Về thăm làng bánh phồng trăm tuổi
Bánh phồng Sơn Đốc là đặc sản của xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, vang danh cả nước. Món bánh có hương vị thơm ngon, béo ngậy này chắc chắn sẽ khiến bạn dù chỉ ăn một lần cũng sẽ nhớ mãi.
Ông Cao Văn Măng - chủ của một xưởng bánh phồng tại ấp 1, cho biết, gia đình ông làm bánh phồng hơn 30 năm. Nhiều năm về trước, nơi này chủ yếu làm bánh phồng nếp và chỉ làm bánh phồng vào dịp Tết Nguyên đán để cúng ông bà, tặng người thân. Nếp được làm chín rồi cho vào cối quết nhuyễn, pha thêm đường và nước cốt dừa. Sau đó, bánh được cán trên lá chuối có thoa dầu dừa và đem phơi gần 1 ngày cho thật khô. Trước đây, xưởng nhà ông quết bột bằng cối đá. Mọi công đoạn như cán, phơi đều phải làm bằng tay nên năng suất thấp và phụ thuộc vào thời tiết. Tại xưởng có 2 loại: Bánh phồng mặn và bánh phồng chuối. Mười năm trước, ông đầu tư hệ thống máy quết, cán, lò sấy hàng trăm triệu đồng, cho năng suất cao hơn nhiều so với làm bánh thủ công.
Có mặt tại làng bánh phồng Sơn Đốc, kể cả vào ngày thường, không khí làm việc tại đây cũng khá nhộn nhịp. Chị Nguyễn Thị Hằng - một trong những công nhân làm việc tại xưởng của ông Măng, chia sẻ, để làm nên chiếc bánh phồng chuối, công đoạn đầu tiên là gọt vỏ củ khoai mì, rửa sạch, luộc đến khi khoai mềm thì xay nhuyễn; sau đó, cho nước cốt dừa, đường và dầu ăn vào trộn rồi chia đều bột thành những viên nhỏ và cán mỏng thành những chiếc bánh có dạng hình tròn. Công đoạn tiếp theo là cho những lát chuối mỏng lên lớp trên của bánh. Sau đó, đem phơi khô bánh dưới ánh nắng từ 3-5 giờ (tùy thời tiết) để bánh ngon và không bị mốc. Cuối cùng, bánh được cho vào bịch cột kín và tiêu thụ. Chị Hằng đảm nhận công đoạn dán chuối vào bánh phồng, mỗi chiếc bánh được trả công 300 đồng. Một công nhân lành nghề bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Công việc làm bánh đòi hỏi sự khéo tay. Nếu chuối cắt dày thì sấy lâu khô, cắt mỏng thì kém vị ngọt. Một chiếc bánh ngon đòi hỏi có vị ngọt của khoai mì, vị béo của nước cốt dừa và đặc biệt nhất là vị thơm của chuối xiêm đen.
Cách đó không xa, tại xưởng bánh phồng mì của chị Nguyễn Thị Lan Ngọc, nhiều công nhân cũng thoăn thoắt đôi tay với những công đoạn làm bánh. Đây là một trong những xưởng bánh quy mô lớn của làng nghề. Theo chị Ngọc, mỗi ngày, xưởng cho ra lò khoảng 10.000 chiếc bánh. Bánh chủ yếu được xuất đi TP.HCM và một số khu công nghiệp ở miền Đông để tiêu thụ.
Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, trừ số ít hộ còn làm theo quy trình thủ công, các hộ khác đã đầu tư máy móc hiện đại. Làng bánh phồng Sơn Đốc không chỉ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn mà còn góp phần giữ gìn làng nghề truyền thống./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ve-tham-lang-banh-phong-tram-tuoi-a150619.html