Về thăm di tích 'Nhà in ty-pô đầu tiên của Đảng ta'
Năm 1976, khi nhắc lại cơ sở in tại Tráng Việt, đồng chí Trường Chinh đánh giá đây là 'Nhà in ty-pô đầu tiên của Đảng ta'. Nhà in ấy nằm trong một gian nhà tranh vách đất nhô sát bờ sông thuộc làng Tráng Việt, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) bên phía tả ngạn sông Hồng.
Nhà in chỉ cách Phủ Toàn quyền và đại bản doanh của tướng Tsuchihashi, Tư lệnh Tập đoàn quân 38 quân đội phát xít Nhật chừng hơn chục cây số theo đường chim bay.
Cơ sở Trung ương Đảng
Chiều vương hạt nắng cuối ngày, nghe nói tôi từ Hà Nội lên, muốn hỏi về cơ sở Trung ương Đảng ở Tráng Việt, dù tuổi cao (đã gần 90 tuổi) sức khỏe không được tốt nhưng bà Ngô Thị Lanh vẫn nhờ con trai trưởng đưa sang.
Tôi bất ngờ và ngỏ lời xin lỗi vì để bà phải vất vả sang nhưng bà cười xòa gạt đi. Hai ngôi nhà dù ở sát nhau song với người già mỗi bước đi đều là một sự cố gắng… Cô bé Lanh mới 10 tuổi thuở nào giả vờ bế em, quét rác để canh gác mỗi khi cán bộ Trung ương Đảng họp bàn trong nhà, nay đã là cụ Ngô Thị Lanh, lão thành cách mạng cả thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đều biết tiếng.
Thoáng buồn khi nhắc đến trên bia ghi di tích có những sai sót, không nhắc gì đến tên ông nội (cụ Ngô Văn Phán) và tên cha mẹ (ông Ngô Văn Mạo và bà Hoàng Thị Long), bà Lanh chậm rãi nhớ về kỷ niệm những lần được bác Toàn (bí danh của Tổng Bí thư Trường Chinh) cử mang thư từ và tài liệu của Đảng từ Tráng Việt vào Hạ Lôi, thậm chí xa hơn, lên tận Lâm Hộ là quê ngoại của bà, trên đấy có bác Hoàng Xuân Quán, người đảng viên đầu tiên của tỉnh Phúc Yên.
Bờ đê có điếm canh số 20, mỗi khi cán bộ Trung ương Đảng ra vào Tráng Việt, nhìn trên tường thấy các vạch cong móng ngựa do bé Lanh vẽ trên đó theo ám hiệu đã quy định là biết an toàn hay phải cảnh giác hoặc có động phải rời ngay.
Sau này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết giấy chứng nhận: "Trong suốt thời gian chúng tôi làm việc hoặc đặt cơ quan in bí mật ở Tráng Việt, các đồng chí Ngô Văn Mạo, Hoàng Thị Long, Ngô Văn Suổi, ông cụ thân sinh ra đồng chí Mạo và đồng chí Suổi cùng toàn thể gia đình đã hết sức khắc phục khó khăn để chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ và vận chuyển tài liệu của Ðảng được bí mật, an toàn cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công".
Trên cơ sở đó, năm 1994, Tỉnh ủy Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ) đã ra quyết định công nhận bà Ngô Thị Lanh, cán bộ hưu trí ngành lương thực là lão thành cách mạng.
Tôi còn tìm gặp bà Ngô Thị Canh, cán bộ hưu trí của Nhà máy in Tiến Bộ, hiện sống tại Hà Nội. Bà Canh có vinh dự là một trong số công nhân đã tham gia mạ vàng hàng triệu tấm thẻ đỏ đầu tiên của Đảng.
Cũng có chung thắc mắc như chị ruột của mình, khi về Tráng Việt, đọc trên bảng giới thiệu di tích, không thấy tên ông nội và cha mẹ, bà Ngô Thị Canh thấy chạnh lòng và ngậm ngùi nhớ thương những người đã khuất: Đầu năm 1946, hai ông bà Ngô Văn Mạo và Hoàng Thị Long đều qua đời giữa lúc chính quyền cách mạng ở quê nhà còn bộn bề khó khăn.
Để biết chính xác về di tích lịch sử Cơ sở Trung ương Đảng này, tôi tìm đọc hồi ký của ông Trần Quốc Hương, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng. Năm 1943 được Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ làm Công tác đội và tìm một địa điểm bí mật mà chỉ riêng Tổng Bí thư lui tới, ông Mười Hương đã viết: Địa điểm được Đội công tác lựa chọn là gia đình cụ Ngô Văn Phán ở làng Tráng Việt. Cụ Phán hơn 60 tuổi, có hai người con trai là Ngô Văn Mạo và Ngô Văn Suổi.
Lúc này, cơ quan báo Đảng và nhà in báo Đảng đóng cùng với Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở An toàn khu (ATK). Các tờ báo Cứu Quốc và Cờ Giải phóng được in tại gia đình cụ Ngô Văn Phán. Đây là cơ sở in của Trung ương Đảng với tên gọi Nhà in Trần Phú. Cả hai tờ báo Cứu Quốc và Cờ Giải phóng đều do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách nội dung. Biên tập viên chính ban đầu có ông Lê Quang Đạo, Bí thư Ban Cán sự tỉnh Phúc Yên, sau đó ông Lê Liêm về thay.
Theo hồi ký của ông Trần Quốc Hương, ban đầu Nhà in Trần Phú dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ có các ông Phạm Đức Khiêm, Nguyễn Lương Hoàng và Đỗ Quốc Tuấn, vốn là những thanh niên công nhân của các nhà in của tư bản Pháp.
Phương tiện in ấn là mấy phiến đá mỏng làm bàn in, hộp mực, bút viết và con lăn (gọi là in li-tô). Sau đó, một nhà in ty-pô được hình thành do ông Nguyễn Lương Hoàng phụ trách. Khác hẳn với in đá trước đây, nhà in ty-pô chữ đúc chì phức tạp hơn và phải chuẩn bị nhiều thứ hơn. Với tầm nhìn xa trông rộng, đồng chí Trường Chinh yêu cầu tổ chức được một cơ quan in bằng chữ đúc ty-pô.
Có nhà in ty-pô là một thắng lợi lớn trong công tác tuyên truyền, cổ động, làm cho uy tín của Đảng ngày càng tăng, còn phía thực dân đế quốc hết sức hoang mang về sự lớn mạnh của phong trào yêu nước. Thậm chí Tổng Bí thư còn nhường hẳn địa điểm này cho nhà in, mỗi khi có việc cần, một mình đồng chí Trường Chinh tới đây, không một ai khác được đến nhà in này.
Khi Tổng Bí thư lên Tân Trào dự Quốc dân Đại hội, Trung ương Đảng quyết định đưa đồng chí Nguyễn Lam (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ) về phụ trách. Có lần, quân Nhật về làng bắt dân nhổ lúa trồng đay, nhà in phải di chuyển toàn bộ, tạm lánh lên gác chuồng trâu. Từ nhà in bí mật này, theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều tài liệu quan trọng và các ấn phẩm có giá trị đã được xuất bản, phục vụ kịp thời yêu cầu tuyên truyền cách mạng.
Hai chiến sĩ Cộng sản đầu tiên của Tráng Việt
Tháng 10 năm 1944, vợ chồng ông Ngô Văn Mạo và bà Hoàng Thị Long được Tổng Bí thư Trường Chinh tuyên bố kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là hai chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Tráng Việt. Bà Long còn được cử làm Bí thư của chi bộ ghép Nhà in Trần Phú và thôn Tráng Việt.
Một trong những nhân chứng ở nhà in là Đại tá Ngô Thành Vân nhớ lại kỷ niệm nạn đói năm Ất Dậu (1945). Cả nhà có 9 miệng ăn, phải sống qua ngày bằng củ chuối và các loại cỏ cây kiếm ngoài bờ ruộng, có lúc bí quá phải ăn cả củ dáy, loại củ đến lợn chẳng ăn nổi. Cán bộ Đảng bí mật sống trong nhà cũng phải như vậy, không ăn thì đói, ăn vào thì ngứa cổ. Đúng lúc đó Tổng Bí thư mang tài liệu về nhà in. Cụ Ngô Văn Phán biết tin đã cố chống gậy lên thôn trên vay một đấu cám, rồi sai bà cả Long đem rang lên. Trong nhà còn sót lại một ít mật mía, bà Long nấu cháo chè cám để cán bộ Đảng cùng ăn cho ấm bụng.
Bưng lên một liễn cháo chè cám cùng một chồng bát đàn (loại bát sành, miệng rộng và nông), đổ ra được đúng sáu bát, bà Long vừa rót cháo vừa nói: "Chúng em dưới nhà đã có đủ cả rồi, đây là phần của các anh".
Những cán bộ nhà in trong lòng nôn nao khó tả trước ân tình sâu nặng của gia đình mà chẳng nói nên lời. Cảm động, đồng chí Trường Chinh gặng hỏi: "Trước là chăm lo các cháu bé, các cháu đã được ăn chưa, chị cả?". Cụ Phán nói: "Các anh ơi, các anh phải sống để hoạt động, nước nhà mới được độc lập, cách mạng mới thành công chứ!". Tổng Bí thư Trường Chinh đáp: "Vâng, chúng tôi xin gia đình, xin cụ, có mấy người đây mỗi người mỗi bát, cùng ăn cho vui cả chứ ạ!".
Đại tá Ngô Thành Vân bồi hồi: "Thế là mỗi người chúng tôi tay hơi run, nghẹn ngào lần lượt nâng bát cháo chè đưa lên miệng, vừa ngon ngọt, vừa có mùi thơm cay của gừng trong chè - thắm tình máu thịt, đượm tình cá nước". Và ông ví von, có lẽ đây là "bữa tiệc" giữa dân với Đảng hiếm có trên trần gian này.
Ngày 27/1/1986, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu đã ký Quyết định số 15/VHQĐ công nhận Cơ sở của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (từ năm 1941 - 1945) thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia.
Mong Hà Nội quan tâm hơn đến di tích
Đi trên đê tả sông Hồng, từ xa du khách đã thấy tấm biển chỉ dẫn của Sở Du lịch Hà Nội được lắp mới: "Di tích Lịch sử Văn hóa - Cơ sở của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương". Ông Đặng Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, hiện nay địa phương đã có những điều chỉnh, khắc phục thông tin cho chính xác, đồng thời mong muốn thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư hơn đến di tích. Cụ thể như việc sưu tầm hiện vật, sưu tầm tư liệu để làm phong phú hơn trong trưng bày tại khuôn viên di tích.
Toàn gia cách mạng
"Chị dâu cả là chị Long, người nữ đảng viên nết na, thùy mị, tháo vát, sinh quán ở làng bên về nhà chồng đảm đương mọi việc chính trong gia đình; vừa nuôi con vừa cày bừa cấy hái với chồng, vừa hoạt động tích cực cho đoàn thể. Chị đảm nhiệm công tác tiếp liệu cho nhà in và chuyển đưa tài liệu in xong đến nơi quy định. Chính chị Long là người vận động thuyết phục bố chồng và gia đình vui lòng cho đặt cơ quan ấn loát của đoàn thể tại nhà mình. Gia đình này thực sự là toàn gia cách mạng với tinh thần yêu nước rất cao".
Đại tá Ngô Thành Vân