khó mà đứng vững được trên bục giảng. Cuộc sống gia đình bao khó khăn, cái nghèo, cái khổ áo cơm cứ vây quanh nhưng chính "lớp mình" nghịch ngợm, đáng yêu và rất thành công này là động lực giúp cô khó lòng tách rời nghề nhà giáo". Nghe cô nói mà lòng tôi xốn xang, bồi hồi.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô cậu non tơ của "lớp mình" ngày xưa giờ đã "tay bồng, tay dắt" cả rồi. Chỉ mong các bạn dù bận rộn đến đâu, dù đi xa xăm nơi nào, cũng đừng bao giờ quên nhớ về cô "lớp mình" trong ngày trọng đại của người làm nghề chở chữ cho đời!

Tạp bút Phan Thị Thanh Ly

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ve-tham-co-lop-minh-post269727.html